Tìm hiểu chung
Viêm mê đạo tai là bệnh gì?
Viêm mê đạo tai là sự viêm nhiễm tai trong gây ra chóng mặt. Mê đạo là một cấu trúc nằm sâu bên trong, giúp cho cơ thể giữ được thăng bằng. Nếu mê đạo bị kích ứng, nó sẽ gửi dấu hiệu sai đến não. Viêm mê đạo tai có thể kèm theo mất thính lực, chứng chóng mặt, mất thăng bằng và buồn nôn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mê đạo tai?
Các triệu chứng của bệnh viêm mê đạo tai có thể bắt đầu đột ngột, thường đến và hết, kéo dài từ dưới 1 phút cho đến nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Bệnh nhân thường chóng mặt và cảm thấy nặng hơn khi thay đổi tư thế một cách nhanh chóng. Các triệu chứng khác bao gồm hoa mắt, cảm thấy không vững, mất cân bằng, buồn nôn, ù tai, mệt mỏi và thấy mệt. Tình trạng nôn mửa có thể xuất hiện. Hầu hết khả năng nghe sẽ phục hồi về bình thường trong vòng 2 tuần.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bạn nên gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn thấy đau đầu, sốt hoặc cứng cổ và đau rát cổ nghiêm trọng. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn tham khảo bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra viêm mê đạo tai?
Nguyên nhân gây ra viêm mê đạo tai phổ biến là do nhiễm trùng virus (ở bệnh cúm hay cảm lạnh). Hiếm khi nguyên nhân là do vi khuẩn hay do nhiễm trùng tai. Các nguyên nhân khác có thể là do dị ứng hoặc một số loại thuốc có hại cho tai trong. Có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải viêm mê đạo tai?
Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả nam hay nữ. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở những người bị viêm đường hô hấp trên. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm mê đạo tai?
Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mê đạo tai:
- Uống nhiều rượu bia
- Mệt mỏi
- Bị dị ứng
- Nhiễm trùng đường hô hấp hay nhiễm trùng tai
- Hút thuốc
- Stress
Bị tác dụng phụ của thuốc (như aspirin).
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm mê đạo tai?
Bác sĩ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và xét nghiệm (đặc biệt về mắt, tai, mũi và cổ họng). Tình trạng sưng đỏ ở mũi hoặc cổ họng nhẹ có thể do nhiễm trùng virus. Đôi khi, bác sĩ có thể cho bạn làm các xét nghiệm đặc biệt đối với các triệu chứng khác như mất thính lực. Bác sĩ có thể đề nghị bạn đi khám bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng hoặc bác sĩ nội thần kinh (chuyên về bệnh hệ thần kinh). Thông thường, bạn không cần thực hiện chụp X-quang và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm mê đạo tai?
Bệnh viêm mê đạo tai thường tự khỏi, trong vòng vài ngày cho đến 2 tuần. Đối với tình trạng chóng mặt nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc meclizine. Nằm nghỉ ngơi và nhắm mắt lại sẽ làm giảm cơn chóng mặt. Thay đổi tư thế (như ngồi dậy) một cách chậm rãi cũng sẽ khiến bạn đỡ chóng mặt hơn.
Thủ thuật Epley có thể được hướng dẫn để giúp giảm chóng mặt. Người bệnh nên uống nhiều nước vì sự mất nước có thể làm các triệu chứng nặng hơn.
Các loại thuốc kháng sinh không có tác dụng do hầu hết các trường hợp bệnh không phải do nhiễm trùng vi khuẩn. Bác sĩ có thể chỉ định một loại kháng sinh duy nhất trong những trường hợp hiếm gặp khi nghi ngờ có sự nhiễm trùng vi khuẩn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm mê đạo tai?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:
- Uống nhiều nước
- Ngồi hoặc nằm xuống nếu bạn chóng mặt
- Thông báo với bác sĩ nếu các triệu chứng đột ngột trở nên nặng hơn hoặc gặp phải các tác dụng phụ của thuốc được kê đơn
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Cách chữa viêm tai giữa bằng tinh dầu
- Bà bầu bị viêm tai giữa do nguyên nhân nào?
- Viêm Tai Giữa Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị