Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Viêm lưỡi

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm lưỡi là gì?

Viêm lưỡi là một vấn đề do lưỡi bị sưng và viêm. Điều này thường làm cho bề mặt lưỡi trông trơn nhẵn.

Có nhiều loại viêm lưỡi khác nhau bao gồm:

  • Viêm lưỡi cấp tính là tình trạng viêm lưỡi xuất hiện đột ngột và thường có các triệu chứng nghiêm trọng. Đây là loại viêm lưỡi thường phát triển với một phản ứng dị ứng.
  • Viêm lưỡi mãn tính là tình trạng viêm lưỡi liên tục tái phát. Loại viêm lưỡi này có thể bắt đầu với triệu chứng của một tình trạng sức khỏe khác.
  • Viêm lưỡi teo, còn được gọi là viêm lưỡi Hunter, xảy ra khi nhiều nhú lưỡi bị mất. Điều này dẫn đến những thay đổi về màu sắc và kết cấu của lưỡi. Đây là loại viêm lưỡi thường làm cho lưỡi bóng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm lưỡi là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm lưỡi gồm:

  • Đau hoặc nhạy cảm ở lưỡi
  • Sưng lưỡi
  • Thay đổi màu sắc của lưỡi
  • Không có khả năng nói chuyện, ăn uống hoặc nuốt
  • Mất nhú trên bề mặt của lưỡi

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm lưỡi?

Phản ứng dị ứng

Các phản ứng dị ứng với thuốc, thực phẩm và các chất kích thích tiềm ẩn khác có thể làm nặng thêm tình trạng của nhú và các mô cơ của lưỡi. Các chất kích thích bao gồm kem đánh răng và một số loại thuốc điều trị cao huyết áp.

Các loại bệnh

Một số bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch có thể tấn công cơ và nhú lưỡi. Herpes simplex, một loại virus gây mụn giộp và phồng quanh miệng, có thể gây sưng viêm và đau ở lưỡi.

Nồng độ sắt thấp

Không đủ sắt trong máu có thể gây ra viêm lưỡi. Sắt điều hòa sự tăng trưởng tế bào bằng cách giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy đến các cơ quan, mô và cơ bắp. Nồng độ sắt trong máu thấp có thể dẫn đến mức myoglobin thấp. Myoglobin là một trong các protein của tế bào hồng cầu, rất quan trọng đối với sức khỏe cơ bắp, bao gồm mô cơ của lưỡi.

Chấn thương miệng

Tổn thương gây ra do chấn thương miệng có thể ảnh hưởng đến tình trạng của lưỡi. Viêm có thể xảy ra vì các vết cắt và vết bỏng trên lưỡi hoặc các thiết bị nha khoa như niềng răng.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm lưỡi?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm lưỡi như:

  • Chấn thương miệng
  • Ăn thức ăn cay
  • Đeo niềng răng hoặc răng giả gây kích thích lưỡi
  • Bị nhiễm Herpes
  • Nồng độ sắt trong máu thấp
  • Bị dị ứng thức ăn
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch

Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm lưỡi?

Nha sĩ hoặc bác sĩ có thể đánh giá tình trạng này. Họ sẽ khám miệng để kiểm tra các va đập bất thường và mụn nước trên lưỡi, nướu và các mô mềm trong lưỡi. Mẫu nước bọt và máu cũng có thể được lấy và gửi đến một phòng thí nghiệm để kiểm tra thêm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm lưỡi?

Các cách chữa viêm lưỡi thường bao gồm kết hợp các thuốc và biện pháp tại nhà.

Thuốc

Kháng sinh và các thuốc khác loại bỏ các bệnh nhiễm trùng có thể được kê toa nếu vi khuẩn có mặt trong cơ thể. Bác sĩ cũng có thể kê toa corticoid tại chỗ để giảm tấy đỏ và đau nhức.

Chăm sóc tại nhà

Đánh răng nhiều lần trong ngày có thể cải thiện sức khỏe của lưỡi, nướu và răng. Điều này có thể giúp giảm các triệu chứng liên quan đến viêm lưỡi và ngăn chặn tình trạng tái phát.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý bệnh viêm lưỡi?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với viêm lưỡi:

  • Chăm sóc răng miệng tốt. Đánh răng sạch ít nhất 2 lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần một ngày.
  • Thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung các chất để điều trị các vấn đề dinh dưỡng.
  • Tránh các chất kích thích (như thức ăn nóng hoặc cay, rượu và thuốc lá) để giảm bớt sự khó chịu.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Viêm lưỡi di trú – Loại bệnh tưởng lạ mà quen
  • Hướng dẫn cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Những sự thật về lưỡi bạn nên nghe qua ít nhất một lần