Thần kinh tiền đình là một phần của thần kinh tiền đình – ốc tai, đi qua tai trong và dễ dàng bị ảnh hưởng khi tai trong – tai giữa bị viêm nhiễm nặng. Thần kinh tiền đình đảm nhận vai trò nhận cảm thăng bằng cho cơ thể nên khi bị ảnh hưởng, người bệnh thường bị mất thăng bằng và chóng mặt dữ dội.
Tìm hiểu chung
Viêm dây thần kinh tiền đình là bệnh gì?
Viêm dây thần kinh tiền đình là bệnh lý viêm dây thần kinh ở tai trong. Bệnh làm cho dây thần kinh tiền đình bị thâm nhiễm, tổn thương cảm giác nhận cảm thăng bằng.
Triệu chứng thường gặp
Triệu chứng của bệnh viêm dây thần kinh tiền đình là gì?
Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm dây thần kinh tiền đình là:
- Đột ngột chóng mặt nghiêm trọng (cảm giác chao đảo, quay tròn)
- Mất thăng bằng
- Buồn nôn, nôn
- Khó tập trung
Viêm thần kinh tiền đình và ốc tai thường liên quan mật thiết với nhau. Viêm dây thần kinh tiền đình là tổn thương một nhánh của thần kinh tiền đình ốc tai (phần tiền đình) ảnh hưởng đến thăng bằng. Viêm dây thần kinh ốc tai ảnh hưởng đến khả năng nghe. Triệu chứng của viêm thần kinh ốc tai tương tự viêm thần kinh tiền đình nhưng có thêm dấu hiệu ù tai và/hoặc mất thính giác.
Nhìn chung, những triệu chứng nặng nhất (chóng mặt trầm trọng) chỉ kéo dài vài ngày nhưng khi mắc phải làm người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, các triệu chứng nặng thuyên giảm dần, đa phần bệnh nhân hồi phục chậm nhưng khỏi hoàn toàn sau vài tuần (khoảng 3 tuần). Tuy nhiên, vài bệnh nhân có thể còn mất thăng bằng và chóng mặt trong vài tháng.
Có thể có những triệu chứng không đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào, hãy thảo luận thêm với bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp khám bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, hãy đi gặp bác sĩ. Mỗi người sẽ có biểu hiện riêng khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh tiền đình là gì?
Viêm dây thần kinh tiền đình có thể do nhiễm virus với những triệu chứng ban đầu là đau họng, ho, cảm lạnh.
Viêm dây thần kinh tiền đình có thể gây ra bởi nhiễm vi khuẩn như viêm tai giữa hoặc viêm màng não, mặc dù nó hiếm gặp hơn. Vi khuẩn có thể tấn công tai trong của bạn nếu bị chấn thương đầu.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm dây thần kinh tiền đình?
Bạn vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin cung cấp không thay thế được những lời khuyên của bác sĩ. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để có thêm thông tin.
Chẩn đoán viêm dây thần kinh tiền đình như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm dây thần kinh tiền đình bằng cách:
- Kiểm tra thính lực
- Kiểm tra dấu rung giật nhãn cầu
- Chụp cộng hưởng từ có chất cản từ.
Chẩn đoán bao gồm kiểm tra thính lực, kiểm tra dấu rung giật nhãn cầu để chẩn đoán nguyên nhân chóng mặt.
Chụp cộng hưởng từ sọ não có chất cản từ nên được thực hiện để chắc chắn triệu chứng không gây ra do một bệnh lý khác như u não.
Điều trị viêm dây thần kinh tiền đình như thế nào?
Triệu chứng của viêm dây thần kinh tiền đình thường ổn định sau vài tuần, thậm chí khi không điều trị. Tuy nhiên, có một vài cách có thể hỗ trợ làm giảm sự trầm trọng của các triệu chứng và giúp bạn hồi phục.
Thuốc không đẩy nhanh tiến độ phục hồi nhưng có thể được kê toa để làm giảm triệu chứng. Bác sĩ có thể kê toa khi triệu chứng nặng, bao gồm thuốc:
- Benzodiazepine: giảm hoạt động của hệ thần kinh, làm hạn chế tác động của các tín hiệu bất thường tiền đình lên não.
- Thuốc chống nôn: chữa trị nôn ói.
- Kháng sinh: nếu viêm dây thần kinh tiền đình là do vi khuẩn.
- Kiểm tra tờ thông tin đi kèm với thuốc của bạn để có danh sách đầy đủ các phản ứng phụ có thể xảy ra.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào có thể giúp bạn ngăn ngừa diễn tiến viêm dây thần kinh tiền đình?
Một số lối sống và thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn xử trí viêm dây thần kinh tiền đình:
- Nếu bạn nôn, uống nước để tránh mất nước. Tốt nhất là nên uống một lượng ít nhưng nhiều lần.
- Nếu bị chóng mặt nặng, bạn nên nằm nghỉ để tránh té ngã làm cơ thể bị thương. Sau một vài ngày, triệu chứng sẽ thuyên giảm và sẽ không bị chóng mặt nữa.
Bạn có thể làm một vài điều sau để giảm thiểu cảm giác chóng mặt dai dẳng, ví dụ:
- Tránh uống rượu.
- Tránh ánh sáng chói.
- Cố gắng tránh nơi ồn và những thứ gây căng thẳng.
- Tránh lái xe, sử dụng công cụ hay máy móc hoặc làm việc nặng nếu bạn bị chóng mặt hay mất thăng bằng.
- Khi chóng mặt ổn định, bạn nên dần dần tăng các hoạt động xung quanh nhà. Bạn nên bắt đầu đi bộ bên ngoài càng sớm càng tốt. Bạn nên đi cùng người khác để có thể hỗ trợ bạn cho đến khi tự tin.
- Bạn sẽ không làm bệnh nghiêm trọng hơn bằng cách cố gắng vận động, mặc dù việc này có thể khiến bạn bị chóng mặt. Khi bạn đang hồi phục, nên tránh những nơi ồn ào, đông đúc như:
- Siêu thị
- Trung tâm mua sắm
- Đường phố
Những nơi này có thể gây cảm giác chóng mặt do bạn phải cử động mắt liên tục. Sẽ tốt hơn khi mắt nhìn tập trung một vật hơn là nhìn xung quanh.
Khi bước qua giai đoạn bệnh nặng, bạn có thể cần các hoạt động thể chất hỗ trợ hồi phục mặc dù khi mới bắt đầu sẽ không thoải mái.
Viêm thần kinh tiền đình là bệnh không phổ biến và có nguyên nhân nhiều khi không rõ ràng. Điều may mắn là bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần đến vài tháng. Trong thời gian chờ đợi bệnh phục hồi, bạn hãy thực hiện sinh hoạt theo lời khuyên của bác sĩ để tránh bị thương do té ngã và hỗ trợ tiền đình sớm bình thường trở lại.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Các chứng rối loạn tiền đình thường gặp và cách chữa trị
- Rối loạn tiền đình: Triệu chứng và dạng bệnh thường gặp (P1)
- Rối loạn tiền đình: Triệu chứng và dạng bệnh thường gặp (P2)