Tìm hiểu chung
Viêm dạ dày là bệnh gì?
Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm hoặc sưng, phù lên. Viêm dạ dày có thể xảy ra đột ngột (viêm dạ dày cấp tính) hoặc kéo dài (viêm dạ dày mạn tính). Bệnh này không nguy hiểm và có thể giảm bớt sau khi được điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm dạ dày có thể dẫn đến loét và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày?
Những người mắc viêm dạ dày thường hiếm khi thấy rõ triệu chứng cho đến khi được chẩn đoán ra bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng thông thường của viêm dạ dày mà bạn có thể nhận thấy bao gồm:
- Ăn mất ngon;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Đau vùng bụng trên;
- Đầy bụng sau khi ăn.
Nếu bị xuất huyết niêm mạc dạ dày, bạn có thể có những triệu chứng như sau:
- Phân đen;
- Nôn ra máu hoặc màu cà phê.
Tuy nhiên, bạn có thể gặp một số các triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng bệnh lý của bạn không thuyên giảm. Bạn cũng nên báo với bác sĩ nếu bạn cảm thấy dạ dày của mình khó chịu sau khi sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là aspirin hoặc các thuốc giảm đau khác. Ngoài ra, nếu bạn nôn ra máu hoặc có máu trong phân thì bạn cần lập tức gặp bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra viêm dạ dày?
Nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh viêm dạ dày bao gồm:
- Bạn có dùng một số thuốc như aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác (NSAIDs);
- Lạm dụng rượu;
- Nhiễm trùng dạ dày do Helicobacter pylori gây ra;
- Các rối loạn tự miễn (như thiếu máu ác tính);
- Trào ngược mật vào dạ dày;
- Lạm dụng ma túy.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh này?
Viêm dạ dày rất phổ biến. Tuy nhiên, bệnh lý này hay xảy ra ở những người thường sử dụng nhiều thuốc giảm đau hoặc lạm dụng rượu, bia.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày?
Có nhiều yếu tố có thể làm bạn tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày, chẳng hạn như:
- Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau;
- Tuổi già;
- Căng thẳng;
- Lạm dụng, uống nhiều rượu;
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm dạ dày?
Thông thường, bác sĩ thường chẩn đoán bệnh viêm dạ dày dựa trên mô tả các triệu chứng của bệnh nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, các bác sĩ sẽ sử dụng một số xét nghiệm như:
- Nội soi dạ dày;
- Xét nghiệm H. pylori: lấy một mô nhỏ trong dạ dày để chẩn đoán;
Xét nghiệm máu hoặc phân: kiểm tra xem có máu trong phân không.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm dạ dày?
Nếu bạn mắc viêm dạ dày mạn tính do Helicobacter pylori gây ra, bác sĩ có thể kê cho bạn một số thuốc kháng sinh và kháng axit. Ngoài ra, bạn nên tránh uống rượu cũng như thuốc Ibuprofen, Naproxen và Aspirin trong quá trình điều trị.
Bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc sau đây để hạn chế axit trong dạ dày như:
- Thuốc kháng histamine-2 (H2) như Famotidine, Cimetidine, Ranitidine và Nizatidine;
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như Omeprazole, Esomeprazole, Iansoprazole, Rabeprazole và Pantoprazole;
Bên cạnh đó, bạn có thể được chỉ định sử dụng dịch truyền và các thuốc giảm axit khác nếu viêm dạ dày nặng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm dạ dày?
Các lối sống và biện pháp sau đây có thể giúp bạn đối phó và kiểm soát tình trạng viêm dạ dày:
- Ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần ăn một ít;
- Ăn thực phẩm nấu chín, uống sôi;
- Rửa tay trước khi ăn để tránh nhiễm trùng;
- Tránh dùng rượu, bia;
- Sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định đều đặn, không tự ý dùng hoặc ngưng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.