Tìm hiểu chung
Nấm âm đạo là bệnh gì?
Nấm âm đạo hay còn gọi là viêm âm đạo do nấm. Đây là chứng viêm (sưng, đỏ) ở âm đạo, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Một trong số đó là nhiễm nấm men Candida albicans. Bệnh viêm âm đạo do nấm Candida rất phổ biến. Khoảng 75% phụ nữ trên thế giới có khả năng mắc bệnh viêm âm đạo này.
Trong hầu hết trường hợp, viêm âm đạo do nấm Candida được điều trị nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, bệnh lại rất dễ lây và rất hay tái phát.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của nấm âm đạo là gì?
Các triệu chứng phổ biến nhất là âm đạo và âm hộ ngứa rát, có dịch trắng vón cục, đôi khi hơi dính. Ngoài ra, trong một số trường hợp, dịch tiết âm đạo cũng có thể xuất hiện dịch mủ.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Khi phát hiện hoặc nhận thấy có dấu hiệu bệnh, bạn nên đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ để được kiểm tra và thăm khám. Vì bệnh dễ dàng chữa khỏi nên bạn nên đi khám bác sĩ và chữa bệnh sớm để không lây lan cho người khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra nấm âm đạo?
Nấm Candida là nguyên nhân gây bệnh.
Phụ nữ có nguy cơ nhiễm nấm âm đạo cao nếu dùng thuốc kháng sinh vì thuốc sẽ tiêu diệt vi khuẩn khỏe mạnh bảo vệ âm đạo. Việc thiếu đi các lợi khuẩn sẽ khiến nấm dễ dàng phát triển.
Bên cạnh đó, phụ nữ từng mắc bệnh tiểu đường, mang thai, dùng thuốc tránh thai, đang điều trị bằng steroid lâu dài cũng có khả năng bị viêm âm đạo do nấm. Các nguyên nhân khác bao gồm thụt rửa âm đạo quá nhiều, chế độ ăn ít dinh dưỡng, thiếu ngủ hoặc hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường bị nấm âm đạo?
Phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm âm đạo do nấm Candida. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nấm âm đạo?
Các yếu tố nguy cơ dưới đây có thể gây ra viêm âm đạo:
- Dùng thuốc kháng sinh lâu dài;
- Tiểu đường (đái tháo đường) không kiểm soát;
- Suy giảm, rối loạn miễn dịch;
- Thụt rửa âm đạo không đúng cách;
- Đặt thuốc âm đạo kéo dài.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nấm âm đạo?
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn để xác định liệu bạn có từng bị viêm âm đạo do nấm hoặc các bệnh lây lan qua đường tình dục hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng khung chậu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng ở bên ngoài cũng như trong âm đạo và cổ tử cung. Cuối cùng, xét nghiệm kiểm tra dịch tiết âm đạo dưới kính hiển vi được thực hiện để xác định loại nấm gây viêm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị nấm âm đạo?
Bạn có thể sử dụng kem thoa âm đạo, thuốc nhét âm đạo và thuốc uống để điều trị. Kem thoa âm đạo, thuốc nhét âm đạo có thể mua không cần toa thuốc; thuốc uống thường cần đơn thuốc của bác sĩ.
Thuốc chống nấm phổ biến bao gồm clotrimazole, miconazole, nystatin và terconazole. Thuốc fluconazole được dùng theo đường uống. Tác dụng phụ từ bất kỳ các loại thuốc trên rất hiếm, nhưng một số trường hợp có thể khiến âm đạo đau rát.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của nấm âm đạo?
Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
- Sử dụng tất cả các thuốc theo đúng chỉ dẫn. Nếu bạn không điều trị đúng lịch trình, viêm nhiễm có thể không biến mất hoàn toàn và có thể trở lại;
- Sử dụng bồn tắm nếu bạn bị ngứa và khó chịu. Ngâm vùng âm hộ từ 10-15 phút trong nước ấm, sau đó vỗ nước nhẹ vào khu vực khô;
- Hãy ăn sữa chua chứa men sống hàng ngày. Sữa chua có thể giúp ngăn nhiễm trùng nấm quay trở lại và là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Canxi có tác dụng hỗ trợ cho việc tạo ra lợi khuẩn tại âm đạo;
- Không quan hệ tình dục trong khi đang điều trị. Nếu có, bắt buộc phải dùng bao cao su để tránh lây nhiễm và làm bệnh nặng thêm;
- Không mặc quần áo chật, không thông thoáng (như quần lót và quần bó quá chặt).
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.