Tìm hiểu chung
Ung thư xương là gì?
Ung thư xương là sự xuất hiện của một khối u ác tính trong xương, tuy nhiên không phải khối u nào cũng là ác tính. Những tế bào ung thư tăng trưởng, cạnh tranh với mô xương lành và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Ung thư xương nguyên phát cần phải phân biệt với ung thư ở vị trí khác di căn tới xương. Một số loại ung thư xương thường gặp:
- Sarcoma xương: loại ung thư này xuất hiện ở mô dạng xương. Mô dạng xương có cấu trúc gần giống với xương, nhưng có lượng khoáng chất ít hơn. Loại ung thư này thường xảy ra ở đầu gối và cánh tay;
- Sarcoma sụn: ung thư ở mô sụn. Sụn gồm những mô đàn hồi và trơn láng che phủ và bảo vệ đầu xương dài ở các khớp. Sarcoma sụn hầu hết xuất hiện ở xương chậu, đùi và vai;
- Ung thư có tính chất gia đình Ewing Sarcoma (ESFTs): ung thư thường hiện diện ở xương, cũng có thể ở mô mềm (cơ, mô mỡ, mô sợi, mạch máu, hay mô nâng đỡ khác). Loại này thường xuất hiện ở dọc xương sống, xương chậu, ở cẳng chân hay cánh tay.
Có bốn giai đoạn của ung thư xương, bao gồm:
- Giai đoạn I: ung thư chỉ giới hạn ở tại xương và không lan ra các vùng khác của cơ thể. Tế bào ung thư ở giai đoạn này ít gây hại hơn và chưa cạnh tranh với những tế bào bình thường;
- Giai đoạn II: tế bào ung thư bắt đầu phát triển mạnh hơn trước, nhưng vẫn giới hạn tại xương;
- Giai đoạn III: ung thư xuất hiện từ hai đến ba vị trị ở cùng một xương. Khối u giai đoạn này có thể biệt hóa thấp hoặc cao;
- Giai đoạn IV: ung thư di căn từ xương đến nơi khác, ví dụ như xương khác hay cơ quan khác. Tế bào ung thư tăng trưởng rất mạnh và ảnh hưởng lên tế bào bình thường.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư xương là gì?
Đau là triệu chứng ung thư xương thường gặp, nhưng không phải tất cả ung thư xương đều gây đau. Những triệu chứng khác có thể là:
- Nơi gần đó bị sưng lên hay xương dễ gãy;
- Gãy xương;
- Mệt mỏi;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Bạn có thể gặp các dấu hiệu ung thư xương khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào kể trên hoặc có câu hỏi nào, hãy đến gặp bác sĩ. Mỗi người sẽ có những tình trạng khác nhau. Vì thế bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có được giải pháp tốt nhất cho bản thân.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra ung thư xương?
Thật ra, nguyên nhân chính của ung thư xương vẫn chưa được tìm thấy. Họ chỉ biết ung thư xương là một lỗi của DNA làm cho tế bào lớn lên và phân chia một cách không kiểm soát. Tế bào bình thường phát triển theo một lập trình có sẵn, tăng sinh, phân chia và chết, nhưng tế bào ung thư thì không như vậy. Chúng không tự động chết.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải ung thư xương?
Ung thư xương rất hiếm gặp. Nó chỉ chiếm ít hơn 1% trong tất cả các loại bệnh ung thư. Các loại ung thư thường xảy ra trên những nhóm dân cư có đặc điểm giống nhau:
- Sarcoma xương thường thấy ở lứa tuổi từ 10 đến 19, nhưng vẫn có thể xảy ra ở người lớn hơn 40 tuổi. Những người này có những tình trạng bệnh như bệnh Paget (bệnh lành tính do sự phát triển bất thường của mô xương) sẽ có nguy cơ cao mắc loại ung thư này;
- Sarcoma sụn hay xảy ra ở người lớn tuổi hơn, thường là trên 40 tuổi;
- ESFTs cũng gặp hầu hết ở trẻ em và thanh niên dưới 19 tuổi và thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị ung thư xương, ví dụ như:
- Hội chứng gen di truyền: những hội chứng gen di truyền hiếm gặp trong gia đình làm tăng nguy cơ ung thư xương, gồm có hội chứng Fraumeni và u nguyên bào võng mạc di truyền;
- Bệnh Paget xương: đây là một tình trạng tiền ung thư lành tí Nó can thiệp vào quá trình tái tạo tế bào bình thường của cơ thể, trong đó những mô xương mới thay thế từ từ mô xương cũ. Theo thời gian, bệnh sẽ làm cho xương dễ gãy. Bệnh này phổ biến ở người lớn, đặc biệt ở lứa tuổi 50;
- Tiếp xúc phóng xạ.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin cung cấp dưới đây không thể thay thế cho lời khuyên từ chuyên gia. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin chi tiết.
Những kỹ thuật ý tế dùng để chẩn đoán ung thư xương?
Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng của bạn và bệnh sử của gia đình. Nếu như nghi ngờ bạn bị ung thư xương, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và đề nghị các xét nghiệm giúp chẩn đoán. Những xét nghiệm thường dùng gồm có:
- X-Quang: phương pháp này cho thấy hình ảnh bất thường của xương mà không cần đến phẫu thuật. Dấu hiệu của ung thư xương có thể là xương không lành lặn, có lỗ trong xương hay khối u. Nếu thấy những triệu chứng này, bạn sẽ được làm sinh thiết để xác định xem có bị ung thư xương hay không;
- Xạ hình xương: một chất phóng xạ sẽ được tiêm vào mạch máu, chúng di chuyển, gắn vào xương và sẽ được chụp lại bởi máy xạ hình. Bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua đánh giá hình ảnh xạ hình;
- Chụp hình cắt lớp (CT scan): đây là phương pháp tạo hình sử dụng nhiều tia X từ nhiều góc khác nhau. Hình ảnh CT scan cung cấp những thông tin rõ ràng hơn so với X-Quang;
- Cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này giống với X-Quang nhưng thay vào đó sử dụng nam châm mạnh kết nối với máy tính;
- Chụp Positron cắt lớp (PET): một lượng nhỏ glucose phóng xạ được tiêm vào mạch máu và một máy quét sẽ làm hiện rõ hơn những chất phóng xạ, sau đó hình ảnh số hóa những khu vực có gắn glucose sẽ xuất hiện.
Ưng thư xương có chữa được không?
Nhiều người khi mắc bệnh thường rất lo lắng, không biết ung thư xương có chữa được không. Thực tế, bệnh có thể chữa được nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Ung thư xương có thể được điều trị theo nhiều cách, có thể kết hợp các phương pháp để có kết quả tốt nhất. Lựa chọn điều trị tùy thuộc vào loại ung thư cũng như thể trạng chung của người bệnh.
- Phẫu thuật: khối u được cắt bỏ với những kỹ thuật ngoại khoa đặc biệt. Lựa chọn này tốn nhiều thời gian để hồi phục sau mổ;
- Hóa trị: phương pháp này sử dụng thuốc kháng ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ thường sẽ đề nghị kết hợp các loại thuốc với nhau;
- Xạ trị: kỹ thuật này sử dụng tia X năng lượng cao để diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường dùng kết hợp với phẫu thuật. Nó có thể có hại cho bệnh nhân sau điều trị và có thể dẫn đến biến chứng.
- Cắt lạnh: tế bào ung thư được làm đông lạnh bằng dung dịch nitơ và chúng sẽ chết sau một khoảng thời gian. Kỹ thuật này thỉnh thoảng có thể thay thế phẫu thuật quy ước để tiêu diệt khối u.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư xương?
Những thay đổi dưới đây có thể giúp bạn đối mặt ung thư xương:
- Tìm hiểu nhiều thông tin hơn: tìm hiểu về căn bệnh này sẽ giúp bạn tự tin hơn để đối mặt với nó. Cần tìm hiểu những nguồn thông tin chính xác như tham khảo ý kiến bác sĩ, internet, báo, phương tiện truyền thông khác, hoặc xin hỗ trợ từ bác sĩ gần nhà.
- Hãy lạc quan: tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị. Bạn có thể giúp bản thân lạc quan hơn bằng nhiều cách: nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. Bạn cần phải tin rằng tình trạng bệnh của mình sẽ tốt hơn, mình vẫn có thể hưởng thụ cuộc sống khi sống cùng căn bệnh này.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tỷ lệ sống sót khi bị ung thư ngày càng cao
- Thực phẩm chống ung thư mang lại hiệu quả đến đâu?
- 15 dấu hiệu ung thư thường gặp nam giới không nên bỏ qua