Tìm hiểu chung
Ung thư âm hộ là bệnh gì?
Ung thư âm hộ là một loại ung thư ảnh hưởng đến phần bên ngoài của hệ sinh dục nữ. Bộ phận này bao gồm cổng âm đạo, môi âm hộ (môi âm đạo), âm vật, da và mô bao gồm xương mu.
Thông thường, ung thư âm hộ phát triển ở rìa bên trong của môi âm đạo. Dạng ung thư này khá hiếm so với các loại ung thư sinh dục khác như ung thư buồng trứng hay ung thư tử cung.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư âm hộ?
Triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Đau trong khi quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu;
- Ngứa lâu ngày ở vùng âm hộ;
- Môi âm hộ dày lên hoặc có khối u;
- Vết trắng ở khu vực trên âm hộ;
- Có máu hoặc dịch tiết nhưng không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm phòng HPV (Gardasil ®) nếu bạn ở độ tuổi từ 13 -26. Ngoài ra, bạn nên:
- Đi khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy những thay đổi ở phần da vùng môi âm đạo;
- Đi khám bác sĩ nếu bạn bị chảy máu âm đạo mà không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Bạn không nên chần chừ vì bạn có thể sẽ bỏ lỡ thời điểm trị liệu tốt nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra ung thư âm hộ?
Các bác sĩ và các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư âm hộ. Bác sĩ chỉ xác định người bệnh bị ung thư khi có một tế bào biến đổi trong ADN của bệnh nhân. Tế bào bị biến đổi liên tục sinh sản và phát triển nhanh chóng. Sau đó, chúng hợp lại, tạo thành khối u có thể gây ung thư, xâm chiếm những tế bào xung quanh và lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải ung thư âm hộ?
Chưa đến 1% tổng số ca mắc ung thư ở nữ là ung thư âm hộ và thường được chẩn đoán ở phụ nữ lớn hơn 50 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị ung thư âm hộ?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ bao gồm:
- Virus HPV gây mụn giộp sinh dục, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo. Virus HPV lan truyền qua đường tình dục;
- Viêm âm hộ lâu ngày;
- Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ mắc bện càng lớn. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi 65;
- Hút thuốc;
- Nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
Bạn không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kĩ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ung thư âm hộ?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán trong quá trình khám phụ khoa định kỳ. Qua các kết quả khám, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện sinh thiết để xác nhận việc chẩn đoán. Nếu kết quả sinh thiết cho thấy các tế bào ung thư, các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để xem liệu bệnh ung thư đã lây lan và kéo dài được bao lâu.
Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư âm hộ?
Việc điều trị phụ thuộc loại và kích thước của ung thư và mật độ lây lan của nó. Đối với khối u rất nhỏ tại một vị trí, có thể sử dụng tia laser để đốt cháy lớp trên cùng của da có chứa các tế bào ung thư. Ở các mô ung thư lớn hơn, có thể bạn cần phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần thường được sử dụng để loại bỏ các tế bào bất thường và một số mô gần đó.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư âm hộ?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến ung thư âm hộ:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
- Cố gắng giảm thiểu các yếu tố nguy cơ càng nhiều càng tốt. Tỷ lệ lớn phụ nữ bị ung thư âm hộ là do nhiễm HPV;
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su nếu bạn có bất kỳ nguy cơ nhiễm bệnh qua đường tình dục (STD);
- Hãy chú ý liệu vùng da âm đạo bị cứng hoặc có vết loét trên môi âm đạo hay không.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.