Tìm hiểu về u tuyến thượng thận
Bệnh u tuyến thượng thận là gì?
U tuyến thượng thận là một khối u hiếm, thường không phải ung thư (u lành tính) phát triển trong tuyến thượng thận. Thông thường, loại khối u này ảnh hưởng đến một trong hai tuyến thượng thận, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến cả hai tuyến.
Nếu bạn bị u tuyến thượng thận, khối u giải phóng các hormone gây ra huyết áp cao liên tục hoặc nhiều lần. Nếu không được điều trị, bệnh có thể đe dọa tính mạng hoặc dẫn đến tổn thương nghiêm trọng các cơ quan khác, đặc biệt là hệ thống tim mạch.
Hầu hết những người bị u tuyến thượng thận ở độ tuổi từ 20 đến 50, nhưng khối u có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Phẫu thuật để loại bỏ một khối u thường giúp huyết áp trở lại bình thường.
Triệu chứng u tuyến thượng thận
Những dấu hiệu và triệu chứng u tuyến thượng thận là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng u tuyến thượng thận bao gồm:
- Huyết áp cao
- Đổ mồ hôi nhiều
- Đau đầu
- Nhịp tim nhanh
- Run
- Da mặt xanh xao
- Khó thở
Các dấu hiệu hoặc triệu chứng ít gặp hơn có thể bao gồm:
- Lo lắng
- Táo bón
- Giảm cân
Các triệu chứng bệnh có thể kích hoạt bởi:
- Gắng sức
- Lo âu hoặc căng thẳng
- Những thay đổi trong cơ thể
- Làm việc
- Phẫu thuật và gây mê
Thực phẩm giàu tyramine, một chất ảnh hưởng đến huyết áp, cũng có thể kích hoạt triệu chứng bệnh. Tyramine thường có trong những thực phẩm sau:
- Một số phô mai
- Một số loại bia và rượu vang
- Sô cô la
- Thịt khô hoặc hun khói
Một số loại thuốc có thể kích hoạt triệu chứng bao gồm:
- Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs), chẳng hạn như phenelzine (Nardil), tranylcypromine (Parnate) và isocarboxazid (Marplan).
- Chất kích thích, chẳng hạn như amphetamine hoặc cocaine.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến thượng thận có thể được gây ra bởi một số tình trạng sức khỏe. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải được chẩn đoán nhanh.
Mặc dù huyết áp cao là một dấu hiệu chính của bệnh, nhưng hầu hết những người bị huyết áp cao không có khối u tuyến thượng thận. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ yếu tố nào sau đây:
- Khó kiểm soát huyết áp cao với kế hoạch điều trị hiện tại
- Tiền sử gia đình bị u tuyến thượng thận
- Tiền sử gia đình bị một rối loạn di truyền liên quan: đa u tuyến nội tiết loại II (MEN II); bệnh von Hippel-Lindau; bệnh u cận hạch di truyền hoặc u sợi thần kinh loại 1 (NF1).
Nguyên nhân gây u tuyến thượng thận
Những nguyên nhân nào gây u tuyến thượng thận?
Các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân gây ra u tuyến thượng thận. Khối u phát triển trong các tế bào chuyên biệt, được gọi là tế bào sáng chromaffin, nằm ở trung tâm của tuyến thượng thận. Những tế bào này giải phóng các hormone nhất định, chủ yếu là adrenaline (epinephrine) và noradrenaline (norepinephrine), giúp kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim, huyết áp và lượng đường trong máu.
Vai trò của kích thích tố
Adrenaline và noradrenaline là các kích thích tố kích hoạt phản ứng của cơ thể đối với một mối đe dọa được nhận thức. Các kích thích tố này làm tăng huyết áp, nhịp tim nhanh hơn và tăng cường các hệ thống khác trong cơ thể để giúp bạn phản ứng nhanh chóng. U tuyến thượng thận là kết quả của việc các kích thích số được sản xuất và phát triển quá mức.
Các khối u liên quan
Mặc dù hầu hết các tế bào chromaffin ở trong tuyến thượng thận, nhưng các cụm nhỏ của tế bào này cũng nằm ở tim, đầu, cổ, bàng quang, thành sau của bụng và dọc theo cột sống. Các khối u trong các tế bào chromaffin này, được gọi là u cận hạch, có thể gây ra các tác dụng tương tự trên cơ thể.
Nguy cơ mắc u tuyến thượng thận
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị u tuyến thượng thận?
Những người bị rối loạn di truyền hiếm gặp có nguy cơ phát triển u tuyến thượng thận hoặc u cận hạch cao hơn. Các khối u liên quan đến các rối loạn này có nhiều khả năng gây ung thư hơn. Các rối loạn di truyền có thể gây ra bệnh bao gồm:
- Đa u tuyến nội tiết loại II (MEN II) là một rối loạn gây ra các khối u ở nhiều nơi trong hệ thống sản xuất nội tiết tố (nội tiết) của cơ thể. Các khối u khác liên quan đến MEN II có thể xuất hiện ở tuyến giáp, cận giáp, môi, lưỡi và đường tiêu hóa.
- Bệnh Von Hippel-Lindau có thể dẫn đến các khối u ở nhiều nơi, bao gồm hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống nội tiết, tuyến tụy và thận.
- U sợi thần kinh loại 1 (NF1) dẫn đến u xơ thần kinh, các đốm da có màu và các khối u trong dây thần kinh thị giác.
- Hội chứng u cận hạch di truyền là các rối loạn di truyền dẫn đến u tuyến thượng thận hoặc u cận hạch.
Biến chứng u tuyến thượng thận
U tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
Huyết áp cao có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là các mô của hệ tim mạch, não và thận. Nếu không được điều trị, huyết áp cao kết hợp với u tuyến thượng thận có thể dẫn đến một số tình trạng quan trọng, bao gồm:
- Bệnh tim
- Đột quỵ
- Suy thận
- Suy hô hấp cấp tính
- Tổn thương các dây thần kinh mắt
Ung thư (khối u ác tính)
Trong các trường hợp hiếm, u tuyến thượng thận là ung thư (u ác tính) và các tế bào ung thư lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể (di căn). Các tế bào ung thư từ u tuyến thượng thận hoặc u cận hạch thường di căn đến hệ thống bạch huyết, xương, gan hoặc phổi.
Chẩn đoán và điều trị u tuyến thượng thận
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán u tuyến thượng thận?
Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm sau:
Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm
Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm sau đây để đo mức adrenaline, noradrenaline hoặc các chất khác trong cơ thể của bạn:
- Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ. Bạn sẽ được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu mỗi khi đi tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn cách cất giữ, dán nhãn và trả lại mẫu.
- Xét nghiệm máu. Bạn sẽ được rút máu để làm xét nghiệm. Nói chuyện với bác sĩ về các lưu ý đặc biệt, chẳng hạn như nhịn ăn hoặc ngừng một loại thuốc. Đừng bỏ liều thuốc mà không có chỉ dẫn từ bác sĩ.
Xét nghiệm hình ảnh
Nếu kết quả của các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy bạn có khả năng bị u tuyến thượng thận hoặc u cận hạch, bác sĩ sẽ yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh để định vị khối u. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- CT scan
- MRI
- Chụp M-iodobenzylguanidine (MIBG)
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
Tình cờ phát hiện
Khối u trong tuyến thượng thận có thể được tìm thấy trong các xét nghiệm hình ảnh được tiến hành vì những tình trạng sức khỏe khác. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định bản chất của khối u.
Xét nghiệm di truyền
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền để xác định xem u tuyến thượng thận có liên quan đến rối loạn di truyền hay không. Thông tin về các yếu tố di truyền có thể quan trọng vì một số lý do sau:
- Một số rối loạn di truyền có thể gây ra nhiều tình trạng sức khỏe, do đó kết quả xét nghiệm có thể cho thấy cần phải sàng lọc các vấn đề y tế khác.
- Một số rối loạn có nhiều khả năng tái phát hoặc gây ung thư (u ác tính), kết quả xét nghiệm của bạn có thể ảnh hưởng đến quyết định điều trị hoặc kế hoạch dài hạn để theo dõi sức khỏe.
- Kết quả từ các xét nghiệm của bạn có thể chỉ ra rằng các thành viên khác trong gia đình nên được sàng lọc cho u tuyến thượng thận hoặc các tình trạng liên quan.
Hãy hỏi bác sĩ về các dịch vụ tư vấn di truyền có thể giúp bạn hiểu lợi ích và tác động của xét nghiệm di truyền.
Những phương pháp nào dùng để điều trị u tuyến thượng thận?
Phương pháp điều trị chính cho u tuyến thượng thận là phẫu thuật để loại bỏ khối u. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc huyết áp cụ thể ngăn chặn hoạt động của các hormone adrenaline để giảm nguy cơ phát triển huyết áp cao nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật.
Thuốc dùng trước phẫu thuật
Bạn có thể sẽ dùng hai loại thuốc trong vòng 7–10 ngày giúp hạ huyết áp trước khi phẫu thuật. Những loại thuốc này sẽ thay thế hoặc được bổ sung vào các loại thuốc huyết áp khác mà bạn dùng.
- Thuốc chẹn alpha giữ cho động mạch và tĩnh mạch nhỏ mở và thư giãn, cải thiện lưu lượng máu và giảm huyết áp. Thuốc chẹn alpha bao gồm phenoxybenzamine (Dibenzyline), doxazosin (Cardura) và prazosin (Minipress). Các tác dụng phụ có thể bao gồm nhịp tim không đều, chóng mặt, mệt mỏi, các vấn đề về thị lực, rối loạn chức năng tình dục ở nam giới và sưng ở tay chân.
- Thuốc chẹn beta làm tim đập chậm hơn và ít lực hơn. Thuốc cũng giúp giữ cho các mạch máu mở và thư giãn. Trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ sẽ bổ sung thuốc chẹn beta vài ngày sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc chẹn alpha. Thuốc chẹn beta bao gồm atenolol (Tenormin), metoprolol (Lopressor, Toprol-XL) và propranolol (Inderal, Innopran XL). Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm mệt mỏi, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, táo bón, tiêu chảy, nhịp tim không đều, khó thở và sưng tay chân.
- Chế độ ăn nhiều muối. Chất chẹn alpha và beta mở rộng (giãn nở) các mạch máu, làm cho lượng nước trong mạch máu thấp. Điều này có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng. Chế độ ăn nhiều muối sẽ tích nhiều nước bên trong các mạch máu, ngăn ngừa sự phát triển của huyết áp thấp trong và sau khi phẫu thuật.
Phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp, toàn bộ tuyến thượng thận và khối u sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật nội soi. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vài lỗ nhỏ và chèn các thiết bị được trang bị vào máy quay video và các công cụ nhỏ qua các lỗ đó.
Tuyến thượng thận khỏe mạnh còn lại sẽ vẫn thực hiện các chức năng bình thường và huyết áp thường trở lại bình thường.
Trong một số tình huống bất thường, chẳng hạn như một tuyến thượng thận đã được loại bỏ, phẫu thuật có thể chỉ loại bỏ khối u và giữ lại các mô khỏe mạnh.
Nếu khối u là ung thư (u ác tính), hiệu quả của phẫu thuật có thể dựa vào việc loại bỏ khối u và tất cả các mô ung thư. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các mô ung thư không được loại bỏ, phẫu thuật có thể hạn chế sản xuất hormone và kiểm soát huyết áp.
Điều trị ung thư
Vì ung thư là tình trạng hiếm của các trường hợp u tuyến thượng thận, nên các phương pháp điều trị còn hạn chế. Điều trị các khối u ác tính và ung thư di căn liên quan đến u tuyến thượng thận có thể bao gồm:
- Xạ hình
- Hóa trị
- Liệu pháp nhắm trúng đích.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Biến chứng suy thận: điều trị thế nào?
- Điều trị bệnh suy thận bằng phương pháp chạy thận nhân tạo
- Liệu có thể chữa suy thận độ 1 nhờ thảo dược?