Tìm hiểu chung
Bệnh U hạt (Sarcoidosis) là gì?
Bệnh U hạt (hay còn gọi là bệnh Sarcoidosis) là tình trạng sự tăng trưởng quá mức của các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, dẫn đến các bệnh viêm cơ quan – thường gặp nhất là ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
Sarcoidosis là dạng u hạt phổ biến nên còn được gọi là bệnh u hạt. U hạt cũng có thể được coi là khối u lành tính. Những khối u này chỉ có thể thấy qua kính hiển vi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh u hạt (Sarcoidosis) là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh U hạt khác nhau tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. U hạt đôi khi phát triển dần dần và tạo ra các triệu chứng kéo dài trong nhiều năm. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột và biến mất đột ngột. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bị bệnh U hạt nhưng không có triệu chứng gì.
Các triệu chứng chung của bệnh U hạt (Sarcoidosis) bao gồm:
- Mệt mỏi, thở ngắn, tim đập nhanh;
- Khô môi,ăn không ngon miệng, sụt cân;
- Sốt, phát ban, cứng hay sưng khớp, hạch bạch huyết lớn;
- Ho khan, nghẹt mũi hoặc sổ mũi trong thời gian dài (mãn tính).
Những dấu hiệu khác là mệt mỏi, mắt mờ, trường hợp nghiêm trọng có thể viêm mắt, nồng độ canxi trong máu cao, gan và thận bị tổn thương, nhịp tim bất thường và nhiễm trùng da.
Các triệu chứng thông thường của bệnh U hạt xảy ra ở phổi, đa số những người mắc bệnh đều gặp vấn đề về phổi như:
- Ho khan kéo dài;
- Khó thở;
- Thở khò khè;
- Đau ngực.
Khoảng 25% người mắc bệnh U hạt có các vấn đề về da, bao gồm:
- Phát ban: xuất hiện các nốt phát ban màu đỏ hoặc đỏ tím, thường nằm ở cẳng chân hoặc mắt cá chân.
- Tổn thương: lở loét trên da gây mất thẩm mỹ có thể xảy ra trên mũi, má và tai.
- Thay đổi màu da: vùng da bị ảnh hưởng có thể có màu tối hơn hoặc sáng hơn bình thường.
- Cục bướu, u nhỏ: phát triển ngay dưới da, đặc biệt là xung quanh vết sẹo hoặc vết xăm.
Ngoài ra, bệnh U hạt còn có thể gây ảnh hưởng đến mắt mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Khi các triệu chứng mắt xuất hiện, chúng có thể bao gồm:
- Mờ mắt;
- Đau mắt;
- Mắt sưng tấy đỏ;
- Nhạy cảm với ánh sáng.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh u hạt (Sarcoidosis)?
Nguyên nhân gây ra bệnh U hạt hiện nay vẫn chưa được xác định. Khi mắc bệnh, các tế bào và mô bị viêm của bộ phận nào đó trong cơ thể bạn tập trung lại và lan rộng thành bướu nhỏ hoặc khối u. Những u này càng phát triển sẽ cản trở bộ phận đó thực hiện chức năng và gây viêm.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh u hạt (Sarcoidosis)?
Bệnh U hạt có thể xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên số bệnh nhân nữ thường nhiều hơn. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 15 đến 65 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh u hạt (Sarcoidosis)?
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh U hạt bao gồm:
- Tiền sử bệnh của gia đình: nếu một người nào đó trong gia đình bạn đã mắc bệnh Sarcoidosis, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh;
- Bẩm sinh có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh về rối loạn tự miễn;
- Môi trường sống ô nhiễm hoặc thiếu nước sạch.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh u hạt (Sarcoidosis)?
U hạt khá khó chẩn đoán vì bạn có thể không có triệu chứng hoặc mắc bệnh khác có triệu chứng tương tự.
Bác sĩ cần khám lâm sàng các triệu chứng của bạn kết hợp chụp X-quang ngực vì chỉ khám lâm sàng không thể chẩn đoán được chính xác tình trạng bệnh. Bác sĩ cũng cho bạn xét nghiệm máu, xét nghiệm hơi thở, chụp cắt lớp (CT), sinh thiết mô, xét nghiệm bệnh lao và lấy điện tâm đồ.
Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn có u hạt ở phổi, bạn có thể cần phải nội soi phế quản bằng cách đặt một ống soi thông từ mũi tới phổi. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật sinh thiết phổi (phẫu thuật mở phổi để lấy mẫu mô soi dưới kính hiển vi).
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh u hạt (Sarcoidosis)?
Bạn sẽ tự khỏi và không cần bác sĩ can thiệp nếu bạn điều chỉnh thói quen sinh hoạt kịp lúc trong giai đoạn đầu của bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn đã xuất hiện nhiều triệu chứng, bạn cần được điều trị và theo dõi trong vài tháng đến vài năm.
Thuốc cortisolsteroid như prednisone ức chế miễn dịch và kháng viêm thường được bác sĩ chỉ định trong ít nhất từ 6 đến 12 tháng với liều thấp nhất để kiềm chế u hạt phát triển.
Bệnh Sarcoidosis có thể tái phát. Do đó, bác sĩ sẽ theo dõi tiến trình điều trị thông qua khám lâm sàng xem các triệu chứng của bạn có thay đổi không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện thêm việc chụp X-quang và xét nghiệm hơi thở.
Nếu tình trạng u hạt của bạn nghiêm trọng hơn và kháng sinh không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc mạnh hơn như methotrexate dùng ức chế ung thư và trị thấp khớp, azathioprine ức chế miễn dịch hoặc hydroxychloroquine kháng virus. Các thuốc đặc trị này không được dùng tùy tiện và phải có chỉ định của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh u hạt (Sarcoidosis)?
Bạn có thể kiểm soát tốt bệnh U hạt nếu bạn lưu ý vài điều sau:
- Ăn ít muối trong khẩu phần ăn nếu bạn dùng thuốc steroid;
- Kiểm tra huyết áp máu, xét nghiệm máu về bệnh tiểu đường;
- Tiêm chủng vắc xin phế cầu khuẩn viêm phổi;
- Không tự ý ngưng sử dụng thuốc hay thay đổi liều lượng dù bạn cảm thấy khoẻ hơn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ;
- Không hút thuốc vì sẽ làm tình trạng bệnh thêm tệ hơn;
- Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp vì nắng sẽ làm bạn bị phát ban, khiến bệnh u hạt thêm tệ hơn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Sưng hạch bạch huyết? Bạn nên cẩn thận nhé!
- Ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì để giúp cơ thể nhanh hồi phục?
- Nhận biết sớm dấu hiệu ung thư phụ khoa trước khi quá muộn