Tìm hiểu về u bao nang hoạt dịch
U bao nang hoạt dịch là bệnh gì?
U bao nang hoạt dịch là nang chứa đầy các chất lỏng khiến một chỗ phình ra và cảm giác siết chặt phía sau đầu gối của bạn. Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn gập đầu gối lại hoặc mở rộng đầu gối ra hay khi đang hoạt động.
U nang bao hoạt dịch, còn được gọi là u nang kheo, thường là hệ quả của một vấn đề về khớp đầu gối, như viêm khớp hoặc vết rách sụn. Cả hai tình trạng trên đều có thể khiến chất dịch tích tụ ở đầu gối của bạn, có thể dẫn đến u bao nang hoạt dịch.
Mặc dù u bao nang hoạt dịch có thể gây sưng và khiến bạn không thoải mái, nhưng việc điều trị các vấn đề cơ bản của triệu chứng có thể giảm bớt cơn đau.
Triệu chứng u bao nang hoạt dịch
Các triệu chứng và dấu hiệu bệnh u bao nang hoạt dịch là gì?
Trong một số trường hợp, u bao nang hoạt dịch không gây đau và bạn không thể nhận biết bệnh. Nếu bạn có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này, chúng có thể bao gồm:
- Sưng ở phần sau của đầu gối và đôi khi ở chân;
- Đau đầu gối;
- Cứng khớp và không có khả năng uốn cong đầu gối.
Triệu chứng của bạn có thể tồi tệ hơn sau khi hoạt động hoặc nếu đứng trong một thời gian dài.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất cứ vấn đề nào sau đây:
- Đau và sưng tấy phía sau đầu gối;
- Một chỗ phình ra phía sau đầu gối của bạn, có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn của u nang hoạt dịch.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh u bao nang hoạt dịch
Nguyên nhân nào gây ra bệnh u bao nang hoạt dịch?
Chất lỏng bôi trơn được gọi là dịch khớp giúp cho chân của bạn chuyển động trơn tru và giảm ma sát khi chuyển động giữa các bộ phận của đầu gối.
Nhưng đôi khi đầu gối tạo ra quá nhiều chất dịch khớp, dẫn đến tích tụ chất lỏng ở khu vực phía sau đầu gối, gây ra u bao nang hoạt dịch. Tình trạng này có thể xảy ra do:
- Viêm khớp gối, chẳng hạn như xảy ra với các loại viêm khớp khác nhau;
- Chấn thương đầu gối, chẳng hạn như rách sụn.
Nguy cơ mắc u bao nang hoạt dịch
Những ai thường mắc phải bệnh u bao nang hoạt dịch?
U bao nang hoạt dịch là tình trạng rất phổ biến. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều đến nữ giới hơn so với nam và có thể tác động đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh u bao nang hoạt dịch?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u bao nang hoạt dịch, chẳng hạn như:
- Người trưởng thành trên 40 tuổi;
- Phụ nữ dễ mắc bệnh này hơn nam giới;
- Viêm khớp gối;
- Sụn bị rách;
- Chấn thương khớp gối.
Điều trị u bao nang hoạt dịch
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh u bao nang hoạt dịch?
U bao nang hoạt dịch có thể được chẩn đoán bằng cách khám sức khỏe. Tuy nhiên, vì một số dấu hiệu và triệu chứng của u bao nang hoạt dịch ở một số người có các tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như có cục máu đông, phình mạch hoặc khối u, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn, bao gồm:
- Đánh giá đầy đủ về tiền sử bệnh (gần đây) cùng với việc kiểm tra toàn diện các khớp gối. Cảm giác và sự xuất hiện của u nang cũng được kiểm tra;
- Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang gối và chụp CT scan, có thể hiển thị được hình ảnh chi tiết về khớp gối.
Nhiều tình trạng lâm sàng khác có thể có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để loại trừ điều kiện lâm sàng khác để đưa ra chẩn đoán chính xác của bệnh.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh u bao nang hoạt dịch?
Đôi khi u bao nang hoạt dịch sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, nếu u nang lớn và gây đau, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị sau:
- Dược phẩm. Bác sĩ có thể tiêm một loại thuốc corticosteroid, chẳng hạn như cortisone, vào đầu gối để làm giảm viêm. Điều này có thể làm giảm đau, nhưng không giúp ngăn ngừa sự tái phát của u nang hoàn toàn;
- Chọc dịch. Bác sĩ có thể làm chảy dịch từ khớp gối bằng cách chọc kim. Đây được gọi là chọc dịch kim và thường được thực hiện thông qua dẫn siêu âm;
- Vật lý trị liệu. Đặt, chườm đá, một gói nén và bó nạng có thể giúp giảm đau và sưng. Các bài tập nhẹ nhàng và tăng cường cho các cơ xung quanh đầu gối của bạn cũng có thể giúp làm giảm triệu chứng và duy trì chức năng của đầu gối.
Nếu có thể, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân cơ bản của nang. Nếu bác sĩ xác định rằng vết rách sụn gây ra sự dư thừa dịch khớp, họ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ hoặc sửa chữa sụn bị rách.
U bao nang hoạt dịch kết hợp với viêm xương khớp thường cải thiện khi điều trị viêm khớp. Rất hiếm khi bạn cần đến việc can thiệp phẫu thuật.
Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người u bao nang hoạt dịch
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh u bao nang hoạt dịch?
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách áp dụng các biện pháp sau đây:
- Thực hiện theo nguyên tắc R.I.C.E. Những chữ cái này tượng trưng cho nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng độ cao. Nghỉ ngơi chân. Chườm đá phần đầu gối. Nẹp đầu gối bằng vải bọc, tay áo hoặc nẹp. Và nâng chân lên khi có thể, đặc biệt là vào ban đêm;
- Dùng thuốc giảm đau không kê toa. Các loại thuốc như ibuprofen (Advil®, Motrin IB®, các loại khác), naproxen sodium (Aleve®, những loại khác), acetaminophen (Tylenol®, những loại khác) và aspirin có thể giúp giảm đau. Thực hiện theo các hướng dẫn dùng liều lượng thuốc ghi trên bao bì. Không dùng nhiều hơn liều khuyến cáo;
- Giảm các hoạt động thể chất. Như vậy sẽ làm giảm sự kích ứng khớp gối của bạn. Bác sĩ cung cấp cho bạn các hướng dẫn về thời gian cần giảm mức độ hoạt động và họ có thể đề xuất các hình thức tập thể dục thay thế để bạn tập trong thời gian chữa bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 4 câu hỏi giúp giải mã bí ẩn đau đầu gối
- Đau đầu gối: 4 dấu hiệu cảnh báo cần đi khám bác sĩ!
- Đẩy lùi cơn đau đầu gối hữu hiệu với các bài tập giãn cơ