Bệnh tuyến giáp là một bệnh gây rối loạn nội tiết thường gặp. Hormone tuyến giáp có vai trò điều hòa chuyển hóa và kích thích quá trình sinh sản, tăng trưởng của tế bào. Do đó, tình trạng thiếu hoặc thừa hormone tuyến giáp đều gây ra những vấn đề sức khỏe toàn thân nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Bệnh tuyến giáp có thể gặp ở tất cả lứa tuổi nhưng thường xuất hiện trên người trưởng thành và nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Tìm hiểu chung
Bệnh tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến hình bướm nhỏ ở phía trước cổ. Bệnh tuyến giáp là nguyên nhân phổ biến gây ra mất cân bằng hormone tuyến giáp trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp trở nên hoạt động quá mức, được gọi là cường tuyến giáp (cường giáp), hoặc hoạt động kém, gọi là suy tuyến giáp (suy giáp).
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh tuyến giáp là gì?
Các triệu chứng bệnh tuyến giáp bao gồm:
- Căng thẳng và run rẩy tay cùng với trạng thái kích thích: những triệu chứng này báo hiệu tình trạng tăng chức năng tuyến giáp tạng (cường giáp);
- Rối loạn tri giác và kém tập trung: cường giáp (tăng nồng độ của hormone tuyến giáp) và suy giáp (giảm nồng độ của hormone tuyến giáp) có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh. Trong suy giáp, bạn thường cảm thấy buồn và chán nản. Mặt khác, cường giáp có thể dẫn đến kém tập trung;
- Những thay đổi kinh nguyệt: suy giáp đôi khi kết hợp với rong kinh và cường kinh, trong khi cường giáp đặc trưng bởi thiểu kinh;
- Phù, giữ nước trong cơ thể: đây là dấu hiệu của suy tuyến giáp;
- Tăng nhịp tim: nhịp tim nhanh và hồi hộp có thể là triệu chứng của cường giáp;
- Đau nhức: đau cơ có mối liên hệ với các vấn đề tuyến giáp;
- Tăng cân: tình trạng thường đi kèm với chức năng tuyến giáp thấp hơn bình thường;
- Mức cholesterol cao: sự gia tăng nồng độ cholesterol trong máu có thể xảy ra ở những người bị suy giáp;
- Không thể chịu nóng: những người có tuyến giáp hoạt động quá mức thường không thể chịu được nhiệt độ cao;
- Chịu lạnh kém: những người có tuyến giáp kém hoạt động cảm thấy lạnh thường xuyên.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ những dấu hiệu sau đây:
- Cảm thấy vô cùng lạnh, ngay cả khi thời tiết nóng;
- Táo bón;
- Yếu cơ;
- Tăng cân, ngay cả khi bạn đang thực hiện chế độ ăn uống cân bằng;
- Đau cơ hoặc khớp;
- Cảm thấy buồn, chán nản, mệt mỏi;
- Da khô;
- Tóc khô, mảnh;
- Nhịp tim đập chậm;
- Ít ra mồ hôi hơn bình thường;
- Khuôn mặt sưng húp;
- Giọng nói khàn;
- Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh tuyến giáp?
Sản xuất hormone tuyến giáp tăng hoặc giảm sẽ biểu hiện triệu chứng và làm mất cân bằng chuyển hóa trong cơ thể. Nguyên nhân cường giáp thường găp là bệnh basedow (tự miễn ). Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy giáp, trong đó có bệnh tự miễn, sau điều trị cường giáp, xạ trị, phẫu thuật tuyến giáp và một số loại thuốc. Suy giáp cũng có thể do nhiễm trùng, chẳng hạn như virus hoặc vi khuẩn, khiến kháng thể tấn công tuyến giáp gây ra bệnh. Cuối cùng, các loại thuốc như interferon và amiodarone có thể gây tổn thương các tế bào tuyến giáp và dẫn đến các vấn đề về bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh tuyến giáp?
Bệnh tuyến giáp là tình trạng phổ biến ảnh hưởng tới nữ giới nhiều hơn nam giới. Theo thống kê, 1/8 phụ nữ sẽ bị các vấn đề về tuyến giáp trong suốt cuộc đời. Bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp, chẳng hạn như:
- Trên 60 tuổi;
- Có bệnh tự miễn;
- Có bệnh sử gia đình về bệnh tuyến giáp;
- Có tiền căn hoặc đang điều trị bằng phóng xạ iodine hoặc thuốc kháng giáp;
- Xạ trị ở cổ hoặc ngực;
- Đã phẫu thuật tuyến giáp;
- Đang mang thai hoặc sinh con trong vòng sáu tháng qua.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh tuyến giáp?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tuyến giáp (bao gồm cả cường giáp và suy giáp) bằng cách xác định nồng độ hormone tuyến giáp trong máu. Chẩn đoán bệnh tuyến giáp cần kết hợp nhiều yếu tố như khám lâm sàng, xét nghiệm máu,siêu âm tuyến giáp hoặc sinh thiết. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra chẩn đoán thích hợp.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh tuyến giáp?
Đối với bệnh ung thư tuyến giáp, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp kết hợp i-ốt phóng xạ, xạ trị (ít gặp), thuốc chống ung thư và ức chế hormone là các phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp.
Đối với bệnh suy giáp, phương pháp điều trị bệnh thường gặp là liệu pháp thay thế hormone. Với phương pháp này, bạn phải uống hormone tuyến giáp tổng hợp suốt đời. May mắn thay, phương pháp này hiếm khi có tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu quá liều hormone tuyến giáp trong máu, một số phản ứng có thể xảy ra như run rẩy, tim đập nhanh, khó ngủ. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai đòi hỏi lượng hormone tuyến giáp tăng thêm đến 50%. Thường mất khoảng 4-6 tuần để thuốc điều trị có tác dụng hoặc có sự thay đổi hormone giáp thông qua các xét nghiệm.
Các phương pháp điều trị cường giáp bao gồm uống I-ốt liều cao (kể cả i-ốt phóng xạ), các thuốc kháng tuyến giáp hoặc phẫu thuật. Iốt phóng xạ kiểm soát cường giáp thông qua cơ chế phá hủy các mô tuyến giáp. Bạn nên sử dụng i-ốt phóng xạ ở liều thấp để không gây thiệt hại cho phần còn lại của cơ thể và tránh suy giáp. Phụ nữ mang thai không được dùng iốt phóng xạ vì nó có thể phá hủy tuyến giáp của thai nhi. Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc kháng giáp để kiểm soát triệu chứng cường giáp trong vòng 6 tuần đến 3 tháng, sau đó duy trì 1,5 -2 năm
Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp nếu:
- Bạn có nhân giáp ung thư;
- Bạn có nhân giáp không phải ung thư nhưng gây khó thở hoặc khó nuốt;
- Bạn không thể sử dụng i-ốt phóng xạ, thuốc kháng giáp hoặc cả hai phương pháp không có hiệu quả;
- Bạn có nhân giáp dạng lỏng tái phát thường xuyên hoặc gây ra triệu chứng
Đôi khi, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên dùng thuốc khác để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng cường giáp như run, tăng nhịp tim lo âu và bồn chồn. Tuy nhiên, chúng sẽ không chữa khỏi bệnh rối loạn chức năng tuyến giáp.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tuyến giáp?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Cai thuốc lá;
- Không dùng quá nhiều đậu nành;
- Có chế độ ăn đủ lượng i-ốt hoặc uống bổ sung i-ốt;
- Chọn sản phẩm không có fluoride;
- Nhận biết các triệu chứng của mình để có thể chẩn đoán bệnh sớm.
Bệnh lý tuyến giáp khá đa dạng, tùy theo loại bệnh và lứa tuổi mắc bệnh mà biểu hiện lâm sàng cũng như mức độ trầm trọng khác nhau. Đối với người trưởng thành, triệu chứng bệnh dễ nhận biết và sau khi điều trị kịp thời thì hầu như có thể sống khỏe mạnh bình thường. Suy giáp là bệnh đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh. Nếu trẻ mắc suy giáp ngay từ khi sinh ra mà không được bù hormone giáp kịp thời sẽ để lại di chứng trên hệ thần kinh, trẻ bị trì độn, kém phát triển thể chất và tâm thần. Hiện nay các bệnh viện phụ sản lớn đều có chương trình tầm soát suy giáp cho trẻ sơ sinh, hãy liên hệ với bác sĩ và cơ sở y tế để biết thêm chi tiết về chương trình y tế hữu ích này.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Dấu hiệu và cách chữa trị rối loạn tuyến giáp
- Suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ, những vấn đề không nên bỏ qua
- 1001 thắc mắc về bệnh tuyến giáp ở phụ nữ