Tìm hiểu chung
Bệnh tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một chứng rối loạn hệ thần kinh, gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Bệnh thường xuất hiện rất sớm ngay từ những ngày đầu đời của trẻ và có thể dẫn đến sự rối loạn suốt đời trong khả năng lập luận, giao tiếp và tương tác xã hội. Trẻ tự kỷ thường tự giao tiếp với chính mình, mất khả năng giao tiếp với những người khác cũng như có vấn đề về ngôn ngữ, khả năng suy luận và vui chơi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng trẻ tự kỷ?
Triệu chứng bệnh tự kỷ có thể nặng hoặc nhẹ tùy mỗi trẻ. Một số triệu chứng bắt đầu khi trẻ còn rất nhỏ, thậm chí từ khi chỉ mới 1-2 tuổi. Các dấu hiệu trẻ tự kỷ cụ thể như:
- Im lặng và thụ động;
- Không thích được bế hay âu yếm;
- Tránh né việc giao tiếp bằng mắt;
- Không nhìn vào vật nào đó khi người khác chỉ vào;
- Muốn ở một mình trong nôi hoặc giường trong nhiều giờ liền;
- Không chú ý, dễ bị xao lãng khi người khác nói chuyện với mình;
- Không chỉ tay vào vật nào đó để thể hiện sự thích thú (ví dụ như chỉ vào máy bay bay trên trời…);
- Hay lặp lại những câu nói, cử chỉ hay hành vi, chẳng hạn như búng ngón tay, sắp xếp các đồ vật và luôn làm mọi việc theo một trình tự nhất định;
- Gặp khó khăn khi muốn thể hiện nhu cầu của mình bằng từ ngữ và cử chỉ;
- Khó thích nghi với những thay đổi trong thói quen hằng ngày;
- Trẻ lớn hơn có thể quá nhạy cảm với các loại âm thanh, mùi vị hoặc có thể thiếu trí tưởng tượng và không học nói được khi đến tuổi.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Liên hệ với bác sĩ ngay khi bạn thấy trẻ chậm phát triển trong năm đầu tiên hoặc có các dấu hiệu của bệnh tự kỷ như: không trả lời hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường trong giao tiếp, gặp khó khăn trong cử chỉ và ngôn ngữ hoặc có các triệu chứng kể trên.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nếu trẻ bị tác dụng phụ khi sử dụng của thuốc hoặc các triệu chứng trở nặng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ là gì?
Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định được một số gen có liên quan đến bệnh tự kỷ và những bất thường ở một số vùng não. Những bất thường này cho thấy rằng bệnh tự kỷ có thể là kết quả của sự rối loạn trong quá trình phát triển não ở thai nhi. Các rối loạn này có thể gây ra bởi khiếm khuyết trong các gen có chức năng kiểm soát sự phát triển của não.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh tự kỷ?
Theo thống kê của bệnh viện châm cứu trung ương, số trẻ mắc bệnh tự kỷ tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Hàng năm có trên 3.000 lượt trẻ bị bệnh bại não và tự kỷ đến điều trị tại bệnh viện. Ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu điều tra, thống kê chính xác về trẻ tự kỷ. Nhưng nếu ước lượng thì hiện có khoảng trên 160.000 người tự kỷ. Trong đó, nam giới có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ:
- Gen: đa số các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng gen là một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tự kỷ;
- Tiền sử gia đình: trẻ có khả năng mắc bệnh tự kỷ nhiều hơn nếu gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em bị tự kỷ;
- Có các bệnh lý liên quan đến di truyền và nhiễm sắc thể khác đi kèm như hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy, bệnh xơ cứng, hội chứng Tourette và hội chứng Rett;
- Sinh non: trẻ sinh non trước 26 tuần có khả năng bị tự kỷ cao hơn những trẻ sinh thường;
- Sử dụng thuốc chứa axit valproic và thalidomide khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ con bị tự kỷ;
- Tuổi bố mẹ: tuổi bố mẹ càng cao thì khả năng sinh con mắc bệnh tự kỷ càng lớn.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh tự kỷ?
Hiện nay không có xét nghiệm chuyên biệt nào để xác định được bệnh tự kỷ. Thông thường một nhóm các bác sĩ sẽ cùng chẩn đoán bệnh. Nhóm này bao gồm các bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học, bác sĩ nhi khoa, nhà trị liệu ngôn ngữ và nhà tư vấn học đường. Các bác sĩ sẽ dựa trên hành vi và sự phát triển của trẻ để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh tự kỷ?
Hiện chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn cho bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ đúng cách và việc điều trị sớm ngay từ đầu có thể giúp trẻ hồi phục một cách tốt nhất. Các phương pháp có thể bao gồm:
- Liệu pháp ngôn ngữ: là phương pháp chữa trị chứng rối loạn ngôn ngữ của trẻ tự kỷ thông qua các bài tập và hỗ trợ tương tác nghe nhìn để phát triển thối quen giao tiếp bằng ngôn ngữ;
- Trị liệu nghề nghiệp (hay trị liệu vận động): là phương pháp trị liệu giúp trẻ tự kỷ có thể phục hồi, duy trì và phát triển các kỹ năng sống và làm việc hằng ngày;
- Vật lý trị liệu: là phương pháp điều trị bằng các tác nhân vật lý như xoa bóp, vận động,…
Các liệu pháp này có thể giúp trẻ học cách giao tiếp tốt hơn, cải thiện việc vận động cơ và giúp phát triển sức mạnh, khả năng phối hợp và cử động.
Các bác sĩ và nhân viên tư vấn cũng có thể đề nghị liệu pháp khác như âm nhạc, thay đổi hành vi và một số chế độ ăn cụ thể.
Không có loại thuốc nhất định nào dùng để điều trị bệnh tự kỷ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể cho dùng thuốc để kiểm soát một số triệu chứng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tự kỷ?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp kiểm soát diễn tiến của bệnh tự kỷ:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh;
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ;
- Tạo một lịch hoạt động đa dạng trong nhà để giúp giảm các hành vi lặp đi lặp lại ở trẻ;
- Cho trẻ bị tự kỷ tham gia vào một chương trình điều trị đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ;
- Tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ và các nhóm hỗ trợ địa phương cho cha mẹ và trẻ bị tự kỷ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.