Tìm hiểu chung
Tứ chứng Fallot là bệnh gì?
Tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh gồm 4 khiếm khuyết trong tim là:
- Thông liên thất: có lỗ thông giữa hai tâm thất;
- Hẹp phễu động mạch phổi: tắc nghẽn dòng máu thoát khỏi tâm thất phải;
- Phì đại thất phải: tâm thất phải lớn và dày hơn;
- Động mạch chủ nằm trên vách liên thất: động mạch chủ hòa lẫn máu từ cả hai tâm thất vì động mạch chủ nằm ngay trên lỗ thông liên thất.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tứ chứng Fallot là gì?
Triệu chứng phổ biến nhất là môi, móng tay, móng chân, tai và má chuyển sang màu xanh. Những triệu chứng khác bao gồm khó thở khi gắng sức, yếu mệt và ngất xỉu. Ngoài ra, bạn cũng có thể sụt cân hoặc có ngón tay dùi trống.
Một số các triệu chứng khác có thể chưa được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Tứ chứng Fallot là một dạng kết hợp nhiều triệu chứng của các hội chứng khác. Nên gọi bác sĩ nếu con bạn có các triệu chứng sau:
- Da bị xanh tím;
- Khó thở;
- Ngất hoặc co giật;
- Yếu cơ;
- Dễ kích động bất thường.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra tứ chứng Fallot là gì?
Tứ chứng Fallot xảy ra trong thời kỳ phát triển bào thai, khi tim đứa bé đang hình thành. Tuy một số yếu tố như dinh dưỡng cho người mẹ kém, nhiễm virus hay rối loạn gen có thể làm tăng nguy cơ bệnh này nhưng trong đa số trường hợp, nguyên nhân hiện vẫn còn chưa rõ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tứ chứng Fallot?
Tứ chứng Fallot thường được chẩn đoán trong thời kỳ từ hai tháng tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh của trẻ bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tứ chứng Fallot?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tứ chứng Fallot, bao gồm:
- Nhiễm siêu vi ở người mẹ, như Rubella (sởi Đức) hoặc nghiện rượu trong lúc mang thai;
- Dinh dưỡng kém;
- Mẹ lớn hơn 40 tuổi;
- Cha mẹ bị tứ chứng Fallot;
- Em bé sinh ra với hội chứng Down hay hội chứng DiGeorge.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tứ chứng Fallot?
Xét nghiệm đầu tiên là siêu âm tim. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ, chụp X-quang ngực để có kết quả chẩn đoán chính xác.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tứ chứng Fallot?
Đối với hầu hết trẻ em bị dị tật, phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu duy nhất.
Phẫu thuật gồm đóng lỗ thông liên thất bằng miếng vá và làm thông mạch máu bị tắc nghẽn từ tâm thất phải đến phổi. Có hai loại phẫu thuật có thể được thực hiện, bao gồm phẫu thuật tim và thủ thuật tạm thời sử dụng cầu nối (shunt). Hầu hết trẻ em sẽ được phẫu thuật tim.
Phẫu thuật tim
Loại phẫu thuật này thường được thực hiện trong năm đầu tiên của trẻ. Trong thủ thuật này, phẫu thuật viên sẽ đặt một tấm phủ lên lỗ thông liên thất để đóng lỗ thông giữa hai tâm thất. Bác sĩ cũng sẽ sửa chữa hẹp van động mạch phổi và nong rộng động mạch phổi ra để tăng lưu lượng máu lên phổi. Sau khi được phẫu thuật, nồng độ oxy trong máu sẽ tăng và triệu chứng của bé giảm xuống.
Phẫu thuật tạm thời
Đôi khi trẻ cần phẫu thuật tạm thời trước khi được sửa chữa trong tim. Nếu trẻ sinh non hoặc bị thiểu sản động mạch phổi, bác sĩ sẽ tạo một cầu nối (shunt) giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Luồng thông này sẽ làm tăng lưu lượng máu phổi. Khi đứa trẻ đã sẵn sàng để làm phẫu thuật tim, shunt sẽ được gỡ bỏ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp hạn chế diễn tiến của tứ chứng Fallot?
Tứ chứng Fallot có thể được hạn chế nếu bạn chăm sóc cho con của bạn tốt nhất có thể, bao gồm:
- Ngăn ngừa nhiễm trùng: một đứa trẻ bị dị tật tim nặng có thể cần dùng kháng sinh dự phòng trước khi phẫu thuật. Bác sĩ có thể giúp bạn quyết định xem khi nào là cần thiết;
- Duy trì vệ sinh răng miệng tốt: khám nha khoa định kỳ là cách tuyệt vời để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng;
- Tập thể dục: quyết định về việc tập thể dục cần phải được cân nhắc tùy trường hợp cụ thể, hãy hỏi bác sĩ về hoạt động an toàn cho con của bạn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.