Tìm hiểu chung
Tràn khí màng phổi là bệnh gì?
Tràn khí màng phổi xảy ra khi có không khí tràn vào giữa phổi và thành ngực. Tràn khí màn phổi có 2 loại là tràn khí màn phổi tự phát (đột ngột xảy ra ở người khỏe mạnh, chưa có tiền sử bị bệnh) và tràn khí màn phổi thứ phát (xuất hiện từ các biến chứng khác về phổi). Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng tràn khí màng phổi là gì?
Các triệu chứng tràn khí màn phổi thường gặp nhất là thở nhanh và đau nhói ở ngực, đặc biệt là khi hít vào và thở ra. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Khó thở;
- Ngất xỉu;
- Da xanh xao;
- Dễ mệt mỏi;
- Nhịp tim nhanh.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn đột ngột thở gấp hoặc cảm thấy khó thở. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra tràn khí màng phổi là gì?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên tràn khí màng phổi tự phát. Tuy nhiên, họ cho rằng nguyên nhân có thể do các bóng khí bị vỡ làm khí thoát ra và ứ đọng lại trong phổi. Tràn khí màng phổi theo cách này đôi khi có tính chất di truyền.
Trong khi đó, tràn khí màng phổi thứ phát xuất hiện khi bạn đã từng mắc phải các bệnh phổi trước đó (hen suyễn, lao, ho gà, tắc nghẽn phổi mãn tính COPD,…). Ngoài ra, các chấn thương ở phổi hoặc ở ngực cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tràn khí màng phổi?
Tràn khí màng phổi thường xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt là thường gặp ở những người cao và gầy. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tràn khí màng phổi?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị tràn khí màng phổi, bao gồm:
- Giới tính: nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ giới;
- Hút thuốc: nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng nếu bạn hút thuốc thời gian càng lâu và càng nhiều;
- Di truyền: một vài loại tràn khí màng phổi có thể có tính di truyền;
- Bệnh phổi: nếu bạn đã mắc một số bệnh về phổi trước đó thì khả năng bị bệnh của bạn sẽ tăng lên;
- Thông khí cơ học: nếu bạn được giúp thở bằng máy, bạn có khả năng bị tràn khí màng phổi;
- Từng bị tràn khí màng phổi trước đây.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tràn khí màng phổi?
Điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ tràn khí màng phổi và nguyên nhân gây bệnh. Tràn khí màng phổi nhẹ có thể điều trị bằng cách để cơ thể tự hít thở. Đối với tràn khí màng phổi nặng hơn, một ống tiêm hoặc ống dẫn lưu có thể được đặt vào ngực để lấy không khí ra. Nếu lỗ thủng lớn, bạn có thể phải giữ nguyên ống trong vài ngày để giữ cho phổi phồng ra cho tới khi lỗ thủng lành lại. Trong trường hợp các phương pháp trên vẫn không giải quyết được, bạn sẽ phải phẫu thuật để ngăn khí tiếp tục tràn vào phổi.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tràn khí màng phổi?
Bác sĩ sẽ xem tiền sử bệnh và khám tổng quát. Bác sĩ sẽ nghe tiếng thở bằng ống nghe. Chụp X-quang ngực có thể chẩn đoán được tràn khí màng phổi. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có thể kiểm tra lượng oxy trong máu của bạn và kiểm tra tim bằng điện tâm đồ để xác định xem bạn có bị tràn khí màng phổi không.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tràn khí màng phổi?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến tràn khí màng phổi:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
- Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
- Nói với bác sĩ về các thuốc bạn dùng, cả thuốc kê toa và không kê toa;
- Nói với bác sĩ nếu bạn đang trong quá trình mang thai;
- Gọi bác sĩ nếu bạn bị sốt hoặc thấy mủ chảy ra từ ống ngực dẫn lưu, vì bạn có thể bị nhiễm trùng hoặc viêm phổi.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những nguyên nhân gây ra vấn đề khó thở ở trẻ sơ sinh
- Các biểu hiện khó thở ở con yêu
- Khám phá 12 nguyên nhân gây khó thở