Tìm hiểu chung
Tràn dịch màng phổi là gì?
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ quá nhiều chất lỏng trong phổi hoặc giữa phổi và lồng ngực. Bình thường, trong phổi có một lượng nhỏ chất lỏng để bôi trơn màng phổi, giúp phổi di động mượt mà trong khoang phổi. Quá nhiều chất lỏng tích tụ có thể gây áp lực lên phổi, làm cho bạn thở khó khăn. Có rất nhiều tình trạng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi.
Mức độ phổ biến của tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là tình trạng sức khỏe rất phổ biến. Bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể được quản lý bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Các triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của tràn dịch màng phổi là gì?
Bạn có thể cảm thấy đau ngực nhưng tràn dịch màng phổi thường không gây đau. Các triệu chứng phổ biến của tràn dịch màng phổi là:
- Ho khan
- Sốt
- Khó thở khi nằm xuống
- Tức ngực
- Khó thở.
Bạn sẽ có thêm những triệu chứng của nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sự tích tụ chất lỏng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra tràn dịch màng phổi?
Tràn dịch màng phổi là do một kích thích hoặc nhiễm trùng ở phổi gây ra. Nhiều bệnh có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi như:
- Nhiễm trùng phổi (viêm phổi), bệnh lao và ung thư có thể gây ra viêm phổi và màng phổi
- Suy tim sung huyết
- Xơ gan (chức năng gan kém)
- Ung thư hệ bạch huyết: loại ung thư bắt đầu trong hệ thống miễn dịch
- U trung biểu mô: là ung thư hiếm liên quan đến chất amiăng hình thành trên các mô mỏng bảo vệ, bao phủ phổi và bụng
- Nồng độ protein trong máu thấp cũng có xu hướng cho phép chất lỏng thấm ra khỏi thành các mạch máu. Xơ gan và bệnh thận có thể gây ra nồng độ protein máu thấp. Tràn dịch màng phổi làm phức tạp bệnh gan giai đoạn cuối ở 5% bệnh nhân
- Tắc mạch phổi: tắc nghẽn trong động mạch phổi
- Bệnh thận nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể giữ chất lỏng
- Lupus và các bệnh tự miễn khác.
Phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị cho bệnh ung thư hoặc phẫu thuật sau mổ tim hở có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tràn dịch màng phổi?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây tràn dịch màng phổi như:
- Có các tình trạng bệnh lý nêu trên
- Điều trị ung thư hoặc các thuốc có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể lưu giữ dịch.
Chẩn đoán & điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tràn dịch màng phổi?
Tràn dịch màng phổi được chẩn đoán với khám lâm sàng. Bác sĩ có thể nghe phổi với một ống nghe hoặc gõ ngực. Một số xét nghiệm hình ảnh có thể hiển thị mức độ chất lỏng tích tụ trong phổi, như chụp X-quang hoặc chụp CT.
Xét nghiệm phân tích dịch màng phổi hoặc chọc dò dịch màng phổi liên quan đến việc đưa một cây kim nhỏ qua màng phổi và rút một mẫu nhỏ chất lỏng. Xét nghiệm này sẽ cho biết chất lỏng tích tụ là do nhiễm trùng hay do một số tình trạng khác. Các mẫu này cũng được dùng để tìm các tế bào ung thư và đo nồng độ protein.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tràn dịch màng phổi?
Điều trị tràn dịch màng phổi bắt đầu với việc điều trị các nguyên nhân cơ bản và giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào tình trạng gây ra sự tích tụ chất lỏng, việc điều trị có thể khác nhau. Kháng sinh được sử dụng khi có nguyên nhân nhiễm trùng, trong khi thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix) có thể được sử dụng để giảm dần lượng dịch ứ đọng trong màng phổi.
Chất lỏng thường không cần xử lý riêng, vì nó sẽ tự biến mất nếu nguyên nhân cơ bản được xử lý. Nếu chất lỏng tích tụ gây ra cảm giác khó chịu, bác sĩ sẽ rút chất lỏng bằng cách hút dịch màng phổi hoặc dẫn lưu màng phổi.
Một số điều trị khác để làm giảm tích tụ là:
- Pleurodesis. Một chất lỏng đặc biệt được tiêm vào khu vực màng phổi, gây ra một tình trạng viêm nhỏ. Cách này giúp ngăn chặn chất lỏng tái tích tụ gây tràn dịch. Hóa chất gây xơ hóa được sử dụng phổ biến bao gồm tetracycline, talc vô trùng và bleomycin. Pleurodesis thường được sử dụng trong việc điều trị tràn dịch lặp đi lặp lại (thường xuyên) do ung thư.
- Đặt ống dẫn lưu cố định tại chỗ để chất lỏng có thể thoát ra ngoài liên tục.
- Phẫu thuật để chèn một ống shunt (ống dẫn lưu nội bộ) cho phép chất lỏng thoát ra từ ngực vào khoang bụng.
- Cắt bỏ màng phổi. Đây là phẫu thuật loại bỏ các màng phổi. Cách này đôi khi được sử dụng ở những người bị tràn dịch do ung thư khi các điều trị khác đã thất bại.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý tràn dịch màng phổi?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với tràn dịch màng phổi:
- Tránh rượu và các chất ma túy bất hợp pháp
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
- Nếu bạn đang được điều trị ung thư, hãy thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể có và làm thế nào để tránh hoặc quản lý chúng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những nguyên nhân gây ra vấn đề khó thở ở trẻ sơ sinh
- Điều trị khó thở tại nhà bằng 7 mẹo cực đơn giản
- Khám phá 12 nguyên nhân gây khó thở