Tìm hiểu chung
Tinh hoàn ẩn là bệnh gì?
Tinh hoàn ẩn là một bệnh lý trong đó một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu trước khi được sinh ra.
Trong giai đoạn mang thai, tinh hoàn của trẻ thường nằm trong ổ bụng. Không lâu trước khi ra đời, tinh hoàn di chuyển xuyên qua ổ bụng để xuống bìu. Nhưng trong một số trường hợp điều này không xảy ra, gây ra tinh hoàn ẩn. Thường chỉ một tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tinh hoàn ẩn là gì?
Ngoại trừ việc không nhìn thấy hoặc sờ thấy tinh hoàn ở vị trí bình thường ở bìu, bé hoàn toàn khỏe mạnh. Thông thường em bé không có triệu chứng nào khác.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Tinh hoàn ẩn thường được phát hiện khi kiểm tra bé ngay sau sinh. Nếu con trai bạn có tinh hoàn ẩn, hãy hỏi bác sĩ bao lâu cần theo dõi một lần. Nếu tinh hoàn không xuống bìu khi bé đã được 6 tháng sau khi sinh thì thường vấn đề sẽ không tự hết.
Điều trị tinh hoàn ẩn khi bé còn nhỏ có thể làm giảm nguy cơ bị các biến chứng về sau, chẳng hạn như vô sinh và ung thư tinh hoàn.
Khi lớn hơn, nếu bé đã có tinh hoàn xuống bình thường nhưng sau đó lại thấy thiếu một tinh hoàn. Tình trạng này có thể là:
- Tinh hoàn co rút: di chuyển lên xuống giữa bìu và bẹn, có thể dễ dàng xuống bìu trở lại khi thăm khám. Điều này không phải là bất thường và nguyên nhân là do phản xạ cơ bìu;
- Tinh hoàn đi lên hay tinh hoàn ẩn mắc phải: nghĩa là tinh hoàn quay trở lại bẹn và không thể dùng tay để xuống bìu lại được.
Nếu bạn thấy bất kỳ thay đổi nào ở cơ quan sinh dục của trẻ hoặc có lo ngại về sự phát triển của trẻ, hãy nói chuyện với bác sĩ.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra tinh hoàn ẩn?
Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ. Có thể là không có đủ hormone từ mẹ hoặc thiếu hormone từ tinh hoàn để tạo nên sự tăng trưởng bình thường. Một số tắc nghẽn có thể ngăn tinh hoàn di chuyển xuống. Những hormone được dùng trong quá trình mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tinh hoàn ẩn?
Tinh hoàn ẩn thường xảy ở khoảng 3% bé trai sinh đủ tháng và khoảng 30% trẻ sinh non. Trên thực tế gần 100% tất cả bé trai nặng dưới 0,9 kg khi sinh sẽ có tinh hoàn ẩn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tinh hoàn ẩn?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tinh hoàn ẩn, bao gồm:
- Cân nặng lúc sinh thấp;
- Sinh non;
- Tiền căn gia đình bị tinh hoàn ẩn hoặc các vấn đề phát triển hệ sinh dục khác;
- Bệnh lý thai nhi ngăn cản tăng trưởng, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc khiếm khuyết thành bụng;
- Mẹ sử dụng rượu trong thai kỳ; hút thuốc trực tiếp hoặc hít phải khói thuốc; bị béo phì; tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 hoặc tiểu đường thai kỳ;
- Bố mẹ tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tinh hoàn ẩn?
Bác sĩ thường phát hiện tinh hoàn ẩn khi khám thực thể lần đầu cho trẻ mới sinh. Trong khoảng 80% số ca, bác sĩ có thể sờ thấy chúng nằm ở trên trong ống bẹn (một ống nằm ở thành bụng dưới).
Nếu bác sĩ không sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn, có thể tiến hành siêu âm. Phương tiện này sử dụng sóng âm để ghi hình ảnh bên trong cơ thể.
Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác nếu siêu âm vẫn không thấy tinh hoàn. Chụp cắt lớp (CT) có thể cho hình ảnh trong cơ thể rõ hơn. Đôi khi có thể cần phải nội soi bụng. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sử dụng ống sáng nhỏ, mềm để quan sát ổ bụng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tinh hoàn ẩn?
Nếu có thể sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn, chúng thường có tự di chuyển xuống mà không cần điều trị. Nếu tới lúc bé được 6 tháng mà chúng vẫn không tự di chuyển xuống, có thể cần một số biện pháp can thiệp. Phẫu thuật cố định tinh hoàn được thực hiện để chuyển tinh hoàn vào bìu.
Tinh hoàn ẩn không được điều trị có thể gây ra các vấn đề về sinh sản sau này như lượng tinh trùng thấp. Nam giới có tinh hoàn ẩn, kể cả đã được phẫu thuật hay chưa, có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tinh hoàn ẩn?
Tinh hoàn ẩn có thể được hạn chế nếu:
- Kiểm tra tình trạng tinh hoàn để chắc chắn rằng chúng phát triển bình thường, kể cả khi đã phẫu thuật chỉnh lại. Bạn có thể giúp đỡ bé bằng cách để ý đến quá trình phát triển. Kiểm tra vị trí của tinh hoàn trong lúc thay tã và tắm;
- Nói chuyện với con trai về tinh hoàn của bé khi bé lớn hơn. Khi bé đến tuổi dậy thì và bạn nói về những thay đổi thể chất có thể xảy ra, hãy giải thích cách tự kiểm tra tinh hoàn cho trẻ. Tự khám tinh hoàn là kỹ năng quan trọng để phát hiện sớm khối u.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.