Thoát vị bẹn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng nơi này khá yếu. Nữ giới thường ít gặp thoát vị bẹn và thường chỉ bị khi có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng hoặc sau phẫu thuật.
Tìm hiểu chung
Bệnh thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là túi phình ở vùng bẹn. Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mềm – thường là một phần của màng tế bào lót các khoang bụng (mạc nối) hoặc một phần của ruột bị trồi ra và chui vào túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi bạn ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng.
Thoát vị bẹn không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thoát vị bẹn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác. Đôi khi, người bệnh cảm thấy đau hoặc căng tức vùng bẹn. Thông thường, người bệnh có thể tự đẩy chỗ túi thoát vị trở vào trong hoặc túi thoát vị này có thể biến mất khi người bệnh nằm xuống. Các em bé có thể có túi thoát vị xuất hiện từng đợt mỗi khi rặn, khóc, ho hoặc đứng.
Các biến chứng bao gồm thoát vị kẹt và thoát vị bẹn nghẹt.
Thoát vị kẹt là một phần của ruột, mô mỡ hoặc buồng trứng bị kẹt lại trong túi thoát vị. Thoát vị kẹt có thể tạo nên khối chắc, căng đau, gây nôn, táo bón và dễ kích thích.
Tình trạng nguy hiểm nhất là thoát vị bẹn nghẹt. Thoát vị bẹn nghẹt xảy ra khi các mô trong túi thoát vị bị xoắn lại. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi vì không được cung cấp đủ máu. Thoát vị bẹn nghẹt có thể gây ra các triệu chứng sốt và vùng thoát vị bị sưng, đỏ, viêm và rất đau.
Bạn có thể gặp các triệu chứng thoát vị bẹn khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn:
- Có các triệu chứng bất thường hoặc bìu bị sung;
- Vết mổ bị sưng, đỏ hoặc chảy dịch. Báo với bác sĩ nếu bạn sốt hơn 37,80C;
- Ho kéo dài hoặc bị dị ứng.
Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây thoát vị bẹn?
Thoát vị có thể bị ngay từ khi mới sinh hoặc xảy ra một cách đột ngột. Thoát vị được gây ra bởi sự kết hợp của yếu cơ vùng bẹn và tăng áp lực xảy ra tại chỗ thoát vị. Thoát vị bẹn gián tiếp, có từ khi sinh, xảy ra do những sai sót trong quá trình phát triển. Thoát vị bẹn trực tiếp hình thành sau khi sinh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải thoát vị bẹn?
Cả đàn ông và phụ nữ có thể mắc thoát vị bẹn ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, thoát vị thường xảy ra ở nam nhiều hơn là ở nữ. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn, bao gồm:
- Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình: nguy cơ thoát vị bẹn tăng nếu bạn có một người thân, như cha mẹ hoặc anh chị em, bị tình trạng như vậy;
- Một số bệnh lý: những người bị xơ nang, một bệnh lý gây tổn thương phổi nghiêm trọng, thường bị ho mãn tính và tăng khả năng mắc thoát vị bẹn;
- Ho mãn tính: chẳng hạn như ở người hút thuốc lá, có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn;
- Táo bón mãn tính: rặn khi đi ngoài là một yếu tố nguy cơ phổ biến của chứng thoát vị bẹn;
- Thừa cân: tạo thêm áp lực lên bụng của người bệnh;
- Mang thai: điều này có thể làm suy yếu cả các cơ bụng và gây tăng áp lực trong ổ bụng;
- Một số ngành nghề: có một số công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn;
- Sinh non.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán thoát vị bẹn?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào tiền sử bệnh án của bạn và tiến hành khám lâm sàng cho bạn trong tư thế ngồi, đứng và khi ho.
Những phương pháp nào dùng để điều trị thoát vị bẹn?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị được ưu tiên. Phẫu thuật nên được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí là đối với các bé còn nhỏ, nếu túi thoát vị bị đau hoặc không thể đẩy trở lại vào trong. Các cách phẫu thuật có thể theo cách truyền thống (với đường mổ như thông thường) hoặc mổ nội soi. Trong phẫu thuật nội soi, bác sĩ sử dụng một cái ống mỏng để đưa xuyên qua vết cắt nhỏ ở da. Bác sĩ có thể nhìn xuyên thông qua ống nhờ nguồn sáng ở đầu ống để xem bên trong cơ thể.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị bẹn?
Thoát vị bẹn có thể được hạn chế nếu bạn áp dụng những thói quen sinh hoạt dưới đây:
- Sử dụng thuốc giảm đau sau khi phẫu thuật theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Đi dạo và leo cầu thang nếu bác sĩ cho phép, nhưng đừng làm quá sức;
- Cẩn thận để không bị táo bón. Ăn thức ăn đủ chất xơ và uống đủ 8 ly nước mỗi ngày. Bạn có thể cần thuốc nhuận tràng nhẹ (như hỗn hợp dịch magie);
- Quan hệ tình dục nếu bác sĩ cho phép;
- Giảm cân nếu bạn bị thừa cân;
- Thực hiện đúng sự hướng dẫn an toàn khi nâng vật nặng;
- Gặp bác sĩ nếu bạn bị ho kéo dài hoặc dị ứng.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Thoát vị bẹn được chẩn đoán khá dễ dàng bằng các triệu chứng lâm sàng. Khi bạn bị thoát vị bẹn, dù chưa có biến chứng, bạn cũng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa và điều trị sớm. Túi thoát vị bẹn ở người lớn không có khả năng tự lành mà có khuynh hướng ngày càng to ra và dễ dẫn đến biến chứng như kẹt hoặc nghẹt gây hoại tử ruột. Ngày nay phẫu thuật gia cố vùng bẹn bằng lưới sinh học nội soi khá an toàn và ít đau, bệnh nhân có thể xuất viện sớm sau vài ngày.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Giải pháp cho người bị thoát vị đĩa đệm
- Tìm hiểu về bệnh thoát vị rốn và thoát vị bẹn ở trẻ
- Thoát vị bẹn nội soi