Tìm hiểu chung
Thẩm mỹ không phẫu thuật là gì?
Thẩm mỹ không phẫu thuật là những thủ thuật có thể cải thiện vẻ bề ngoài của bạn mà không cần phẫu thuật.
Điều trị khiếm khuyết trên da có thể giúp bạn thêm tự tin về vẻ bề ngoài của mình. Khiếm khuyết trên da có thể là sự xuất hiện những đốm đen, da không đồng đều màu hoặc những vết sẹo không mong muốn. Các khiếm khuyết này gây ra bởi nhiều bệnh về da, quá trình lão hóa, ánh nắng mặt trời hoặc chấn thương da.
Thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật đang trở nên phổ biến hơn do tính an toàn và hiệu quả của nó. Hiện nay, có rất nhiều dạng thẩm mỹ không phẫu thuật, bao gồm tiêm làm da và môi trở nên đầy đặn hơn, liệu pháp laser điều trị nếp nhăn và sẹo cùng những phương pháp điều trị không phẫu thuật khác làm giảm các tế bào mỡ.
Mục đích điều trị của thẩm mỹ không phẫu thuật là gì?
Thẩm mỹ không phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị nếp nhăn, mụn trứng cá nhẹ, sẹo mụn và tổn hại da do ánh nắng. Các thủ thuật này có thể tác động đến làn da theo những cách khác nhau. Để loại bỏ những khuyết điểm trên da như nếp nhăn, đồi mồi hoặc cellulite (sần vỏ cam), người ta thực hiện một số thao tác như loại bỏ lớp da bị hư hại bên ngoài và kích thích sự tăng trưởng của các lớp da mới để lấy lại vẻ trẻ trung, ngoài ra có thể hỗ trợ tạo cấu trúc da.
Thông thường, khi thực hiện tiến trình, bác sĩ sẽ thoa một lớp gel gây tê. Gel này cũng cung cấp vitamin và khoáng chất cho lớp hạ bì (lớp trong cùng của da).
Thẩm mỹ không phẫu thuật gồm những phương pháp điều trị phổ biến nào?
Phương pháp điều trị thẩm mỹ không phẫu thuật có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng da của bạn. Mỗi phương pháp điều trị có thể tác động đến làn da theo những cách khác nhau và thời gian phục hồi cũng khác nhau. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Tiêm botulinum toxin (thường được gọi là botox). Phương pháp này sử dụng một loại protein được sản xuất bởi vi khuẩn Clostridium botulinum để làm giãn các cơ mặt. Khi cười, các cơ mặt tạo thành đường nét và các nếp nhăn trên khuôn mặt. Khi tiêm, chúng cho phép các cơ mặt chuyển động mà không tạo ra các nếp nhăn;
- Chất làm đầy. Thường được sử dụng để bơm môi. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này có nhiều công dụng hơn, chẳng hạn như để nâng mặt. Chất làm đầy có chứa axit hyaluronic kết hợp với nước trong da để làm cho mặt trở nên đầy đặn hơn;
- Laser tẩy lông. Phương pháp này có thể đảm bảo rằng lông ở những nơi không mong muốn sẽ không thể làm phiền bạn nữa. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi vì tính hiệu quả lâu dài và khả năng xử lý lông ở những khu vực phức tạp. Một điều đáng ngạc nhiên là hiện nam giới rất thường xuyên sử dụng phương pháp này;
- Kỹ thuật siêu mài mòn và mặt nạ hóa học. Các phương pháp này hoạt động trên cùng cơ chế là loại bỏ những tế bào da bị tổn thương và kích thích sự phát triển của những tế bào da khỏe mạnh. Chính vì cơ chế đó, những phương pháp điều trị này có thể khiến da đỏ và viêm trong một vài ngày hoặc vài tuần sau điều trị;
- Mesotherapy. Tiêm vitamin và protein vào bên dưới da để đạt hiệu quả tốt nhất. Sự phát triển của công nghệ đã mang lại liệu pháp mesotherapy không kim để giảm đau cho bệnh nhân. Liệu pháp này có thể giúp da không bị khô, săn chắc hơn cũng như điều trị cellulite (sần vỏ cam) và giúp giảm mỡ cho da.
Điều cần thận trọng
Ai có thể thực hiện thẩm mỹ không phẫu thuật?
Bạn có thể là người phù hợp với thẩm mỹ không phẫu thuật nếu bạn có sức khỏe tốt và muốn cải thiện hình dáng bên ngoài. Thẩm mỹ không phẫu thuật là một lựa chọn an toàn cho những bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Thẩm mỹ không phẫu thuật thường sẽ không mang lại cho bạn những kết quả mong muốn chỉ trong một lần thực hiện. Bạn có thể cần thực hiện một vài lần để đạt được kết quả như ý. Điều quan trọng là bạn nên biết kiểm soát những kỳ vọng của mình và thực hiện việc chăm sóc sau khi điều trị một cách thích hợp để tránh biến chứng. Bạn sẽ thấy làn da trở nên nhạy cảm hơn và sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi.
Bạn nên nói với bác sĩ da liễu những mối lo ngại của mình về thẩm mỹ không phẫu thuật. Họ sẽ xác định tiến trình thẩm mỹ phù hợp với bạn.
Ai không nên tiến hành điều trị thẩm mỹ không phẫu thuật?
Một số thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật có thể không phù hợp với bạn. Bạn nên tránh thực hiện nếu bạn đang trong tình trạng:
- Mang thai hoặc đang cho con bú. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú có nghĩa là hormone đang thay đổi và cần phải ổn định trước khi bác sĩ da liễu đánh giá tình trạng da của bạn;
- Mụn nang. Các loại mụn như mụn mủ và u nang có thể trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên đợi cho đến khi mụn lành mới có thể chữa trị. Các loại mụn như mụn đầu trắng và mụn đầu đen có thể được điều trị bằng thẩm mỹ không phẫu thuật;
- Đang dùng isotretinoin. isotretinoin (Acnotinâ hoặc Isotinaâ) có thể làm cho làn da của bạn trở nên nhạy cảm hơn. Nếu bạn đang dùng thuốc này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng thuốc ít nhất là 6 tháng trước khi điều trị;
- Đang dùng thuốc kháng đông. Các thuốc như aspirin, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và warfarin có thể làm tăng thời gian chảy máu. Điều này có thể gây trở ngại cho quá trình điều trị da;
- Màu da khá tối. Hầu hết các thủ thuật chỉ có hiệu quả trên làn da có độ sáng từ cao đến trung bình. Nếu bạn có màu da tối, bạn có thể có nguy cơ cao bị biến chứng như da bị giảm sắc tố;
- Có bất kỳ vết thương hở nào trên da. Bạn nên để da hoàn toàn bình phục trước khi tiến hành điều trị để tránh nhiễm trùng;
- Mắc tình trạng viêm da hoặc vết loét tái phát. Bạn nên có sức khỏe tốt trước khi tiến hành điều trị. Thẩm mỹ không phẫu thuật như liệu pháp laser hay mặt nạ hóa học có thể làm tình trạng da như chàm và viêm da tiếp xúc nặng hơn.
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay đang tìm kiếm một phương pháp điều trị thẩm mỹ không phẫu thuật, hãy thảo luận với bác sĩ da liễu của bạn để biết thêm thông tin.
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Thẩm mỹ không phẫu thuật không hẳn là không có rủi ro. Những phương pháp điều trị thường có một “thời gian chết”, đó là thời kỳ khi các khu vực điều trị dễ bị nhiễm trùng. Khi đang lành, da nó có thể không mịn màng. Những triệu chứng như tấy đỏ và sưng khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn có một chế độ chăm sóc hợp lý, các triệu chứng này có thể giảm sau vài ngày. Tùy thuộc vào phương pháp điều trị và độ sâu mà da bị ảnh hưởng, thời gian phục hồi có thể lâu hơn.
Một số hóa chất sử dụng trong việc điều trị có thể dẫn đến phản ứng dị ứng ở những người có làn da nhạy cảm. Dấu hiệu của dị ứng bao gồm ngứa, mẩn đỏ, và da bị sưng. Bạn cũng có thể bị phát ban hoặc đổi màu của da. Trong một số trường hợp nặng, da bạn có thể bị ngứa trong nhiều tuần và bị đổi màu. Tình trạng này phải mất một thời gian dài để cải thiện.
Hồi phục sức khỏe
Bạn nên chăm sóc da thế nào sau khi điều trị thẩm mỹ không phẫu thuật?
Chăm sóc làn da của bạn sau điều trị là quá trình quan trọng nhất, vì một số cách điều trị sẽ lấy đi lớp da bên ngoài tạo nên một vết thương cần phải chăm sóc một cách thích hợp. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn thuốc mỡ hoặc kem để bôi lên các vết thương. Độ ẩm từ băng sẽ thúc đẩy quá trình lành và giảm ngứa từ vết thương.
Nếu bị sưng sau khi điều trị, bạn có thể sử dụng túi lạnh và các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs, như aspirin hay ibuprofen) để giảm sưng. Bạn nên rửa mặt hai lần mỗi ngày để giữ cho các vùng điều trị luôn sạch và loại bỏ lớp vảy trên da.
Trong khoảng một hoặc hai ngày sau khi điều trị, tốt nhất là bạn nên tránh sử dụng xà phòng hay các mỹ phẩm có hóa chất vì nó có thể ngăn chặn quá trình hồi phục của da bạn. Bạn có thể rửa mặt bằng nước muối sinh lý để khử trùng các vết thương, sau đó rửa sạch lại với nước đun sôi để nguội để tránh nước muối làm khô da.
Bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sau khi điều trị và nên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày. Các lớp da mới rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và có thể dễ bị tổn thương hơn so với các vùng da khác.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.