Táo bón là bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành và trẻ em. Các trường hợp táo bón nhẹ thông thường là hậu quả của chế độ ăn ít rau hoặc chất xơ, uống ít nước và không có thói quen đi tiêu mỗi ngày. Chế độ sinh hoạt cũng ảnh hưởng rất lớn đến bệnh, nếu như bạn có nhu cầu đi tiêu mà thời điểm không thuận tiện, có nghĩa là bạn nhịn tiêu để chờ một dịp khác thì phân tồn đọng trong trực tràng bị thẩm thấu hết nước trở nên khô và cứng. Vì thế, lần đi tiêu sau sẽ rất khó khăn và bạn mắc táo bón.
Tìm hiểu chung
Táo bón (bón) là bệnh gì?
Táo bón, hay còn gọi là bón, là tình trạng đại tiện khó và khoảng cách giữa các lần đại tiện kéo dài hơn bình thường. Mỗi người có thói quen đại tiện khác nhau, không nhất thiết phải có quy định chung cho thói quen này. Táo bón được tính khi bạn đi đại tiện ít hơn 3 lần trong một tuần.
Táo bón thường tự hết nếu bạn thay đổi lối sống, nhưng táo bón mãn tính sẽ khó điều trị hơn và thường là triệu chứng của một tình trạng bệnh khác.
Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng của các bệnh ở đại trực tràng (ruột già và ruột kết) khác. Các bệnh gây táo bón có thể là bệnh nhẹ và phổ biến như polyp đại trực tràng hoặc nghiêm trọng như ung thư đại trực tràng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của táo bón (bón) là gì?
Do thói quen đi đại tiện của mỗi người khác nhau, bạn chỉ nên so sánh tình trạng khi táo bón với chính tình trạng khi đại tiện bình thường. Những triệu chứng táo bón bao gồm:
- Khó thải phân, phân khô hay cứng;
- Bụng trướng;
- Đau bụng;
- Có máu trong phân hoặc chảy máu sau khi đi đại tiện;
- Sau khi đại tiện xong vẫn còn cảm giác muốn đại tiện.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Dù là một triệu chứng phổ biến, nhưng bạn nên gặp bác sĩ nếu táo bón kéo dài hơn hai tuần vì đó có thể là dấu hiệu cho các bệnh khác. Ngoài ra bạn cũng cần đi khám khi trong phân có máu, sụt cân dù không ăn kiêng hoặc táo bón kèm theo đau bụng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra táo bón (bón) là gì?
Tình trạng bón xảy ra do phân đi qua trực tràng chậm hơn bình thường, làm cho phân trở nên khô và cứng. Những nguyên nhân gây táo bón khác bao gồm:
- Không ăn uống đủ nước hay chất xơ;
- Không vận động;
- Mang thai;
- Căng thẳng;
- Tắc ruột do ung thư đại trực tràng.
Một số thuốc đặc trị như thuốc giảm đau chứa chất gây tê, thuốc chống dị ứng và một số thuốc chống suy nhược cũng là nguyên nhân phổ biến khác gây táo bón. Táo bón phần lớn không nghiêm trọng mà sẽ tự khỏi sau một thời gian khi bạn thay đổi thói quen sống.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải táo bón (bón)?
Bón là một bệnh phổ biến có thể xảy ra ở mọi người bất kể tuối tác hay giới tính. Tuy vậy, đối tượng dễ mắc phải chứng táo bón là người già, béo phì, phụ nữ mang thai và những người ngồi nhiều, ít vận động.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc táo bón (bón)?
Thói quen sống thường là lý do chính gây ra táo bón nhẹ. Nếu bạn có một trong những thói quen sau đây, bạn sẽ có nguy cơ bị táo bón cao hơn:
- Lớn tuổi;
- Phụ nữ mang thai;
- Bị thiếu hoặc mất nước;
- Chế độ ăn uống ít hoặc thiếu chất xơ;
- Béo phì;
- Ít hoặc không vận động;
- Đang điều trị bằng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc tê hoặc thuốc giảm huyết áp.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị táo bón (bón)?
Điều trị bệnh táo bón nhẹ rất đơn giản. Bạn phải thay đổi lối sống, như tập thể dục nhiều hơn và uống thêm nước (1.5 đến 2 lít mỗi ngày) và ăn thêm chất xơ. Tốt nhất nên tránh sử dụng thuốc nhuận tràng vì bạn dễ bị phụ thuộc vào thuốc. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng phương thuốc nhuận tràng thiên nhiên như rau mông tơi, đu đủ hoặc chuối.
Bạn nên cân bằng thời gian mỗi ngày cho việc đại tiện được thoải mái. Uống nước và cà phê nóng vài phút trước khi đi có thể giúp kích thích nhu động trực tràng.
Đối với tình trạng táo bón vừa và nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đặt làm mềm phân, thuốc nhuận tràng, và thụt tháo. Bác sĩ sẽ không dùng thuốc nhuận tràng quá mạnh trừ khi các cách trên không hiệu quả.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh táo bón (bón)?
Bác sĩ chuẩn đoán táo bón dựa trên tiền sử bệnh, bao gồm thay đổi của bạn gần đây và thuốc bạn đang uống. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng, đặc biệt là bụng và soi trực tràng để kiểm tra các vấn đề như trĩ hay nứt trực tràng, tìm phân ở trong trực tràng và độ đặc của phân và kiểm tra có máu trong phân hay không.
Nếu phân chứa máu, bạn cần được nội soi đại trực tràng. Khi nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ gắn với một dụng cụ có đèn để quan sát trực tràng. Bác sĩ cũng xét nghiệm máu để xem bạn có bị thiếu máu do ung thư đại trực tràng hay không. Những xét nghiệm bổ sung như chụp cắt lớp (CT) ở bụng và xương chậu sẽ được tiến hành nếu tìm thấy một khối u trong bụng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp tôi hạn chế diễn tiến của chứng táo bón (bón)?
Một thói quen sống lành mạnh là liều thuốc tốt nhất cho bệnh táo bón. Một số lời khuyên sau sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị táo bón:
- Ăn nhiều chất xơ trong chế độ ăn, như là trái cây, rau củ và cả ngũ cốc;
- Uống đủ nước, đặc biệt là trong thời tiết ấm;
- Tránh những thuốc không kê đơn như là thuốc chống dị ứng có thể gây ra táo bón.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Táo bón có thể dẫn đến những hậu quả “khó chịu” khác như nứt hậu môn, trĩ. Và những bệnh này có thể làm bạn đau đớn khi đi tiêu. Ở trẻ em, táo bón thể hiện ở việc trẻ sợ đi tiêu và từ chối đi bộ, nếu càng nhịn tiêu thì phân càng cứng và lần sau đi sẽ càng đau đớn hơn. Người táo bón, song song với việc thay đổi chế độ ăn, nên tập thói quen đi tiêu đúng giờ hàng ngày, lựa chọn thời gian thoải mái nhất để dành cho việc này sẽ dần dần khắc phục được bệnh táo bón.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.