Tìm hiểu chung
Tâm thần phân liệt là bệnh gì?
Tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần mãn tính nghiêm trọng gây nhiễu loạn suy nghĩ. Tư duy người bệnh trở nên lộn xộn và tách khỏi thực tại. Tốc độ tư duy trở nên nhanh hoặc chậm lại, thậm chí dừng hẳn khiến tốc độ nói cũng nhanh, chậm hoặc ngập ngừng theo. Bệnh này cũng làm người bệnh mất khả năng suy nghĩ, ghi nhớ hoặc hiểu một vấn đề nào đó.
Bệnh nhân tâm thần phân liệt có nhiều hành vi kỳ lạ do nghe thấy các giọng nói trong đầu và thấy những thứ không có thật; bị ảo tưởng, cảnh giác quá mức (hoang tưởng ảo giác), nóng nảy và bạo lực.
Tâm thần phân liệt là một bệnh mãn tính, cần phải điều trị suốt đời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của tâm thần phân liệt là gì?
Các triệu chứng chính của bệnh tâm thần phân liệt bao gồm:
- Mâu thuẫn trong tư tưởng, chẳng hạn như khó ra quyết định;
- Khó thể hiện và bộc lộ cảm xúc;
- Sợ nơi công cộng, nơi có nhiều người;
- Tư duy bất thường:
- Ảo giác, đặc biệt là nghe thấy tiếng nói rõ rệt, nam hay nữ, âm sắc, độ tuổi, tiếng người quen hay lạ. Các giọng nói có thể bảo bạn về điều gì đó mà bạn không thấy thoải mái, ví dụ như tự sát hoặc giết người khác.
- Hoang tưởng, tức là cảnh giác quá mức, tin rằng mình có khả năng đặc biệt hoặc cho rằng mình bị chứng bệnh nào đó thực ra không có.
Một số các triệu chứng khác có thể không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bệnh nhân tâm thần phân liệt sẽ không biết rằng mình có bệnh tâm thần và cần phải điều trị. Vì vậy, nếu bạn thấy người thân có bất kỳ triệu chứng tâm thần hoặc hành vi bất thường nào, bạn cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, tốt nhất là đến bệnh viện chuyên khoa thần kinh.
Bệnh nhân có thể chống đối và bỏ trốn, do đó bạn cần liên lạc trước với bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên khoa thần kinh để có biện pháp tốt nhất mà không gây thương tổn cho người thân của bạn.
Nguyên nhân mắc phải
Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Hiện nay, nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt hiện nay vẫn là ẩn số. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng các yếu sau có thể góp phần gây bệnh:
- Gen: bệnh có thể lây truyền trong gia đình;
- Yếu tố môi trường: như virus và một số vấn đề về dinh dưỡng sau khi sinh;
- Những khác biệt trong cấu trúc và chất hóa học ở não.
Nguy cơ mắc bệnh
Những ai thường mắc phải tâm thần phân liệt?
Bệnh nhân tâm thần phân liệt chiếm khoảng 1% dân số, tức là cứ 100 người thì có 1 người bị tâm thần phân liệt. Số bệnh nhân nam và nữ là ngang nhau nhưng bệnh nhân nam thường được phát bệnh sớm hơn, từ tuổi dậy thì đến khoảng 25 tuổi, trong khi phần lớn bệnh nhân nữ bắt đầu phát bệnh từ 25 tuổi trở lên.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt?
Những yếu tố làm nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt tăng bao gồm:
- Có người thân bị tâm thần phân liệt. Nếu bạn có người thân, đặc biệt là cha mẹ hoặc anh chị em, là bệnh nhân tâm thần phân liệt, bạn có nguy cơ bị bệnh cao gấp 10 lần người khác;
- Nhiễm virus, nhiễm độc, và suy dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ, đặc biệt là trong 6 tháng đầu;
- Có bố ruột lớn tuổi khi sinh;
- Dùng thuốc ức chế hoặc kích thích thần kinh và hành vi khi còn thanh thiếu niên hoặc nhỏ hơn;
- Bị rối loạn tự miễn dịch.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt?
Khi các bác sĩ nghi ngờ một người có tâm thần phân liệt, họ thường xem xét bệnh sử, khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm bao gồm:
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) và một số xét nghiệm máu khác có thể giúp loại trừ các tình trạng khác gây ra triệu chứng tương tự, cũng như kiểm tra nồng độ rượu và ma túy. Các bác sĩ cũng có thể yêu cầu xát nghiệm hình ảnh, ví dụ như chụp MRI hoặc CT scan.
Đánh giá tâm lý: bác sĩ tâm thần có thể kiểm tra tình trạng tâm thần của bệnh nhân bằng cách quan sát ngoại hình, phong thái và hỏi về những suy nghĩ, tâm trạng, hoang tưởng, ảo giác, lạm dụng chất gây nghiện cũng khả năng bạo lực hoặc tự tử.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt?
Bệnh tâm thần phân liệt không thể chữa khỏi nhưng rất nhiều triệu chứng có thể được điều trị bằng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi.
Các bệnh thần kinh thường hình thành do người bệnh có lối tư duy sai lệch hoặc tiêu cực nào đó trong thời gian dài. Bác sĩ sẽ áp dụng liệu pháp nhận thức giúp người bệnh tìm ra thói quen trong tiềm thức gây ra bệnh thần kinh đó. Sau đó, liệu pháp hành vi hướng dẫn và tập cho bạn thói quen khác để tránh cách nghĩ đó đi. Khi bạn không còn nghĩ theo cách cũ nữa nghĩa là triệu chứng đã được trị khỏi.
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc chống rối loạn thần kinh hằng ngày để ngăn triệu chứng ảo tưởng và hoang tưởng ảo giác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ điều trị tâm lý xã hội cho người bệnh. Điều trị tâm lý xã hội là liệu pháp tư vấn hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cũng như sinh hoạt cộng đồng. Nhóm tình nguyện theo hướng dẫn của bác sĩ cũng sẽ dạy cho bạn hoặc người thân bị bệnh các kỹ năng mềm cần thiết.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tâm thần phân liệt?
Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:
- Dùng thuốc hàng ngày theo chỉ định;
- Tham dự các chương trình hoặc tham các hoạt động được bác sĩ khuyên. Xem xét việc gia nhập một nhóm hỗ trợ tình nguyện;
- Tránh dùng rượu bia do chúng có thể gây cản trở tác dụng của thuốc;
- Không nên để người thân bị bệnh bị căng thẳng. Căng thẳng, thiếu ngủ, ăn uống không đầy đủ và dùng caffeine sẽ làm các hành vi tâm thần tái phát;
- Gọi bác sĩ nếu bạn hoặc thấy người thân của bạn nghe thấy các giọng nói, cảm thấy hoang tưởng hoặc có các suy nghĩ kỳ quặc khác;
- Gọi bác sĩ nếu ngủ ít hơn, buồn phiền hoặc xuất hiện ý định tự tử;
- Không dùng bất kỳ thuốc kích thích nào;
- Không dùng thuốc, bao gồm thuốc không kê toa, mà không kiểm tra trước với bác sĩ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.