Suy tĩnh mạch ngoại biên là bệnh lý ảnh hưởng bởi tĩnh mạch chi dưới, có thể do giãn tĩnh mạch, huyết khối hay tăng áp lực tĩnh mạch… Bệnh thường gặp hơn ở nữ giới, ngoài ảnh hưởng tới thẩm mỹ ở chân thì bệnh còn gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người mắc phải.
Tìm hiểu chung
Suy tĩnh mạch ngoại biên là bệnh gì?
Suy tĩnh mạch ngoại biên là vấn đề về dòng chảy của máu từ tĩnh mạch của chân quay về tim, còn được gọi là suy tĩnh mạch ngoại biên mạn tính hoặc tắc tĩnh mạch mạn tính.
Tĩnh mạch có van giữ máu di chuyển theo một hướng cố định – hướng về phía tim. Trong suy tĩnh mạch ngoại biên, các van trong tĩnh mạch vùng chân không hoạt động bình thường, vì vậy dịch đọng lại ở chân. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong đó có giãn tĩnh mạch.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tĩnh mạch ngoại biên
Các triệu chứng thông thường của suy tĩnh mạch ngoại biên là:
- Sưng chân hoặc mắt cá chân (phù nề)
- Đau nhiều hơn khi đứng và đỡ hơn khi kê cao chân
- Chuột rút
- Đau nhức, hoặc cảm giác nặng ở chân
- Khô chân
- Yếu chân
- Da ở chân hoặc mắt cá chân dày lên
- Da thay đổi màu sắc, đặc biệt là xung quanh mắt cá chân
- Loét chân
- Giãn tĩnh mạch
- Cảm giác co cứng vùng bắp chân.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào được liệt kê ở trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cơ địa mỗi người khác nhau. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có được lời khuyên tốt nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra suy tĩnh mạch ngoại biên?
Suy tĩnh mạch ngoại biên đôi khi do huyết khối tĩnh mạch sâu và huyết áp cao bên trong tĩnh mạch chân gây ra.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải suy tĩnh mạch ngoại biên?
Suy tĩnh mạch ngoại biên phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Bệnh có thể được kiểm soát bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc suy tĩnh mạch ngoại biên?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tĩnh mạch ngoại biên như:
- Huyết khối
- Giãn tĩnh mạch
- Béo phì
- Mang thai
- Hút thuốc
- Ung thư
- Yếu cơ, thương tổn ở chân hoặc chấn thương
- Sưng bề mặt tĩnh mạch (hoại tử)
- Tiền sử gia đình có suy tĩnh mạch ngoại biên
- Lối sống tĩnh tại (ngồi hoặc đứng một thời gian dài mà không di chuyển có thể gây ra cao huyết áp ở tĩnh mạch chân và làm tăng nguy cơ suy tĩnh mạch ngoại biên)
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán suy tĩnh mạch ngoại biên?
Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát cũng như hỏi về tiền sử y khoa toàn diện nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh suy tĩnh mạch ngoại biên. Một số xét nghiệm hình ảnh có thể được đề nghị để xác định nguyên nhân sâu xa của bệnh. Các xét nghiệm này có thể bao gồm tĩnh mạch đồ hoặc siêu âm hai chiều.
Tĩnh mạch đồ
Khi chụp tĩnh mạch đồ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc nhuộm cản quang vào tĩnh mạch (IV). Thuốc cản quang làm cho tĩnh mạch hiện rõ trên phim X-quang, giúp bác sĩ nhìn thấy chúng dễ dàng hơn. Thuốc nhuộm này giúp bác sĩ quan sát được các tĩnh mạch bất thường nếu bệnh nhân bị suy tĩnh mạch ngoại biên.
Siêu âm hai chiều
Siêu âm hai chiều có thể được sử dụng để kiểm tra tốc độ và hướng dòng máu trong tĩnh mạch. Một kỹ thuật viên sẽ bôi gel trên da và sau đó ấn một thiết bị cầm tay nhỏ (được gọi đầu dò) lên vùng đã thấm gel. Đầu dò sử dụng các sóng âm thanh trả về máy tính và tạo ra các hình ảnh về dòng máu.
Những phương pháp nào dùng để điều trị suy tĩnh mạch ngoại biên?
Điều trị sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh. Một số yếu tố khác mà bác sĩ sẽ xem xét là:
- Triệu chứng đặc hiệu
- Tuổi của bệnh nhân
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
- Mức độ chịu đựng thuốc hay liệu trình điều trị như thế nào.
Điều trị phổ biến nhất đối với suy tĩnh mạch ngoại biên là dùng vớ băng ép chân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Những loại vớ nén đặc biệt này giúp tạo một lực ép ở bắp chân và mắt cá chân. Chúng giúp cải thiện lưu lượng máu và có thể làm giảm sưng phù. Những loại vớ nén khác nhau có sức đè ép và độ dài khác nhau. Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định loại vớ nào là tốt nhất cho tình trạng hiện tại của bạn.
Điều trị suy tĩnh mạch ngoại biên có thể bao gồm một số chiến lược khác nhau như:
Cải thiện lưu lượng máu
Một số mẹo để cải thiện lưu lượng máu bao gồm:
- Giữ chân cao bất cứ khi nào có thể
- Mang vớ nén để tạo áp lực lên vùng bắp chân
- Giữ chân bắt chéo khi ngồi
- Tập thể dục đều đặn.
Dùng thuốc
Có thể dùng thuốc để cải thiện tình trạng suy tĩnh mạch ngoại biên như:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc chống đông máu
- Pentoxifylline (Trental®): một loại thuốc giúp cải thiện lưu lượng máu
Phẫu thuật
Đôi khi, có những trường hợp suy tĩnh mạch ngoại biên trầm trọng hơn về đòi hỏi phải phẫu thuật. Bác sĩ có thể đề nghị một trong các loại phẫu thuật sau đây:
- Phẫu thuật sửa chữa tĩnh mạch hoặc van tĩnh mạch: Loại bỏ các tĩnh mạch bị hư hỏng.
- Phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu.
- Thay thế tĩnh mạch: Một tĩnh mạch khỏe mạnh được cấy ghép từ nơi khác trong cơ thể bạn. Thủ thuật này thường được chỉ định khi vùng đùi bị ảnh hưởng và ở những trường hợp nặng sau khi các biện pháp điều trị khác thất bại.
- Phẫu thuật với tia laze: Phương pháp điều trị tương đối mới này sử dụng tia laze để làm giảm hoặc đóng tĩnh mạch bị tổn thương với những đợt ánh sáng mạnh từ một nguồn. Thủ thuật này không bao gồm các vết dao cắt phẫu thuật.
Thủ thuật bắc cầu
Thủ thuật điều trị ngoại trú này (bệnh nhân không cần phải nằm viện) liên quan đến việc gây tê một số chỗ nhất định trên chân, sau đó bác sĩ rạch những đường nhỏ và loại bỏ đi các tĩnh mạch giãn nhỏ.
Liệu pháp xơ hóa
Phương pháp điều trị này thường được dùng cho suy tĩnh mạch ngoại biên tiến triển. Một chất hóa học được tiêm vào tĩnh mạch bị tổn thương để nó không còn khả năng vận chuyển máu nữa. Máu sẽ quay về tim thông qua các tĩnh mạch khác và các tĩnh mạch bị thương tổn này cuối cùng sẽ được hấp thu bởi cơ thể. Liệu pháp xơ hóa được sử dụng để phá hủy tĩnh mạch từ nhỏ đến trung bình.
Đặt ống catheter
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể sử dụng thủ thuật đặt ống thông cho các tĩnh mạch lớn hơn. Bác sĩ sẽ chèn một ống catheter (một ống thông mỏng) được làm nóng vào tĩnh mạch. Nhiệt sẽ làm tĩnh mạch đóng được gắn với nhau khi ống catheter được lấy ra.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tĩnh mạch ngoại biên?
Nếu bạn có tiền sử gia đình bị suy tĩnh mạch ngoại biên, những thói quen sau có thể làm để giảm bớt nguy cơ tiến triển tình trạng này:
- Không ngồi hoặc đứng ở một tư thế trong khoảng thời gian dài. Bạn nên đứng dậy và di chuyển thường xuyên
- Đừng hút thuốc và hãy bỏ thuốc nếu bạn đang hút
- Tập thể dục đều đặn
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
Suy tĩnh mạch ngoại biên là bệnh lý mạn tính, hầu như không thể điều trị dứt điểm được, vì vậy phòng ngừa bệnh là điều quan trọng nhất. Bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về bệnh để loại bỏ các yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, bạn nên tập thể dục thường xuyên và đều đặn cũng như biết cách thư giãn sau những giờ làm việc ngồi lâu hay đứng lâu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.