Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Sưng đầu gối (đau đầu gối)

Tìm hiểu chung

Sưng đầu gối (đau đầu gối) là gì?

Sưng đầu gối, hay còn gọi là đau đầu gối, là tình trạng đầu gối bị sưng do chất lỏng dư thừa tích tụ trong hoặc xung quanh khớp gối. Tình trạng sưng khớp có thể do chấn thương dây chằng, sụn, xương, hoặc các cấu trúc xung quanh khớp. Sưng có thể xảy ra trong khớp gối (tràn dịch) hay bên ngoài khớp gối (viêm bao hoạt dịch).

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của sưng đầu gối (đau đầu gối) là gì?

Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân và bao gồm từ sưng nhẹ đến nghiêm trọng. Các triệu chứng thông thường bao gồm đau, căng đau, đỏ vùng đầu gối, sốt và ớn lạnh. Đầu gối có thể có vết bầm tím hoặc trở nên cứng hơn và gây khó khăn khi di chuyển.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nên gặp bác sĩ nếu bạn:

  • Có các dấu hiệu của nhiễm trùng (sốt, đỏ, nóng vùng khớp);
  • Thấy đầu gối, cẳng chân, hay bàn chân trở nên tái nhợt, lạnh hay chuyển màu xanh;
  • Không thấy khá hơn sau khi điều trị;
  • Đau trầm trọng hay không thể đứng vì đau khớp gối;
  • Thấy chân bị tê, yếu hoặc có cảm giác châm chích.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra sưng đầu gối (đau đầu gối)?

Những nguyên nhân gây ra đau đầu gối chủ yếu là do các chấn thương bao gồm:

  • Rách dây chằng chéo trước (ACL), dây chằng chéo sau (PCL), dây chằng giữa và dây chằng bên (MCL và LCL);
  • Rách sụn chêm (sụn đầu gối), gãy xương của khớp gối hoặc chấn thương sụn lót bên trong của xương (sụn khớp) cũng có thể gây tràn dịch khớp gối;
  • Viêm bao hoạt dịch, viêm gân và bong gân là nguyên nhân gây sưng bên ngoài khớp gối;
  • Chấn thương mạnh, chẳng hạn như bị chấn thương trong các môn thể thao tiếp xúc hay té ngã có thể làm cho dịch hoặc máu tích tụ trong đầu gối;
  • Gãy xương, viêm khớp, bệnh gút, u nang, trật khớp xương bánh chè, nhiễm trùng, khối u cũng gây ra sưng khớp gối;
  • Xoay gối, dừng lại, di chuyển ngang đột ngột và tiếp đất không vững có thể làm khớp gối bị căng. Thoái hóa do tuổi già là những nguyên nhân khác.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường bị sưng đầu gối (đau đầu gối)?

Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả nam hay nữ. Đặc biệt là đối với những người hay hoạt động mạnh hoặc chơi thể thao. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị sưng đầu gối (đau đầu gối)?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đau đầu gối bao gồm:

  • Độ tuổi: những người lớn hơn 55 tuổi thường có nguy cơ bị sưng khớp gối cao hơn;
  • Chơi thể thao: đặc biệt là các môn thể thao đối kháng, đòi hỏi thay đổi hướng đột ngột như bóng rổ.
  • Béo phì: làm tăng trọng lượng mà khớp phải chịu, làm tăng nguy cơ viêm xương khớp và có thể dẫn tới tràn dịch khớp.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán sưng đầu gối (đau đầu gối)?

Các bác sĩ chẩn đoán từ bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm bổ sung khi có chỉ định. Bác sĩ sẽ hỏi về quá trình sưng, cách khởi phát nhanh như thế nào hoặc đã bị các chấn thương gì. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm về những loại bài tập và các hoạt động đã được thực hiện, cũng như các chấn thương trước đó. Chụp X-quang thường hữu ích trong việc đánh giá sưng đầu gối, các xét nghiệm khác như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chọc dò khớp có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra sưng đầu gối. Trong chọc dò khớp, bác sĩ sẽ chọc kim vào khớp gối bằng kỹ thuật vô khuẩn và rút dịch ra. Dịch này được gửi đến phòng thí nghiệm để khảo sát tìm nguyên nhân gây tụ dịch.

Những phương pháp nào dùng để điều trị sưng đầu gối (đau đầu gối)?

Mục tiêu điều trị là tìm ra nguyên nhân gây sưng, sau đó làm giảm sưng và giúp bạn hoạt động trở lại càng sớm và càng an toàn càng tốt. Sưng đầu gối có thể chỉ cần điều trị tại nhà, nhưng bạn cần phải đến bác sĩ để chữa trị nếu bạn bị các bệnh khác như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút.

Bạn cần nghỉ ngơi và tránh các hoạt động như chạy bộ hoặc chơi tennis. Sử dụng túi chườm nước đá, băng đàn hồi xung quanh đầu gối, gối kê dưới đầu gối, gậy chống hoặc nạng, tập các bài tập tăng cường sức căng và sức cơ cũng có thể hữu ích. Các bài tập phục hồi chức năng để khôi phục lại tầm vận động và sức cơ rất có ích một khi chẩn đoán được xác định.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) (ibuprofen, naproxen) và acetaminophen có thể giảm đau. Các phương pháp điều trị khác phụ thuộc vào tình trạng bệnh hiện tại và có thể sử dụng các dụng cụ chỉnh hình, nẹp, các loại thuốc khác và phẫu thuật nếu có chỉ định. Chọc dò khớp là một phương pháp điều trị ngắn hạn để giảm bớt đau do sưng nhưng sưng có thể tái phát và gây nhiễm trùng ở khớp nếu không được thực hiện đúng cách.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của sưng đầu gối (đau đầu gối)?

Sưng đầu gối có thể được hạn chế nếu bạn thực hiện các thói quen sinh hoạt sau đây:

  • Dừng các hoạt động gây sưng cho đến khi bác sĩ nói bạn có thể bắt đầu lại;
  • Chắc chắn rằng là bạn đang chơi thể thao đúng kỹ thuật và dùng đúng các dụng cụ thể thao như giày và băng đầu gối;
  • Tập các bài khởi động làm nóng một cách đúng đắn, như bài tập aerobic nhẹ;
  • Duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng;
  • Nên duỗi cơ trước và sau khi chơi thể thao hay vận động, đặc biệt là cơ đùi và cơ kheo.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.