Tìm hiểu chung
Bệnh sùi mào gà là bệnh gì?
Bệnh sùi mào gà là tình trạng xuất hiện những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Chúng có thể là một nốt sùi nhỏ hoặc hình dạng trông giống như cây súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc có thể rất nhỏ và khó có thể nhìn thấy. Bệnh sùi mào gà là một trong những bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục, gây ra bởi virus human papilloma (HPV). Virus này có thể gây bệnh sùi mào gà cũng như bệnh ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc sùi mào gà ở miệng hoặc sùi mào gà ở lưỡi do quan hệ bằng miệng với người bị bệnh.
Triệu chứng thường gặp
Những triệu chứng của bệnh sùi mào gà là gì?
Những triệu chứng và dấu hiệu sùi mào gà gồm:
- Những nốt sùi nhỏ đổi màu hoặc màu xám ở bộ phận sinh dục;
- Nhiều mụn nhọt nhỏ nằm sát nhau có hình như bông súp lơ;
- Bộ phận sinh dục bị ngứa và gây khó chịu;
- Tình trạng chảy máu khi quan hệ tình dục.
Bệnh sùi mào gà ở nữ thường có mụn nhọt phát triển ở âm hộ, thành âm đạo, khu vực xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn ống hậu môn và cổ tử cung. Sùi mào gà ở nam giới có mụn nhọt ở đầu hoặc thân dương vật, tinh hoàn hoặc hậu môn.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu bạn hoặc bạn tình có những khối u hoặc mụn nhọt xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Nếu bạn thấy bất kì triệu chứng hoặc dấu hiệu kể trên, hãy liên hệ với bác sĩ. Do cơ địa mỗi người khác nhau, cách tốt nhất là bạn hãy đến gặp bác sĩ để tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh sùi mào gà?
Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà là do virus human papilloma (HPV). Theo thống kê, có hơn 40 chủng HPV khác nhau có thể ảnh hưởng lên bộ phận sinh dục. Việc quan hệ tình dục sẽ góp phần lây lan HPV. Nếu hệ miễn dịch đủ khỏe để tiêu diệt được virus HPV, bạn sẽ không thấy xuất hiện những dấu hiệu hay triệu chứng của nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, HPV không hoạt động và không gây ra triệu chứng nào.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh sùi mào gà?
Bệnh sùi mào gà là một căn bệnh phổ biến và thường gặp hơn ở nữ giới. Bệnh xuất hiện ở bất kì độ tuổi nào. Các nghiên cứu cho thấy bệnh sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tâm lí, tình dục của các bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể kiểm soát bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo với ý kiến của bác sĩ để có thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh sùi mào gà?
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh sùi mào gà gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người;
- Đã từng bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục khác;
- Quan hệ với bạn tình mà không nắm rõ lịch sử quan hệ;
- Quan hệ nhiều khi còn trẻ.
Điều trị hiệu quả
Thông tin được cung cấp không được thay thế cho lời khuyên y khoa. Hãy luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để có thông tin chi tiết.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh sùi mào gà?
Bạn sẽ được khám lâm sàng những vùng bị mụn nhọt. Nếu mụn nhọt phát triển sâu bệnh trong cơ thể, việc khám chậu là cần thiết. Bác sĩ sẽ sử dụng một loại axit nhẹ để những nốt nhọt xuất hiện rõ ràng hơn.
Bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu tế bào từ vùng cổ tử cung của bạn (tiêu bản Pap) để chẩn đoán bệnh. Chúng sẽ được xét nghiệm để xem có sự xuất hiện của virus HPV hay không. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ hỏi bạn một vài câu hỏi về sức khỏe và quá trình sinh hoạt tình dục của bạn.
Những phương pháp nào để điều trị bệnh sùi mào gà?
Sùi mào gà giai đoạn đầu, các sĩ có thể cho bạn một số thuốc điều trị mụn nhọt bao gồm imiquimod (Aldara®), podophyllin và podofilox (Condylox®), axit trichloroacetic (TCA).
Bác sĩ sẽ không khuyến khích bạn sử dụng thuốc trị mụn nhọt không kê đơn để điều trị nhọt sinh dục. Do những mô ở bộ phận sinh dục rất ẩm ướt, những loại thuốc này thậm chí còn có thể gây đau đớn và rát.
Nếu bị sùi lớn hoặc không thể chữa bệnh sùi mào gà bằng thuốc, bạn sẽ cần đến phẫu thuật. Bác sĩ cũng yêu cầu phẫu thuật nếu bạn đang mang thai để tránh phải sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Bạn có thể lựa chọn phẫu thuật bao gồm làm đông với nitơ lỏng (liệu pháp lạnh) và điều trị laser.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sùi mào gà?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ: việc này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ tiếp xúc với mụn cóc sinh dục;
- Sử dụng bồn tắm ngồi: cho nước ấm vào đầy khoảng vài inch và bạn có thể ngồi trong đó khoảng 10 đến 15 phút mỗi ngày;
- Sử dụng đèn sưởi hoặc máy sấy tóc: bạn có thể sử dụng những vật này để làm khô bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng nên để đèn hoặc máy sấy cách xa da ít nhất 40cm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Mụn cóc là gì? Nguyên nhân và cách phòng chống mụn cóc
- 9 điều bạn nên biết về bệnh mụn cóc sinh dục
- Những điều cần biết về các loại mụn cóc