Tìm hiểu chung
Rụng tóc là bệnh gì?
Rụng tóc là một rối loạn xảy ra khi số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc. Trong một số trường hợp, tóc không tiếp tục phát triển, dẫn đến hói hoặc mảng hói. Trung bình mỗi ngày, bạn sẽ mất từ 25 đến 100 sợi tóc. Nếu mắc bệnh về tóc này, mỗi ngày số tóc rụng có thể lớn hơn 100.
Bệnh được chia thành 3 loại:
- Rụng tóc từng vùng – các mảng hói trên đầu;
- Rụng tóc toàn thể – mất hoàn toàn tóc ở da đầu;
- Rụng tóc (lông) toàn thân – mất hết lông trên cơ thể.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng này có thể là tạm thời hoặc có thể kéo dài. Rụng tóc có thể gây ra căng thẳng, nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn và có chiều hướng xấu đi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của rụng tóc?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, bệnh có thể có các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Rụng tóc có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ và có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nó có thể ảnh hưởng đến da đầu hoặc thậm chí toàn bộ cơ thể. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng :
- Rụng tóc hơn 100 sợi một ngày;
- Đôi khi có thể có một vùng nóng rát hoặc ngứa;
- Một mảng da mất hết tóc, thường mịn, hình tròn và màu đào;
- Rụng tóc từng vùng: các mảng tóc rụng hình tròn.
Thông thường, bệnh chỉ ảnh hưởng đến da đầu, nhưng trong một số trường hợp, râu hay lông mày cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Rụng tóc toàn thể: Tóc có thể rụng một cách dễ dàng khi bạn chải tóc. Đây là loại rụng tóc thường làm cho tóc mỏng đi;
- Rụng tóc toàn thân: hóa trị liệu ung thư có thể gây ra tình trạng tóc rụng; tóc thường mọc trở lại sau một thời gian.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào cần phải gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn gặp phải bất kỳ điều nào dưới đây:
Bạn nên gặp bác sĩ nếu tình trạng bệnh không được cải thiện hoặc tồi tệ hơn. Rụng tóc đột ngột có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý nào đó mà cần phải điều trị. Vì vậy, tìm ra nguyên nhân quan trọng hơn là việc tìm kiếm phương pháp điều trị. Hãy thông báo cho bác sĩ của bạn nếu bạn nhận thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường khi chải hoặc gội đầu.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây rụng tóc?
Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế tin rằng hiện tượng tóc rụng có thể liên quan đến các yếu tố sau:
- Tiền sử gia đình: Nếu người thân của bạn bị đã từng có triệu chứng tương tự, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao bị tình trạng này. Tiền sử gia đình cũng sẽ xác định độ tuổi rụng tóc của bạn và khả năng tiến triển nó;
- Hormone: thay đổi và sự mất cân bằng nội tiết tố có thể gây rụng tóc tạm thời. Điều này bao gồm những thay đổi nội tiết tố do mang thai, sinh con hoặc bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuyến giáp cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone, gây ra bệnh vềtóc;
- Các bệnh da: nhiễm trùng da đầu hoặc các bệnh về da như bệnh lupus, liken phẳng;
- Do thuốc: các thuốc điều trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, bệnh tim và tăng huyết áp. Thuốc tránh thai và sử dụng quá nhiều vitamin A cũng có thể gây rụng tóc;
- Rối loạn cưỡng chế kéo tóc: khiến cho người ta luôn có xu hướng kéo tóc trên da đầu, lông mày hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải tình trạng rụng tóc?
Bệnh có thể xảy ra ở nam giới, phụ nữ và trẻ em. Ở một số người, rụng tóc có thể xảy ra sau khi trải qua một căn bệnh, mang thai hoặc bị chấn thương. Những người đàn ông trên 50 tuổi dễ mắc phải căn bệnh này và phụ nữ trên 50 tuổi đang trải qua thời kỳ mãn kinh cũng có khả năng phải đương đầu với việc tóc rụng nhiều.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ rụng tóc?
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ cho bệnh, chẳng hạn như:
- Tiền sử gia đình: có một thành viên trong gia đình đã từng mắc bệnh có thể làm tăng nguy cơ rụng tóc của bạn;
- Tuổi: tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ;
- Dinh dưỡng kém. Tóc có thể trở nên yếu và dễ gãy khi bạn thiếu chất dinh dưỡng thích hợp;
- Một số bệnh nhất định có thể làm tăng nguy cơ rụng tóc của bạn, chẳng hạn như tiểu đường hoặc lupus ban đỏ.
- Căng thẳng.
- Trẻ nhỏ có những nguyên nhân rụng tóc khác.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rụng tóc?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách xem bệnh sử gia đình của bạn và một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh có thể gây ra hiện tượng tóc rụng, chẳng hạn như các vấn đề về tuyến giáp;
- Sinh thiết da đầu: bác sĩ sẽ lấy một mảng nhỏ của da đầu để kiểm tra.
Những phương pháp nào dùng để điều trị rụng tóc?
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc, phẫu thuật, điều trị bằng laser hoặc tóc giả. Các bác sĩ có thể chỉ định và hướng dẫn bạn sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp để tạo ra kết quả điều trị hiệu quả nhất.
- Điều trị bằng thuốc: hai loại thuốc thường được dùng để điều trị là minoxidil (Rogaine®) và finasteride (Propecia®). Minoxidil có thể là một dung dịch chất lỏng hoặc dạng bọt. Thuốc này được sử dụng để bôi da đầu hai lần một ngày. Minoxidil giúp ngăn ngừa tình trạng rụng và giúp tóc mọc lại. Finasteride là thuốc uống và chỉ được sử dụng ở nam giới;
- Phẫu thuật: Các bác sĩ có thể phải tiến hành phẫu thuật nếu bạn rụng tóc vĩnh viễn. Phương pháp này thường được thực hiện để cấy ghép và phục hồi tóc trên da đầu. Tuy nhiên, phương pháp này thường tốn kém và có thể gây đau;
- Điều trị Laser: Laser trị liệu có thể giúp bệnh nhân giảm rụng tóc và giúp tóc mọc lại dày hơn;
- Sử dụng tóc giả: Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, sử dụng một bộ tóc giả là một lựa chọn thay thế an toàn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng rụng tóc?
Các lối sống và biện pháp khắc phục sau đây có thể giúp bạn đối phó với rụng tóc:
- Hãy nhẹ nhàng khi gội hoặc chải tóc của bạn;
- Tránh buộc tóc quá chặt;
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng;
- Tránh xoắn, kéo tóc;
- Hạn chế làm khô tóc bằng khăn mà hãy để tóc tự khô;
- Sử dụng một chiếc lược răng thưa để chải tóc và tránh chải tóc khi tóc còn ướt;
- Sử dụng dầu xả để làm mượt tóc, giúp tóc dễ chải hơn;
- Thông báo cho bác sĩ của bạn nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng sau khi sử dụng steroid. Những dấu hiệu bao gồm: đỏ, sưng, đau và cảm giác nóng tại chỗ tiêm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.