Rối loạn tuyến vú bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến tuyến vú, một trong những bất thường hàng đầu gây khó chịu đến phụ nữ trong cuộc sống hiện nay. Bệnh đặc biệt có nguy cơ tiến triển thành ung thư vú nên việc tầm soát và điều trị sớm là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính bạn cũng như của người thân. Hãy cùng Hello Bacis tìm hiểu bài viết sau để biết rõ hơn về rối loạn tuyến vú.
Tìm hiểu chung
Rối loạn tuyến vú là bệnh gì?
Hầu hết phụ nữ đều phải trải qua những thay đổi ở tuyến vú. Tuổi tác, nồng độ hormone của cơ thể và một số loại thuốc có thể gây ra u cục, bướu và dịch núm vú tiết bất thường (đó là những chất dịch chứ không phải là sữa mẹ).
Rối loạn tuyến vú có thể không ung thư (lành tính) hoặc ung thư (ác tính). Hầu hết bệnh là lành tính và không đe dọa tính mạng bệnh nhân. Thông thường, bạn không cần phải điều trị. Ngược lại, ung thư vú có thể làm mất một bên vú hoặc thậm chí tử vong. Vì vậy, đối với nhiều phụ nữ, ung thư vú là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất. Tuy nhiên, những vấn đề tiềm ẩn có thể được phát hiện sớm khi phụ nữ thường xuyên kiểm tra vú, khám sức khỏe định kỳ và chụp nhũ ảnh theo khuyến cáo của bác sĩ. Phát hiện sớm ung thư vú là điều cần thiết nhất để điều trị thành công và bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
Một số rối loạn tuyến vú phổ biến là:
- Thay đổi sợi bọc tuyến vú – khối bướu dày và sưng lên, thường ngay trước chu kỳ kinh.
- Nang vú – khối u chứa đầy chất dịch bên trong.
- Bướu sợi tuyến vú – dạng rắn, tròn, khối đàn hồi, dễ di động khi đẩy, đây là bệnh lý xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ trẻ tuổi.
- U nhú trong ống tuyến vú – tăng sinh tương tự như mụn cóc ở gần núm vú.
- Tắc nghẽn ống dẫn sữa.
- Sản sinh sữa khi không trong thời kỳ cho con bú.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tuyến vú là gì?
Các triệu chứng thông thường của rối loạn tuyến vú là:
- Đau vú
- Khối u ở vú
- Tiết dịch núm vú bất thường
- Những thay đổi vùng da quanh vú (ví dụ như da vùng vú có thể trở nên đục, nhăn, đỏ, dày lên hoặc lún xuống)
Các triệu chứng ở tuyến vú không nhất thiết liên quan đến ung thư vú hoặc một rối loạn nghiêm trọng nào đó. Ví dụ như đau ngực hàng tháng có thể liên quan đến sự thay đổi hormone trước chu kỳ kinh nguyệt, không phải là một rối loạn nghiêm trọng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Cảm nhận có một khối u khác biệt so với các mô vú khác
- Một u dính vào da hoặc thành ngực
- Một khối u không biến mất
- Sưng ở vùng vú lâu ngày không xẹp
- Da vùng vú lõm, nhăn, đỏ, dày
- Có vảy da quanh núm vú
- Thay đổi hình dạng vú
- Sự thay đổi của núm vú, chẳng hạn như bị thụt vào trong
- Tiết dịch núm vú, đặc biệt nếu có máu và/hoặc tự tiết dịch (không dùng tay vắt hoặc kích thích bằng các phương tiện khác)
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn tuyến vú?
Nguyên nhân gây rối loạn tuyến vú sẽ khác nhau tùy thuộc vào chẩn đoán bệnh. Một số thay đổi chỉ đơn giản do độ tuổi hoặc thay đổi nồng độ hormone khi trẻ dậy thì. Những trường hợp khác có thể là kết quả của dị tật bẩm sinh của vú, nhiễm trùng, ảnh hưởng của một số loại thuốc và di truyền hoặc liên quan đến các yếu tố di truyền.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải rối loạn tuyến vú?
Bệnh lý của tuyến vú là rối loạn rất phổ biến. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tuyến vú?
Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn tuyến vú?
Khám vú
Bạn có thể được khám ở tư thế ngồi hoặc nằm ngửa, bác sĩ kiểm tra vú xem có hình dạng bất thường, núm vú ngược hay có cục u gì hay không. Bác sĩ cũng quan sát có vùng da quanh vú có nhăn không cũng như vắt núm vú để xem có thấy dịch tiết bất thường. Bạn cũng được khám hạch lympho ở vùng nách.
Bác sĩ có thể kiểm tra vú và nách bệnh nhân ở các vị trí khác nhau. Ví dụ như trong khi ngồi, bệnh nhân có thể được yêu cầu ấn hai lòng bàn tay vào nhau và đặt trước trán. Tư thế này làm cho các cơ vùng ngực co lại và giúp cho việc nhận định những thay đổi ở vùng vú dễ dàng hơn.
Bác sĩ có thể hướng dẫn phụ nữ tự kiểm tra vú tại nhà. Kỹ thuật khám vú và tự khám vú tại nhà cũng tương tự nhau.
Xét nghiệm
Những xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để:
- Kiểm tra các bất thường của vú trước khi xuất hiện triệu chứng (được gọi là tầm soát ung thư vú)
- Đánh giá những bất thường đã được xác định, ví dụ như một khối u vú được phát hiện trong quá trình bác sĩ thăm khám.
Chụp nhũ ảnh được thực hiện để kiểm tra các bất thường. Chỉ có khoảng 10–15% các bất thường được phát hiện trên nhũ ảnh sẽ tiến triển thành ung thư. Nhũ ảnh cho mức độ chính xác hơn ở phụ nữ lớn tuổi vì ở những phụ nữ này, lượng mô mỡ tăng lên và mô dị thường sẽ dễ dàng được phân biệt với mô mỡ hơn các loại mô vú khác.
Tầm soát bằng nhũ ảnh thường được khuyến cáo ở tất cả phụ nữ bước qua tuổi 50, nhưng một số chuyên gia khuyên nên bắt đầu ở tuổi 40 hoặc 45. Sau đó, bạn nên chụp nhũ ảnh lại mỗi 1 hoặc 2 năm.
Nhũ ảnh cũng có thể được thực hiện khi bệnh nhân tự thấy hoặc bác sĩ khám thấy một cục u trong vú; khi bạn bị đau vú hay dịch núm vú tiết bất thường. Nhũ ảnh có thể cung cấp hình ảnh bất thường của các khối u, áp xe và các mô xung quanh chúng. Xét nghiệm này còn cung cấp những bất thường của các hạch lympho.
Siêu âm có thể cung cấp thêm thông tin về các các bất thường được phát hiện trên nhũ ảnh. Siêu âm còn có thể được sử dụng để định hướng vị trí đặt kim khi bác sĩ thực hiện sinh thiết.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) được thực hiện cùng lúc với nhũ ảnh để tầm soát ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú, ví dụ như nếu họ có đột biến gen gây ung thư vú (gen BRCA). Sau khi chẩn đoán ung thư vú, MRI được sử dụng để xác định các hạch bạch huyết bất thường và để xác định kích thước cũng như số lượng các khối u. Thông tin này có thể giúp bác sĩ lập kế hoạch phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác.
Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn tuyến vú?
Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại rối loạn tuyến vú. Nhiều loại bệnh lý của tuyến vú không cần điều trị.
Một số tăng sinh hoặc khối u có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. U nang có thể được được bỏ bằng kim rất tốt.
Điều trị một số rối loạn tuyến vú thông thường gồm:
Thay đổi sợi bọc của vú
Hầu hết phụ nữ bị thay đổi sợi bọc tuyến vú không cần phải điều trị xâm lấn. Điều trị tại nhà thường là đủ để giảm đau và giảm sự khó chịu của bệnh nhân.
Thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen (Advil®) và acetaminophen (Tylenol®) có thể làm giảm đau và khó chịu một cách hiệu quả. Bạn cũng có thể thử mặc áo ngực rộng và thoải mái để giảm đau ngực và thấy dễ chịu hơn. Một số phụ nữ nhận thấy rằng việc chườm ấm hoặc lạnh làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Bướu sợi tuyến
Nếu được chẩn đoán là bướu sợi tuyến, bạn không nhất thiết phải cắt bỏ nó. Tùy theo các triệu chứng, bệnh sử gia đình và mối quan tâm của bản thân, bạn có thể quyết định có nên cắt bỏ hay không.
Bướu sợi tuyến không phát triển và khi đã chắc chắn không phải là ung thư có thể được theo dõi chặt chẽ bằng khám lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh, như nhũ ảnh và siêu âm vú.
Việc quyết định cắt bỏ một bướu sợi tuyến thường phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:
- Nếu nó ảnh hưởng đến hình dạng tự nhiên của vú
- Nếu nó gây đau
- Nếu bệnh nhân quan tâm đến việc tiến triển thành ung thư của bướu
- Nếu bệnh nhân có tiền sử gia đình bị ung thư
- Nếu bệnh nhân nhận được kết quả sinh thiết còn nghi ngờ.
Nếu một bướu sợi tuyến được cắt bỏ, nó có thể tái phát một hoặc nhiều bướu ở vị trí ban đầu.
Các phương pháp điều trị cho trẻ em tương tự như các phương pháp điều trị đối với người lớn, tuy nhiên cách điều trị bảo tồn được khuyến khích hơn.
Ung thư vú
Một số phương pháp điều trị loại bỏ hoặc phá hủy những bất thường bên trong vú và các mô lân cận bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú (đoạn nhũ) hoặc chỉ cắt bỏ khối u và phần mô xung quanh (phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc phẫu thuật bảo tồn vú). Có nhiều loại phẫu thuật đoạn nhũ và phẫu thuật bảo tồn vú khác nhau.
- Phương pháp điều trị phóng xạ, sử dụng các sóng năng lượng cao để diệt các tế bào ung thư.
Các phương pháp điều trị khác gồm phá hủy hay kiểm soát các tế bào ung thư trên toàn cơ thể như:
- Hóa trị liệu dùng thuốc để diệt tế bào ung thư. Khi các loại hóa chất này chống lại tế bào bất thường, chúng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, rụng tóc, mãn kinh sớm, nóng trong người hoặc mệt mỏi.
- Điều trị bằng nội tiết tố sử dụng thuốc để ngăn chặn hormone, đặc biệt là estrogen, từ việc thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư vú. Thuốc bao gồm tamoxifen (Nolvadex®, Soltamox®) cho phụ nữ trước và sau khi mãn kinh và chất ức chế aromatase bao gồm anastrozole (Arimidex®), exemestane (Aromasin®) và letrozole (Femara®) cho phụ nữ sau mãn kinh. Tác dụng phụ có thể bao gồm nóng trong người và khô âm đạo. Một số loại thuốc có tác dụng ngăn chặn buồng trứng sản sinh hormone, cả trong phẫu thuật và điều trị.
- Các liệu pháp nhắm trúng đích như lapatinib (Tykerb®), pertuzumab (Perjeta®) và trastuzumab (Herceptin®). Những loại thuốc này thúc đẩy hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư. Chúng nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư vú có hàm lượng protein cao gọi là HER2. Palbociclib (Ibrance®) và ribociclib (Kisqali®) hoạt động bằng cách ngăn chặn chất kích thích sự phát triển của tế bào ung thư. Letrozole, palbociclib và ribpciclib dành cho phụ nữ sau mãn kinh mắc một số loại ung thư tiên tiến.
Bạn có thể được điều trị hóa trị liệu, liệu pháp hormone hoặc liệu pháp nhắm trúng đích cùng lúc với phẫu thuật hoặc xạ trị. Chúng có thể tiêu diệt bất cứ tế bào ung thư nào còn sót lại bởi các phương pháp điều trị khác.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn tuyến vú?
Bệnh lý về tuyến vú đa phần là lành tính nhưng cũng có thể là ung thư. Việc biết cách tự khám vú là rất cần thiết và hết sức quan trọng trong bước đầu tầm soát ung thư vú. Tự khám vú rất dễ dàng nếu bạn được bác sĩ hướng dẫn hoặc thậm chí có thể tìm hiểu trên mạng. Ngoài ra, bạn cần hiểu rõ ở độ tuổi nào cần thực hiện nhũ ảnh để tự giác đi tầm soát ung thu vú cũng như biết được những yếu tố nguy cơ cao gây ra ung thư vú. Hãy đến bác sĩ khi có bất kỳ bất thường nào liên quan đến tuyến vú, như đau vú, tự sờ thấy u ở vú, tiết dịch núm vú bất thường hay thay đổi da vùng vú.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.