Rối loạn nhịp tim là một bệnh liên quan đến quá trình vận hành điều khiển nhịp của tim. Quá trình phát nhịp của tim phụ thuộc vào hoạt động điện của các tế bào cơ tim dưới sự chi phối một phần của thần kinh tự chủ và hormone nội tiết. Rối loạn nhịp tim rất đa dạng và được phân loại dựa vào vị trí và tần số cũng như nhịp điệu của nhịp. Đa phần rối loạn nhịp tim thường nguy hiểm và cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Triệu chứng rối loạn nhịp đôi khi không rõ ràng như mệt, hồi hộp và thậm chí ngất. Nhiều trường hợp đột tử ở người trẻ có thể do rối loạn nhịp tim bẩm sinh di truyền.
Tìm hiểu chung
Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là một bệnh tim đặc trưng bởi tần số hoặc nhịp tim bất thường: quá nhanh, quá chậm, quá sớm hoặc quá thất thường. Đồng thời bệnh thường phổ biến hơn nhiều với nam giới (70% các trường hợp), và 30% bệnh nhân là nữ (theo nghiên cứu thuộc Khoa Y, Trường Cao đẳng Y tế Baroda, Bệnh viện Đa khoa Sir Sayaji, Vadodara, Ấn Độ).
Chứng loạn nhịp tim xảy ra khi các xung động điện trong tim không hoạt động bình thường. Chứng loạn nhịp được đặt tên và phân loại dựa trên:
- Tần số: quá nhanh (nhịp tim nhanh), quá chậm (nhịp tim chậm);
- Vị trí (trong tâm thất hay tâm nhĩ);
- Mức độ thường xuyên.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim là gì?
Các triệu chứng phổ biến của chứng rối loạn nhịp tim là:
- Nhịp tim chậm: nhịp tim đập ít hơn 60 nhịp mỗi phút;
- Nhịp tim nhanh: nhịp tim đập nhiều hơn 100 nhịp mỗi phút;
- Tức ngực;
- Khó thở;
- Choáng váng, chóng mặt;
- Đổ mồ hôi;
- Ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu;
- Đánh trống ngực;
- Cảm giác ngực bị đè nén;
- Thở ngắn;
- Đau hoặc tức ngực;
- Yếu hoặc mệt mỏi
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn nhịp tim?
Rối loạn nhịp tim có thể được gây ra bởi:
- Sẹo của mô tim do một cơn đau tim từ trước;
- Thay đổi cấu trúc tim, chẳng hạn như bệnh cơ tim;
- Bệnh động mạch vành;
- Tăng huyết áp;
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp);
- Tuyến giáp suy yếu (suy giáp);
- Một số thuốc bổ sung không kê toa như các loại thuốc dị ứng và thực phẩm bổ sung.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải chứng rối loạn nhịp tim?
Rối loạn nhịp tim rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể được kiểm soát bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như:
- Hút thuốc;
- Uống quá nhiều rượu hay cà phê;
- Lạm dụng ma túy;
- Stress;
- Bệnh tiểu đường;
- Chứng ngưng thở lúc ngủ;
- Di truyền.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chứng rối loạn nhịp tim?
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc:
- Hỏi về các triệu chứng và lịch sử y tế;
- Khám lâm sàng;
- Điện tâm đồ (ECG) để phát hiện các hoạt động điện của tim;
- Theo dõi bằng điện tim Holter: thiết bị điện tâm đồ di động này có thể được đeo trong một ngày hoặc nhiều hơn để ghi lại hoạt động của tim;
- Theo dõi triệu chứng: để kiểm tra nhịp tim tại thời điểm xuất hiện các triệu chứng;
- Siêu âm tim: để xem hình ảnh về kích thước, cấu trúc và chuyển động của tim;
- Máy ghi điện tâm đồ cấy dưới da: được sử dụng để phát hiện nhịp tim bất thường;
- Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm khác để loại trừ các tình trạng bệnh khác với các triệu chứng tương tự, bao gồm:
- Test gắng sức: trong thử nghiệm này, bạn có thể được yêu cầu chạy bộ hoặc đi xe đạp tại chỗ và theo dõi hoạt động của tim.
- Xét nghiệm bàn nghiêng: nhịp tim và huyết áp đều được theo dõi khi bạn nằm trên bàn phẳng và khi bạn đứng lên. Sự thay đổi của nhịp tim đối với thay đổi tư thế này sẽ được ghi lại và đánh giá.
- Xét nghiệm điện sinh lý tim và lập biểu đồ.
- Kiểm tra để loại trừ tất cả những bất thường của tuyến giáp có thể gây rối loạn nhịp tim.
Những phương pháp nào dùng để điều trị chứng rối loạn nhịp tim?
Tùy vào từng loại rối loạn nhịp tim mà có nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
Điều trị nhịp tim chậm
Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng một thiết bị nhỏ được cấy gần xương đòn, gọi là máy tạo nhịp tim, trong trường hợp không rõ nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm. Khi nhịp tim quá chậm hoặc khi tim ngừng đập, máy tạo nhịp sẽ tạo ra các xung điện thay cho tim. Kết quả là sẽ tạo ra kích thích để khôi phục lại tốc độ tim ổn định.
Điều trị nhịp tim nhanh
Có nhiều phương pháp để điều trị nhịp tim nhanh, cụ thể là:
- Thuốc: thuốc chống loạn nhịp tim có thể kiểm soát nhịp tim hoặc phục hồi nhịp tim bình thường.
- Thao tác phế vị (Vagal maneuvers): đây là một số thao tác đặc biệt để ngăn chặn nhịp nhanh trên thất bằng cách tác động lên hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim (dây thần kinh phế vị).
- Sốc chuyển nhịp: có thể tác động đến xung điện và khôi phục lại nhịp tim bình thường.
- Đốt điện (Catheter ablation): Các sóng điện sẽ đốt các đường dẫn truyền điện học phụ trong tim, giúp phòng ngừa nhịp tim nhanh.
Phương pháp phẫu thuật
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị rối loạn nhịp tim khi các điều trị khác không hiệu quả, bao gồm:
- Phẫu thuật Maze. Bác sĩ sẽ rạch nhiều đường lên tầng nhĩ của tim để tạo ra nhiều mô sẹo nhằm ngăn chặn đường đi của các xung điện gây loạn nhịp, nhờ vậy có thể ngăn loạn nhịp xảy ra.
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: điều trị này cải thiện lưu lượng máu đến tim, được thực hiện trong trường hợp bạn mắc bệnh động mạch vành làm nặng thêm chứng loạn nhịp tim
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chứng rối loạn nhịp tim?
Bạn sẽ có thể kiểm soát chứng rối loạn nhịp tim nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim: ít muối và chất béo rắn, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc;
- Tập thể dục thường xuyên: tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất;
- Tránh hút thuốc và uống rượu;
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
- Kiểm soát huyết áp cũng như lượng cholesterol hợp lý;
- Tái khám định kỳ.
Một số liệu pháp bổ sung và thay thế có thể có tác dụng giảm bớt căng thẳng, chẳng hạn như yoga, thiền định, và các kỹ thuật thư giãn.
Rối loạn nhịp tim do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tần suất bệnh thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi bị nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, một số bệnh rối loạn nhịp tim bẩm sinh có thể gặp ở người trẻ và gây đột tử khi bệnh không được phát hiện và điều trị sớm. Tùy theo nguyên nhân và loại rối loạn nhịp tim cũng như những cách điều trị khác nhau, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt nên đo điện tâm đồ nếu có các triệu chứng như hồi hộp, ngất hoặc trong gia đình có người trẻ bị đột tử không rõ lý do. Cuối cùng, bạn đừng nên quá lo lắng; với các tiến bộ hiện tại, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch hầu như có thể chẩn đoán và điều trị hiệu quả các rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.