Tìm hiểu chung
Rối loạn nhân cách là gì?
Rối loạn nhân cách là một nhóm các rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động và cách ứng xử. Tính cách liên quan đến một tập hợp đặc trưng các đặc điểm, phong cách hành vi và các khuôn mẫu tạo nên tính cách hoặc cá tính của chúng ta. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức thế giới, thái độ, suy nghĩ và cảm xúc.
Rối loạn nhân cách có thể gây khó khăn trong việc giao lưu với gia đình và bạn bè. Những người bị rối loạn nhân cách rất khó nhận biết hành vi nào là bình thường hay bất thường.
Rối loạn nhân cách có thể được phân thành các nhóm nhỏ có các hành vi tương tự:
- Nhóm A: rối loạn nhân cách phân liệt, rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách thể phân lập.
- Nhóm B: rối loạn nhân cách chống xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách ái kỷ.
- Nhóm C: rối loạn nhân cách tránh né, rối loạn nhân cách phụ thuộc và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế.
Mức độ phổ biến của rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách là tình trạng sức khỏe phổ biến, thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Rối loạn nhân cách thường xuất hiện ở tuổi dậy thì và tiếp tục vào tuổi trưởng thành. Bệnh có thể được quản lý bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách là gì?
Các triệu chứng phổ biến của rối loạn nhân cách là:
- Bị choáng ngợp bởi những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, lo âu, vô dụng hay giận dữ
- Tránh né những người khác, cảm thấy trống rỗng và bị ngắt cảm xúc kết nối
- Khó quản lý các cảm xúc tiêu cực mà không gây hại cho bản thân (ví dụ lạm dụng ma túy và rượu hoặc dùng thuốc quá liều), trong trường hợp hiếm hoi có thể đe dọa người khác
- Hành vi kỳ cục
- Khó duy trì mối quan hệ ổn định và gần gũi, đặc biệt là với các đối tác, trẻ em và những người chăm sóc chuyên nghiệp
- Đôi khi, có những đợt bị mất liên lạc với thực tế.
Tùy thuộc vào rối loạn bạn có và nhóm bạn thuộc về, các triệu chứng có thể khác nhau:
- Những người rối loạn nhân cách nhóm A có xu hướng gặp khó khăn khi kết nối với những người khác và thường biểu hiện các loại hành vi mà hầu hết những người khác coi là kỳ quặc và lập dị.
- Những người rối loạn nhân cách nhóm B nỗ lực tạo quan hệ với những người khác. Họ biểu hiện các mô hình hành vi được coi là kịch tính, thất thường, đe dọa hoặc đáng lo ngại.
- Những người bị rối loạn nhân cách nhóm C sợ các mối quan hệ cá nhân và biểu hiện các dạng của hành vi lo lắng và sợ hãi xung quanh người khác. Một số người có thể không muốn tiếp xúc và miễn cưỡng trong các hoạt động xã hội.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn nhân cách?
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhân cách. Bệnh có thể phát triển từ một chấn thương hoặc một sự kiện đầy kịch tính xảy ra trong cuộc sống. Một số nhà nghiên cứu gợi ý về sự mất cân bằng các chất hóa học trong não và các tác động của môi trường chỉ là nhân tố kích hoạt những thay đổi trong tính cách. Rối loạn nhân cách cũng kết hợp với các yếu tố di truyền và gia đình. Các trải nghiệm đau khổ hay sợ hãi trong suốt thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại cụ thể của rối loạn nhân cách.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhân cách như:
- Có một sự kiện đau thương
- Có thời thơ ấu khó khăn, như bị lạm dụng hoặc không được quan tâm
- Bị chấn thương não
- Yếu tố di truyền.
Điều trị & chẩn đoán
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn nhân cách?
Bác sĩ sẽ phỏng vấn bạn và gia đình bạn để biết các hành vi của bạn và so sánh với các tiêu chuẩn đối với từng loại rối loạn. Họ cũng sẽ hỏi về bất kỳ sự kiện quan trọng xảy ra gần đây với bạn hoặc ảnh hưởng đến tình cảm của bạn. Bệnh sử và môi trường sống cũng sẽ được đưa vào xem xét trong chẩn đoán.
Trong một số trường hợp, bác sĩ tâm thần có thể thực hiện các xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm sàng lọc cho rượu và ma túy để xác định các nguyên nhân có thể.
Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn nhân cách?
Điều trị phụ thuộc vào các rối loạn của bạn, nhưng nói chung, có một vài phương pháp điều trị chung như sau:
- Tâm lý trị liệu: có rất nhiều loại trị liệu (liệu pháp nói chuyện, liệu pháp ánh sáng, liệu pháp nhóm…) để giúp bạn đối phó với các cảm xúc và học cách kiểm soát chúng.
- Thuốc: không có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị rối loạn nhân cách. Một số loại thuốc có thể cần thiết nhằm giúp cân bằng lại các hormone và các hóa chất trong não. Một số loại thuốc phổ biến như:
- Thuốc chống trầm cảm, có thể giúp cải thiện tâm trạng chán nản, giận dữ hay bốc đồng.
- Thuốc giúp ổn định tâm trạng, ngăn chặn tính khí thất thường, giảm khó chịu và gây hấn.
- Thuốc chống loạn thần, còn được gọi là thuốc an thần kinh, có thể mang lại lợi ích cho những người thường xuyên có tâm trí rời khỏi thực tế.
- Thuốc chống lo âu, giúp giải tỏa lo âu, kích động và mất ngủ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý rối loạn nhân cách?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với rối loạn nhân cách:
- Uống thuốc theo quy định của bác sĩ
- Tìm hiểu về tình trạng của bạn
- Trò chuyện với gia đình và bạn bè về tình trạng của bạn, cách này sẽ giúp mọi người hiểu bạn hơn. Bạn cần sự hỗ trợ rất nhiều từ người thân trong các liệu pháp điều trị
- Đặt các mục tiêu nhỏ để đạt được mỗi ngày như gọi điện thoại hoặc đi đến phòng tập thể dục
- Có người đi cùng bạn trong các buổi trị liệu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Rối loạn nhân cách ranh giới: 8 triệu chứng không thể bỏ qua
- Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
- Rối loạn nhân cách ranh giới và những dấu hiệu