Tìm hiểu chung
Rối loạn khớp thái dương – hàm là bệnh gì?
Rối loạn khớp thái dương – hàm là tình trạng đau ở khớp xương thái dương – hàm. Khớp thái dương – hàm là hai khớp ở gần tai. Khớp xương này cùng với các cơ, dây chằng giúp cho hàm đóng và mở để thực hiện các hoạt động như nói, ăn và nuốt.
Rối loạn khớp thái dương – hàm là một bệnh phổ biến thường đi kèm với các cơn đau quanh khớp hàm và các cơ điều khiển việc nhai. Những cơn đau này gây ra do có vấn đề nào làm hệ thống cơ bắp, dây chằng, đĩa đệm và xương hoạt động sai lệch.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn khớp thái dương – hàm là gì?
Triệu chứng phổ biến nhất bạn có thể trải qua là các cơn đau nhức âm ỉ ở hai bên thái dương và dọc xương hàm dưới. Ngoài ra, còn có thể xảy ra đau cơ khi nhai, có tiếng lách cách khi bạn mở miệng và không thể mở hàm ra hoàn toàn. Các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, đau tai, đau miệng và mặt, ù tai.
Một số các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có cơn đau dai dẳng ở hàm hoặc không thể đóng hoặc mở hàm hoàn toàn, bạn nên gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Vì triệu chứng rối loạn khớp thái dương – hàm dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác, bạn nên khám sớm khi phát hiện dấu hiệu của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra rối loạn khớp thái dương – hàm là gì?
Các nguyên nhân gây ra rối loạn khớp thái dương – hàm có thể bao gồm việc bạn cắn chặt hàm hoặc nghiến răng, đặc biệt là khi bạn căng thẳng; răng mọc lệch lạc và răng không khớp nhau. Rối loạn khớp thái dương – hàm cũng có thể được gây ra nếu bạn bị viêm khớp và chấn thương hàm, đầu hoặc cổ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải rối loạn khớp thái dương – hàm?
Cả nam và nữ đều có thể mắc phải rối loạn khớp thái dương – hàm. Tuy nhiên, phần lớn những người mắc hội chứng này là nữ giới dậy thì và mãn kinh.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc rối loạn khớp thái dương – hàm?
Không có yếu tố rõ ràng gây nguy cơ mắc phải hội chứng này. Tuy nhiên người mắc phải rối loạn khớp thái dương – hàm thường là phụ nữ và nằm trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn khớp thái dương – hàm?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên triệu chứng và kiểm tra mặt và hàm cho bạn, bao gồm kiểm tra phạm vi di chuyển của hàm và có thể chụp X-quang. Các dạng chụp xét nghiệm khác bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) và nội soi khớp cũng có thể được thực hiện.
Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn khớp thái dương – hàm?
Đối với một số người, các triệu chứng của khớp hàm có thể tự biến mất. Những người khác có thể được điều trị hiệu quả bằng dùng thuốc và phương pháp điều trị khác. Các loại thuốc khác nhau, cả thuốc kê toa và không kê toa, có thể giúp bạn giảm đau. Thuốc kháng viêm và chườm nhiệt hoặc chườm lạnh có thể làm giảm đau. Ngoài ra, chế độ ăn mềm và ít nhai nhiều sẽ giúp giảm sự chịu đựng và mệt mỏi cho cơ hàm của bạn.
Các vấn đề về răng và hàm có thể được khắc phục bằng cách niềng răng hoặc đặ đĩa cắn để ngăn bạn nghiến răng. Nha sĩ có thể cho bạn sử dụng một miếng nhựa đeo vào miệng để tránh cắn chặt hàm, đặc biệt là vào ban đêm. Một số người cần khám răng để xem răng hoặc hàm có thẳng hàng hay không. Luyện tập hàm cũng có thể giúp bạn thả lỏng hàm. Nếu căng thẳng là một phần nguyên nhân gây cắn chặt hàm và nghiến răng, bạn có thể cần được tư vấn hoặc sử dụng các liệu pháp đặc biệt.
Đôi khi các phương pháp kiểm soát cơn đau như châm cứu hoặc dùng điện kích thích dây thần kinh qua da có thể giúp ích cho bạn.
Rất hiếm khi cần đến phẫu thuật hàm, trừ khi cơn đau của bạn quá nghiêm trọng và các cách điều trị khác không thành công.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn khớp thái dương – hàm?
Những thói quen sau sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn khớp thái dương – hàm, bao gồm:
- Duy trì chế độ ăn mềm nếu cần;
- Dùng miếng nhiệt hoặc túi nước đá nếu khó chịu;
- Xoa bóp vùng dưới hàm;
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ;
- Dùng miếng nhựa đeo vào miệng được chỉ định;
- Gọi bác sĩ nếu bạn gặp tác dụng phụ với thuốc, việc điều trị không giúp giảm các triệu chứng trong một khoảng thời gian hợp lý, hàm không đóng lại hoặc mở ra được.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.