Tìm hiểu chung
Rối loạn bùng phát từng cơn là bệnh gì?
Rối loạn bùng phát từng cơn liên quan đến việc lặp đi lặp lại và đột ngột các hành vi bốc đồng, hùng hổ, bạo lực hoặc dùng lời nói để thể hiện sự giận dữ. Cơn thịnh nộ, bạo lực gia đình, ném hay đập vỡ đồ đạc có thể là dấu hiệu của rối loạn bùng nổ từng cơn.
Những cơn bùng phát làm bạn đau khổ, ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ, công việc hay việc học tập. Bệnh cũng có thể gây ra các hậu quả về pháp lý và tài chính.
Rối loạn bùng phát từng cơn là một rối loạn mãn tính có thể diễn tiến trong nhiều năm, mặc dù mức độ nghiêm trọng của nó có thể thuyên giảm theo tuổi tác. Điều trị bao gồm thuốc và liệu pháp tâm lý để giúp bạn kiểm soát các cơn bùng phát.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn bùng phát từng cơn?
Các cơn bùng phát xảy ra đột ngột, có rất ít hoặc không có dấu hiệu cảnh báo và thường kéo dài dưới 30 phút. Các cơn này có thể xảy ra thường xuyên hoặc cách vài tuần hay vài tháng. Các cơn bùng phát nhẹ hơn bằng lời nói có thể xảy ra xen kẽ giữa các cơn thể hiện sự hung hăng bằng hành động. Bạn có thể dễ cáu kỉnh, bốc đồng, hung hãn hay giận dữ thường xuyên.
Các hành vi hung hãn có thể có trước hoặc kèm theo:
- Cơn giận dữ
- Khó chịu
- Tăng năng lượng
- Suy nghĩ miên man
- Ngứa ran
- Run
- Đánh trống ngực
- Tức ngực.
Các cơn giận dữ bằng lời nói và hành vi nổ ra không tương xứng với tình huống, làm người bệnh không nghĩ đến hậu quả:
- Cơn thịnh nộ
- Đả kích kịch liệt
- Tranh luận nảy lửa
- La hét
- Tát, xô đẩy
- Dùng bạo lực chân tay
- Gây thiệt hại tài sản
- Đe dọa hoặc tấn công người hoặc động vật.
Bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm và mệt mỏi sau cơn bùng nổ. Sau đó, bạn có thể cảm thấy hối hận, hối tiếc hay bối rối.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn bùng phát từng cơn?
Nguyên nhân chính xác của rối loạn bùng phát từng cơn chưa rõ, nhưng nó có thể gây ra bởi một số yếu tố môi trường và sinh học. Các rối loạn thường bắt đầu từ thời thơ ấu – sau 6 tuổi hoặc thanh thiếu niên và phổ biến nhất ở những người ở độ tuổi dưới 40. Các nguyên nhân có thể gây ra cơn bùng phát bao gồm:
- Môi trường. Hầu hết những người bị rối loạn này lớn lên trong những gia đình có hành vi kích động, chửi mắng và bạo hành diễn ra thường xuyên. Tiếp xúc với các loại bạo lực từ khi còn nhỏ làm trẻ dễ có những đặc điểm tương tự khi đến tuổi trưởng thành.
- Di truyền. Yếu tố di truyền có thể gây ra rối loạn này khi bố mẹ truyền cho con cái.
- Hoạt động hóa học của não. Ở những người bị rối loạn bùng phát từng cơn có sự khác biệt trong cách hoạt động của serotonin, chất hóa học dẫn truyền thông tin quan trọng trong não.
Nguy cơ mắc phải
Mức độ phổ biến của rối loạn bùng phát từng cơn như thế nào?
Rối loạn này có thể phổ biến hơn nhiều so với chúng ta nghĩ và có thể là nguyên nhân quan trọng của các hành vi bạo lực. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rối loạn bùng phát từng cơn phổ biến ở nam giới. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc rối loạn bùng phát từng cơn?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây rối loạn bùng phát từng cơn như:
- Lịch sử bị lạm dụng về thể chất. Những người bị lạm dụng khi còn nhỏ hoặc trải qua nhiều chấn thương tâm lý có nguy cơ cao bị rối loạn bùng phát từng cơn.
- Lịch sử các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Những người có rối loạn nhân cách khó gần gũi, rối loạn nhân cách về ranh giới hoặc các rối loạn bao gồm hành vi gây rối như thiếu tập trung / tăng động có nguy cơ bị rối loạn bùng phát từng cơn.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn bùng phát từng cơn?
Để xác định chẩn đoán rối loạn bùng phát từng cơn và loại bỏ các tình trạng sức khỏe khác cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần có thể gây ra các triệu chứng của bạn, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau:
- Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ loại trừ các vấn đề về thể chất hoặc các chất có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Bạn cũng cần làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
- Đánh giá tâm lý. Bác sĩ hoặc bác sĩ tâm thần sẽ nói chuyện với bạn về các triệu chứng, những suy nghĩ, cảm xúc và các mẫu hành vi.
- DSM-5. Sách hướng dẫn chẩn đoán và các số liệu thống kê của rối loạn tâm thần (DSM-5), được công bố bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, thường được bác sĩ tâm thần sử dụng để chẩn đoán đoán tình trạng tâm thần và các công ty bảo hiểm sử dụng để bồi hoàn cho điều trị.
Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn bùng phát từng cơn?
Điều trị có thể liên quan đến thuốc hoặc liệu pháp, trong đó có điều chỉnh hành vi và kết hợp cả hai cho kết quả khả quan. Tư vấn nhóm và các buổi quản lý cơn giận dữ cũng cho kết quả tốt. Các kỹ thuật thư giãn cho thấy hiệu quả trong việc điều hòa cơn giận.
Các nghiên cứu cho thấy rằng những bệnh nhân bị rối loạn bùng nổ từng cơn đáp ứng với điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu thuộc nhóm benzodiazepine, thuốc chống co giật và điều hòa tâm trạng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn bùng phát từng cơn?
Kiểm soát cơn giận của bạn
Bạn có thể kiểm soát cơn giận bằng cách:
- Từ bỏ hành vi có vấn đề. Quản lý cơn tức giận là một hành vi cần được học. Việc áp dụng các kỹ thuật mà bạn học trong điều trị để giúp bạn nhận ra những nguyên nhân thúc đẩy bạn và tìm ra cách thích ứng phù hợp nhất.
- Lên kế hoạch. Làm việc với bác sĩ để phát triển kế hoạch hành động khi bạn thấy mình tức giận. Ví dụ như nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bị mất kiểm soát, cố gắng thoát khỏi tình huống đó. Đi dạo hoặc gọi một người bạn đáng tin cậy để lấy lại sự bình tĩnh.
- Tránh uống rượu và sử dụng ma túy. Những chất này có thể làm tăng sự hung hãn và nguy cơ bùng phát tức giận.
Nếu người thân của bạn không chịu nhận sự giúp đỡ
Thật không may, nhiều người bị rối loạn bùng phát từng cơn không tìm cách điều trị. Nếu bạn có người thân bị rối loạn bùng nổ từng cơn, thực hiện các bước để bảo vệ bản thân và con cái của mình.
Tạo một kế hoạch để giúp con cái không bị bạo lực gia đình
Nếu bạn thấy tình huống ngày càng tồi tệ hơn và nghi ngờ người thân của bạn sắp có một cơn bùng nổ, cố gắng đưa bản thân và con mình thoát khỏi hiện trường. Tuy nhiên, bỏ lại người đang có cơn bùng nổ một mình có thể nguy hiểm.
Xem xét các bước sau trước khi trường hợp khẩn cấp phát sinh:
- Gọi đường dây nóng bạo lực gia đình hoặc nơi trú ẩn cho phụ nữ để được tư vấn, cả khi kẻ bạo hành không phải là người trong gia đình.
- Cất giấu và khóa tất cả các vũ khí. Không đưa cho kẻ bạo hành chìa khóa hoặc mã khóa nơi cất các vật dụng nguy hiểm.
- Chuẩn bị sẵn một túi khẩn cấp bao gồm các vật dụng bạn sẽ cần khi rời khỏi nhà như quần áo, chìa khóa, giấy tờ cá nhân, thuốc và tiền bạc. Giấu hoặc gửi túi ở nhà một người bạn hoặc hàng xóm đáng tin cậy.
- Nói cho hàng xóm hoặc bạn bè đáng tin cậy về tình trạng bạo lực để họ có thể kêu gọi sự giúp đỡ nếu có liên quan.
- Nắm rõ nơi bạn sẽ đi và cách đi đến đó nếu bạn cảm thấy bị đe dọa, thậm chí phải chuẩn bị trường hợp bạn phải rời nhà trong đêm. Bạn có thể thực hành rời khỏi nhà một cách an toàn.
- Hãy tạo mật mã hoặc tín hiệu hình ảnh để cảnh báo bạn cần đến cảnh sát và chia sẻ nó với bạn bè, gia đình và con bạn.
Nhận giúp đỡ để bảo vệ mình khỏi bạo lực gia đình
- Cảnh sát. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi số khẩn cấp địa phương hoặc cảnh sát khu vực bạn đang sinh sống.
- Bác sĩ hoặc phòng cấp cứu. Nếu bạn đang bị chấn thương, các bác sĩ và y tá có thể điều trị và ghi nhận các chấn thương của bạn và cho bạn biết các đơn vị địa phương có thể giúp bạn an toàn.
- Dịch vụ tư vấn hoặc trung tâm sức khỏe tâm thần. Nhiều cộng đồng cung cấp nhóm tư vấn và hỗ trợ cho người bị lạm dụng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Mẹ bầu lo quá có thể bị chứng rối loạn lo âu toàn thể
- Điều gì khiến bà bầu hay tức giận? Cần giải quyết ngay!
- Tác hại không ngờ của cơn tức giận đối với sức khỏe