Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Phổi tắc nghẽn mạn tính

Tìm hiểu chung

Phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh gì?

Phổi tắc nghẽn mãn tính (hay còn gọi là bệnh COPD) là một bệnh hô hấp gây khó thở do đường thở bị hẹp lại. Đây là một bệnh tiến triển, có nghĩa là nó sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian. Hơn 3 triệu người chết vì bệnh này trong năm 2012, tương đương với 6% tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu năm đó. Có hai loại chính của căn bệnh quái ác này và một số người có thể mắc cùng lúc cả hai loại dưới đây:

  • Viêm phế quản mạn tính: đây là tình trạng viêm lớp niêm mạc của các ống phế quản. Các lớp lót trong các ống phế quản phổi bị đỏ, sưng và chứa đầy các chất nhầy. Chất nhầy này làm hẹp đường thở của bạn.
  • Khí phế thũng: khí phế thũng sẽ gây tổn hại các túi khí (phế nang) trong phổi và làm cho bạn dần khó thở hơn. Khi bạn mất phế nang trong phổi của bạn, quá trình thải CO2 và hấp thu O2 sẽ trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, bạn sẽ cảm thấy khó thở hơn.

Có hai bộ phận chính trong phổi của bạn: các phế quản (còn gọi là đường dẫn khí) và phế nang (còn gọi là túi khí). Ngoài ra, còn có khí quản. Khi bạn hít vào, không khí đi từ khí quản thông qua các ống phế quản đến phế nang. Từ các phế nang, oxy đi vào máu của bạn trong khi carbon dioxide di chuyển ra khỏi máu vào phế nang. Đây là cách thở bình thường. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong quá trình trao đổi khí trên sẽ dẫn đến khó thở, thiếu oxy đến phổi và hậu quả là thiếu oxy đến phần còn lại của cơ thể. Khi mắc bệnh, bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

Bệnh này là do tắc nghẽn hoặc tổn thương các mô trong phổi. Đây là loại tổn thương thường xảy ra khi bạn thường xuyên hít thở các chất kích thích trong một thời gian dài. Chất kích thích thường bao gồm:

  • Hút thuốc (hoặc hít khói thuốc do người khác hút) lâu dài gây ra khoảng 80% đến 90% các trường hợp mắc bệnh
  • Khói hóa chất hay sương
  • Bụi bặm
  • Ô nhiễm không khí trong nhà (như đốt các nhiên liệu trong quá trình sưởi hoặc nấu ăn)
  • Ô nhiễm không khí ngoài trời
  • Bụi nghề nghiệp và hóa chất
  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ.

Nguy cơ mắc phải

Ai là người có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

Yếu tố nguy cơ chính là hút thuốc lá. Ngoài hút thuốc, các chất kích thích khác và chất gây ô nhiễm cũng có thể gây tổn hại phổi. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Những người trong độ tuổi 65-74
  • Người có trình độ học vấn thấp
  • Những người có thu nhập thấp
  • Những người đã ly dị, góa bụa hoặc ly thân
  • Người hút thuốc hiện tại và trước đây
  • Những người có tiền sử bệnh hen.

Triệu chứng và biến chứng thường gặp

Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Bệnh này ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở. COPD có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Ho mạn tính (kéo dài)
  • Ho có đàm, đàm có thể màu trắng, màu vàng xám hoặc màu xanh lá cây. Đôi khi, nó có thể đi kèm vệt máu
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại (như cúm và cảm lạnh)
  • Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức
  • Cảm giác thắt chặt ở ngực
  • Thở khò khè
  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ và ớn lạnh.

Lúc đầu, bạn có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, đây là một bệnh tiến triển, có nghĩa là các triệu chứng bắt đầu từ từ và tồi tệ hơn theo thời gian. Triệu chứng bệnh sẽ phát triển trong nhiều năm. Cuối cùng, các triệu chứng bắt đầu ảnh hưởng đến mức độ hoạt động của bạn. Một số triệu chứng nặng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện. Bạn nên khám cấp cứu ngay nếu bạn có các vấn đề sau đây:

  • Bạn cảm thấy khó thở đến nỗi không thể nói chuyện dược
  • Môi hoặc móng tay của bạn chuyển sang màu xanh hoặc màu xám (là dấu hiệu cho thấy nồng độ oxy thấp trong máu)
  • Rơi vào trạng thái lơ mơ
  • Nhịp tim của bạn rất nhanh
  • Các triệu chứng ngày càng nặng mặc dù đang được điều trị.

Nếu có bất kỳ mối quan tâm đến một triệu chứng nào hoặc triệu chứng không được đề cập ở trên, bạn nên thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những biến chứng nào có thể xảy ra?

Nếu bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bạn có nguy cơ bị các biến chứng. Một số biến chứng có thể bao gồm:

  • Các vấn đề tim: bệnh có thể gây nhịp tim bất thường (gọi là rối loạn nhịp tim) và suy tim.
  • Cao huyết áp: bệnh có thể gây ra áp suất cao trong các mạch máu đưa máu đến phổi của bạn (còn được gọi là tăng áp phổi).
  • Nhiễm trùng hô hấp: bạn có thể bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc thậm chí viêm phổi (viêm phổi nặng do virus hoặc nấm). Các bệnh nhiễm trùng có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn hoặc gây tổn thương phổi nhiều hơn. Bạn nên chích ngừa cúm mỗi năm và hỏi bác sĩ liệu bạn có cần chích ngừa viêm phổi. Bạn sẽ giảm khả năng bị cúm và viêm phổi nếu được chích ngừa đủ.

Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

Bởi vì bệnh COPD phát triển chậm, nên nó thường được chẩn đoán ở những người tuổi từ 40 trở lên. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng, bệnh sử và tiền căn gia đình của bạn, kết hợp với kết quả xét nghiệm.

Bác sĩ có thể hỏi bạn có hút thuốc lá hoặc có tiếp xúc với chất kích thích phổi, chẳng hạn như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, hơi hóa chất hoặc bụi. Bác sĩ cũng sẽ khám bệnh bằng cách sử dụng một ống nghe để nghe thở khò khè hoặc các âm thanh bất thường khác trong phổi.

  • Xét nghiệm chức năng phổi: xét nghiệm chức năng phổi sẽ đo lường lượng không khí bạn có thể thở vào và thở ra, bạn có thở khó không, và phổi của bạn có cung cấp oxy tốt cho cơ thể không.
  • Đo hô hấp kế: phương pháp này kiểm tra khả năng thở của bạn. Bạn sẽ hít một hơi sâu và sau đó thổi thật mạnh vào máy đo được gọi là hô hấp kế. Máy sẽ đo lượng không khí bạn thở ra và tốc độ thở ra nhanh như thế nào.
  • Chụp X-quang hay CT scan ngực: các xét nghiệm này tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong ngực của bạn, chẳng hạn như tim, phổi và mạch máu. Các hình ảnh có thể hiển thị các dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Khí máu động mạch: xét nghiệm máu đo lường mức độ oxy trong máu của bạn sử dụng một mẫu máu lấy từ một động mạch. Các kết quả của xét nghiệm này có thể cho biết mức độ nặng của bệnh.

Những phương pháp điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Thật không may, không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh COPD. Phương pháp tốt nhất để đối phó là phòng ngừa và làm giảm triệu chứng. Mục tiêu điều trị sẽ bao gồm:

  • Giảm các triệu chứng
  • Làm chậm tiến triển của bệnh
  • Cải thiện khả năng gắng sức
  • Ngăn ngừa và điều trị biến chứng.

Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Thuốc

  • Thuốc giãn phế quản: giúp bạn thở dễ dàng hơn bằng cách giãn các cơ trơn trong phổi, từ đó mở rộng đường hô hấp.
  • Thuốc giãn phế quản kết hợp cộng với corticosteroid dạng hít: đây là một loại steroid để giảm viêm ở phổi.

Vắc xin

  • Vắc xin ngừa bệnh cúm
  • Thuốc chủng ngừa phế cầu (một loại vắc xin phòng chống dịch bệnh được gây ra bởi một loại vi khuẩn gọi là Streptococcus pneumoniae, hoặc phế cầu)
  • Liệu pháp oxy.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường là một phương sách cuối cùng cho những người có các triệu chứng nghiêm trọng không thể cải thiện bằng thuốc. Thông thường, phương pháp phẫu thuật được sử dụng đối với loại khí phế thũng, bao gồm cắt túi khí (là loại bỏ các túi khí trong phổi ) và phẫu thuật giảm thể tích phổi. Ghép phổi có thể là một lựa chọn cho những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính rất nặng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển một kế hoạch để ngăn chặn và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm (bệnh không lây từ người này sang người khác). Các mục tiêu mà WHO nhắm tới là:

  • Nâng cao nhận thức toàn cầu của bệnh không lây nhiễm.
  • Tạo môi trường lành mạnh hơn, đặc biệt là đối với người nghèo và những hoàn cảnh khó khăn.
  • Ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, chẳng hạn như sử dụng thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động.
  • Ngăn chặn tử vong sớm và tàn tật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn cần làm gì khi đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính?

Hãy nhanh chóng thay đổi lối sống và tuân thủ các phương pháp điều trị có thể giúp bạn giảm triệu chứng, lấy lại khả năng hoạt động bình thường và làm chậm tiến triển của bệnh.

Nếu đã mắc bệnh, bạn cần chú ý thực hiện những điều sau đây:

Bỏ hút thuốc và tránh các chất kích thích phổi

  • Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh này. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các chương trình cai thuốc và sản phẩm có thể giúp bạn bỏ thuốc lá.
  • Cố gắng tránh các chất kích thích phổi có thể góp phần gây ra COPD. Ví dụ như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, hơi hóa chất, bụi.
  • Tránh những chất kích thích trong nhà của bạn. Nếu nhà bạn được sơn hoặc phun thuốc diệt côn trùng, bạn nên tránh ở trong nhà một thời gian.
  • Nên đóng cửa sổ nhà (nếu có thể) khi có nhiều ô nhiễm không khí hoặc bụi bên ngoài.

Khám sức khỏe thường xuyên:

  • Điều quan trọng là bạn phải tái khám đúng hẹn và đầy đủ. Mang tất cả các loại thuốc của bạn theo. Hãy nhớ lấy thuốc trước khi sử dụng hết số thuốc trước đó. Mang theo danh sách tất cả các loại thuốc bạn đang dùng khi đi tái khám.
  • Hãy hỏi bác sĩ về việc liệu bạn có cần tiêm vắc xin ngừa cúm và viêm phổi không. Ngoài ra, yêu cầu bác sĩ kiểm tra các bệnh khác có thể do phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra, chẳng hạn như bệnh tim, ung thư phổi và viêm phổi.

Làm giảm triệu chứng của bệnh:

  • Bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ calo, bởi vì khi mắc bệnh này, bạn có thể gặp khó khăn khi ăn.
  • Tích cực hoạt động bằng cách thường xuyên tập thể dục. Hoạt động thể chất có thể tăng cường cơ bắp, giúp bạn thở dễ dàng hơn và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. Nhưng trước hết, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các bài tập thể dục an toàn cho bạn.
  • Đặt những thứ bạn cần ở những nơi dễ lấy.
  • Hãy sắp xếp các vật dụng sinh hoạt hằng ngày cũng như phòng của bạn để phải tránh leo cầu thang hằng ngày.
  • Nên sử dụng những loại quần áo rộng và giày dép dễ dàng mang vào và rút ra.
  • Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng bệnh của bạn, bạn có thể nhờ gia đình và bạn bè để được giúp đỡ với những công việc hàng ngày.

Chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp

  • Giữ số điện thoại của các bác sĩ, bệnh viện và một ai đó có thể đưa bạn đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh trở nặng.
  • Gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy rằng các triệu chứng của bạn đang xấu đi hoặc nếu bạn có dấu hiệu của một nhiễm trùng như sốt.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Hướng dẫn tập thể dục khi bị phổi tắc nghẽn mạn tính
  • “Kẻ thù” của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Làm sao để phân biệt bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?