Nhiễm trùng hô hấp trên là bệnh rất thường gặp, hầu như ai cũng mắc ít nhất một lần một năm. Bệnh đặc biệt bùng phát khi thay đổi thời tiết và dễ lây lan từ người này sang người khác. Thông thường, các nhiễm trùng hô hấp trên do các loại virus hô hấp thường gặp gây ra và có thể tự khỏi sau 3–5 ngày, người lớn khỏe mạnh hầu như không gặp biến chứng gì. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi, hệ miễn dịch còn yếu và có thể đang mắc nhiều bệnh nội khoa khác, vì vậy nhiễm trùng hô hấp trên là cơ hội để các vi khuẩn tấn công và gây ra viêm phổi nặng.
Tìm hiểu chung
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là bệnh gì?
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là nhiễm trùng cấp tính thuộc đường hô hấp trên bao gồm mũi, xoang, họng và thanh quản. Những bộ phận này giúp vận chuyển không khí từ bên ngoài vào khí quản và cuối cùng đến phổi để diễn ra quá trình hô hấp.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì?
Các triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là:
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi;
- Ho khan không đờm;
- Sốt nhẹ;
- Viêm họng;
- Nhức đầu nhẹ;
- Thở nhanh hoặc khó thở;
- Da tím do thiếu oxy;
- Các triệu chứng viêm xoang như tăng chảy nước mũi, thỉnh thoảng đau đầu và sốt.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi đến bác sĩ nếu có bất kỳ những dấu hiệu sau đây:
- Nếu bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên kèm ớn lạnh, sốt, khó thở. Những triệu chứng này thường không có trong bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Chúng báo hiệu cho một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như cúm, viêm phổi hoặc viêm phế quản cấp;
- Trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai và những người bị hen suyễn nên đi khám bác sĩ nếu thấy khó thở;
- Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy xảy ra cùng lúc với nhiễm trùng đường hô hấp trên và kéo dài;
- Nếu con của bạn bị sốt, đặc biệt những trẻ dưới 3 tháng tuổi, bạn cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra xem có nhiễm trùng hay không vì hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ;
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu bẩm sinh hoặc mắc phải do bệnh khác có thể mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên;
- Cảm lạnh thường tự hết trong vòng một tuần. Nếu triệu chứng kéo dài, đây có thể là dấu hiệu bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Những nguyên nhân nào gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên?
Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua mắt, miệng và mũi. Virus chính là nguyên nhân chính gây bệnh. Hai loại virus phổ biến nhất là rhinovirus và coronavirus. Các loại virus khác bao gồm virus á cúm, virus hô hấp hợp bào và adenovirus có thể gây ra cảm lạnh nhưng cũng có thể gây viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus thường lây lan nếu bạn tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng của họ. Virus có thể sống hàng giờ trên các đồ vật như đồ chơi hoặc túi xách. Nếu bạn chạm tay vào miệng, mũi hoặc mắt sau khi tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm virus. Ngoài ra, virus thường lây lan từ người sang người do hắt hơi hoặc ho.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên?
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở Mỹ, làm nhiều người không thể đi học hoặc làm việc. Mặc dù nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng bệnh phổ biến vào mùa thu và mùa đông, từ tháng chín cho đến tháng ba. Bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như:
- Trẻ dưới 6 tháng hoặc trẻ em dưới 1 tuổi;
- Trẻ sinh non hoặc những người có các bệnh nội khoa khác, chẳng hạn như tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi;
- Trẻ em có hệ miễn dịch suy yếu;
- Trẻ sơ sinh ở trong cơ sở chăm sóc trẻ em đông đúc;
- Những người ở độ tuổi trung niên;
- Người lớn mắc bệnh hen suyễn, suy tim, sung huyết hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính;
- Những người bị suy giảm miễn dịch, bao gồm cả những người ghép tạng, bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS;
- Bạn ở gần người bệnh khi họ hắt hơi hoặc ho mà không che mũi và miệng, làm cho virus lây lan.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên dựa vào kết quả khám lâm sàng và thời gian bạn nhiễm bệnh. Trong quá trình khám, bác sĩ dùng ống nghe để kiểm tra xem bạn có thở khò khè hoặc âm thanh bất thường khác khi thở hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể thực hiện:
- Đo SpO2 để kiểm tra xem mức độ oxy trong máu có thấp hơn bình thường hay không ;
- Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu hoặc tìm kiếm sự hiện diện của virus, vi khuẩn hoặc các sinh vật khác ;
- Chụp X-quang để kiểm tra viêm phổi ;
- Xét nghiệm các chất tiết đường hô hấp từ mũi để kiểm tra virus.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ?
Nếu bệnh nhẹ, bạn sẽ tiến hành phương pháp điều trị tại nhà để giảm sự khó chịu. Trong trường hợp nặng, bạn cần đi đến bệnh viện.
Trong trường hợp nhẹ, bạn có thể sử dụng thuốc không kê toa để làm giảm triệu chứng. Acetaminophen có hiệu quả trong việc giảm sốt. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu biến chứng của bạn liên quan đến vi khuẩn, như viêm phổi do vi khuẩn. Vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, bạn hãy nhớ giữ cho mình thoải mái, nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước và theo dõi các dấu hiệu mất nước như khô miệng, lượng nước tiểu ít, mắt trũng và mệt mỏi hay buồn ngủ.
Mặt khác, bác sĩ có thể truyền dịch và làm ẩm oxy cho bạn trong trường hợp nặng. Bác sĩ cũng sử dụng máy thở để giảm bớt khó thở ở trẻ nhỏ. Trong phương pháp, bạn sẽ được hít hơi nước an toàn và súc miệng bằng nước muối để giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Thuốc giảm đau như acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid cũng giúp giảm sốt, đau nhức.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Tạo không khí ẩm: giữ ẩm không khí sẽ giúp giữ ẩm cho mũi và niêm mạc xoang. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng cẩn thận khi làm ẩm không khí để tránh bị bỏng bởi nước nóng;
- Nghỉ ngơi nhiều;
- Giữ nguyên vị trí thẳng đứng: bạn nên ngồi thẳng đứng để thở dễ dàng hơn;
- Uống nhiều nước để tránh mất nước và để làm ẩm mũi, niêm mạc xoang;
- Hãy thử nhỏ mũi bằng nước muối: nước muối là cách an toàn hiệu quả để giảm bớt nghẹt mũi, ngay cả đối với trẻ nhỏ;
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen hoặc ibuprofen để làm giảm cơn sốt nhẹ hoặc đau nhức ở mặt. Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc này nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác hoặc đang bị các bệnh khác;
- Không tiếp xúc với khói thuốc lá vì nó có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
Ngày nay, với tiến bộ y học và kỷ nguyên vắc xin, một số bệnh do virus gây ra như nhiễm trùng hô hấp trên có thể dự phòng bằng cách tiêm ngừa. Tiêm ngừa cũng đặc biệt có lợi ở những người dễ có nguy cơ mắc biến chứng của bệnh như trẻ nhỏ và những người già có bệnh nội khoa kèm theo suy tim, suy thận, hen suyễn hay bệnh viêm phế quản mạn… Bạn hãy tham vấn bác sĩ để có thêm thông tin về thuốc và chỉ định tiêm ngừa. Chú ý nghỉ ngơi và hạn chế đến nơi đông người khi đang có dịch bệnh hoặc đang mắc bệnh để tránh lây nhiễm cho người khác. Cuối cùng, bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào kể trên để kịp thời chẩn đoán và điều trị.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.