Viêm bàng quang cấp là bệnh thường gặp, đặc biệt là ở nữ giới. Thống kê cho thấy phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ít nhất đều bị một lần viêm bàng quang cấp. Một khi đã bị bệnh thì nguy cơ tái phát hoặc tái nhiễm bệnh là rất cao. Phụ nữ dễ bị viêm bàng quang hơn nam giới là vì niệu đạo của phụ nữ rất ngắn, do đó vi khuẩn xung quang vùng tầng sinh môn dễ dàng thâm nhập vào bàng quang. Nam giới ít bị viêm bàng quang hơn và một khi mắc bệnh thường có nguyên nhân do dị dạng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do sỏi hoặc phì đại tiền liệt tuyến.
Tìm hiểu chung
Nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang) là bệnh gì?
Nhiễm trùng bàng quang, hay còn gọi là viêm bàng quang, là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể tái diễn lại nhiều lần trong thời gian dài. Viêm bàng quang cũng có thể do một số loại thuốc, xạ trị hoặc là một biến chứng của bệnh khác.
Nếu được điều trị thích hợp, bạn hoàn toàn có thể làm giảm các biến chứng của nhiễm trùng bàng quang. Các biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là viêm đài bể thận. Phương pháp điều trị thường dùng đối với viêm bàng quang do vi khuẩn là dùng kháng sinh. Đối với viêm bàng quang do nguyên nhân khác thì phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang) là gì?
Các triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng bàng quang là:
- Có máu hoặc có mùi hôi trong nước tiểu;
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày hơn bình thường; mỗi lần chỉ tiểu ra một ít;
- Đau hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu;
- Lúc nào cũng có cảm giác phải đi tiểu gấp;
- Đau trằn bụng dưới;
- Đau lưng ở hai bên hoặc đau ở giữa lưng;
- Tè dầm vào ban ngày ở trẻ em;
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau hông lưng;
- Sốt và ớn lạnh;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Đi tiểu lắt nhắt hoặc tiểu rát;
- Nước tiểu có máu;
- Tè dầm vào ban ngày ở trẻ em.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang)?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng bàng quang, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Do nhiễm vi khuẩn:
Nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nhiễm trùng bàng quang, chúng sẽ bám vào thành của bàng quang và sinh sôi nảy nở thay vì bị thải ra ngoài theo dòng nước tiểu như bình thường. Các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng bàng quang thường gặp nhất là Escherichia coli (E. coli), bình thường chúng nằm trong ruột già. Khi có quá nhiều E. coli trong bàng quang, cơ thể không thể thải hết qua nước tiểu, nên vi khuẩn sẽ tích tụ và gây nhiễm trùng tiểu.
Ngoài ra còn có các vi khuẩn khác gây nhiễm trùng bàng quang, chẳng hạn như Chlamydia, Mycoplasma, và được truyền qua đường tình dục khi quan hệ với người mắc phải hai loại vi khuẩn này.
Viêm bàng quang không do nhiễm vi khuẩn:
Các lý do khác gây nhiễm trùng bàng quang bao gồm:
- Viêm bàng quang kẽ;
- Do thuốc: một số loại thuốc nhất định, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị, ví dụ như cyclophosphamide và ifosfamide có thể gây viêm bàng quang;
- Xạ trị: đặc biệt là xạ trị vùng khung chậu;
- Dùng ống thông tiểu;
- Hóa chất: chẳng hạn như tắm bồn với xà phòng tạo bọt, sản phẩm vệ sinh phụ nữ dạng xịt hoặc kem thuốc diệt tinh trùng;
- Viêm bàng quang do biến chứng của bệnh khác ví dụ như bệnh tiểu đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hoặc tổn thương tủy sống.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang)?
Nhiễm trùng bàng quang rất phổ biến. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới. Hơn 50% phụ nữ ít nhất một lần trong đời bị nhiễm trùng bàng quang. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Ở nam giới, nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang gia tăng theo độ tuổi. Bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang)?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang, chẳng hạn như:
- Giới tính: nhiễm trùng bàng quang xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới;
- Tuổi tác: nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang tăng dần theo độ tuổi;
- Bất động;
- Quan hệ tình dục;
- Sử dụng một số phương pháp ngừa thai;
- Đang trong thời kỳ mang thai;
- Đang mãn kinh;
- Có sỏi trong bàng quang;
- Phì đại tiền liệt tuyến;
- Bị bệnh tiểu đường, nhiễm HIV hoặc đang điều trị ung thư;
- Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài;
Nếu bạn không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên thì nhiễm trùng bàng quang rất hiếm xảy ra.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang)?
Nhiễm trùng bàng quang có thể được chẩn đoán bằng cách thực hiện các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu;
- Soi bàng quang;
- Xét nghiệm hình ảnh (X-quang, chụp CT).
Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang)?
Điều trị viêm bàng quang tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Điều trị nhiễm trùng bàng quang do vi khuẩn gây ra:
Kháng sinh là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm trùng bàng quang gây ra bởi vi khuẩn.
- Nhiễm lần đầu: bạn cần dùng thuốc kháng sinh trong ba ngày đến một tuần dù cho các triệu chứng có được cải thiện đáng kể trong vòng một ngày;
- Nhiễm trùng tái phát: bạn có thể cần phải sử dụng kháng sinh trong thời gian dài hơn;
- Viêm bàng quang mắc phải ở bệnh viện: trường hợp này khá phức tạp vì các vi khuẩn ở bệnh viện đa số kháng thuốc;
- Đối với các phụ nữ đã mãn kinh có thể cần phải dùng thêm các loại thuốc estrogen dạng kem.
Điều trị viêm bàng quang gây ra bởi lý do khác:
Điều trị viêm bàng quang gây ra bởi các lý do khác phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến viêm bàng quang:
- Uống hoặc đưa trực tiếp thuốc vào bàng quang;
- Nong bàng quang bằng nước hoặc khí hoặc phẫu thuật;
- Kích thích dây thần kinh.
- Viêm bàng quang do hóa chất: tránh dùng các sản phẩm gây nhiễm trùng bàng quang để giảm các triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát;
- Viêm bàng quang do xạ trị và dùng thuốc: dùng thuốc để giảm bớt các triệu chứng hoặc uống nước nhiều hơn để đào thải các chất gây kích thích bàng quang.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang)?
Các lối sống sau đây có thể giúp bạn làm giảm và phòng ngừa bệnh viêm bàng quang, bao gồm:
- Uống nhiều nước. tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được lượng nước phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn;
- Đi tiểu khi cảm thấy mắc tiểu, không nên nhịn;
- Lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu nếu bạn là nữ;
- Tránh sử dụng các thuốc thụt rửa âm đạo hoặc các thuốc vệ sinh phụ nữ dạng xịt;
- Tắm vòi sen thay vì tắm bồn;
- Nên mặc quần lót rộng rãi làm từ chất liệu cotton đồng thời nên thay quần lót mỗi ngày;
- Dùng băng vệ sinh thay vì tampon khi hành kinh;
- Tránh sử dụng màng ngăn hoặc chất diệt tinh trùng;
- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.
Như đã nói ở trên, do cấu trúc đặc thù đường tiểu của phụ nữ rất ngắn nên họ rất dễ dàng bị viêm bàng quang cấp. Tuy bệnh có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh nhưng nữ giới thường khó chịu khi mắc bệnh. Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp vệ sinh sau khi đi tiêu tiểu hoặc sau khi quan hệ tình dục, nguy cơ tái phát bệnh sẽ giảm đi đáng kể. Bạn hãy chú ý áp dụng những hướng dẫn về cách phòng tránh viêm bàng quang như chúng tôi nêu trên đây, tuy đơn giản nhưng kết quả chắc chắn sẽ hiệu quả không ngờ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.