Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn đặc biệt có thể sống và phát triển trong môi trường axit của dạ dày. Vi khuẩn này có khả năng tiết ra hợp chất có tính kiềm và trung hòa axit của dịch vị. Đây cũng là lý do mà chúng có thể gây bệnh ở môi trường pH gần bằng 1 của dạ dày. H.pylori là thủ phạm gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và nguy cơ ung thư dạ dày.
Định nghĩa
Nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày) là bệnh gì?
H. pylori là một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (còn gọi là H. pylori). Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Nhiễm H. pylori rất phổ biến, nhưng đa số chúng ta không nhận ra rằng mình đã mắc bệnh vì thường không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp, H. pylori có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét và ung thư dạ dày.
Những ai thường mắc phải bệnh nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày)?
Nhiễm H. pylori có thể gặp ở hơn một nửa dân số thế giới và tỷ lệ còn có thể cao hơn ở những nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo thống kê, khoảng 80% người nhiễm H. pylori vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường mà không có triệu chứng hay biến chứng gì. Chỉ có khoảng 10-15% có thể bị viêm loét dạ dày và 1-3% xuất hiện ung thư dạ dày.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày) là gì?
Đa số người bị nhiễm H. pylori vẫn có thể sống khỏe mạnh và không mắc bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh có thể gây ra các triệu chứng của viêm loét dạ dày, bao gồm:
- Đau bụng sau khi ăn
- Buồn nôn
- Mất cảm giác ngon miệng
- Ợ nóng thường xuyên
- Đầy hơi
- Hôi miệng
- Giảm cân không chủ ý.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu đang lo lắng về các triệu chứng của mình. Ngoài ra, hãy tìm sự hỗ trợ y tế ngay nếu bạn đang trải qua:
- Cơn đau bụng dữ dội và dai dẳng
- Khó nuốt
- Phân lẫn máu hoặc có màu đen
- Nôn ra máu hoặc dung dịch nôn có màu đen hay trông như bã cà phê.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày) là gì?
Hiện nay vẫn chưa biết chính xác làm cách nào chúng ta bị nhiễm H. pylori. Theo giả thiết của các nhà khoa học, vi khuẩn H. pylori có thể được truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn hoặc phân của người đã mắc bệnh. H. pylori cũng có thể lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, H. pylori có thể phát triển trong niêm mạc dạ dày. Tại đây chúng sẽ được bao phủ bởi một lớp chất nhầy, bảo vệ nó khỏi axit tiết ra từ dạ dày.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày)?
H. pylori thường bị lây nhiễm lúc còn nhỏ. Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm H. pylori có liên quan đến điều kiện sống trong thời thơ ấu của bạn, chẳng hạn như:
- Điều kiện đông đúc: bạn có nguy cơ bị nhiễm H. pylori nếu bạn sống trong một gia đình nhiều người
- Khu vực sống thiếu nước sạch
- Sống ở những nước đang phát triển: người dân sống ở các nước đang phát triển, nơi mà điều kiện sống chật chội và mất vệ sinh có nguy cơ cao bị lây nhiễm H. pylori
- Sống chung với người đã bị nhiễm H. pylori.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày)?
Nhiễm H. pylori thường không cần điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng gì.
Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng viêm loét dạ dày, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc, bao gồm:
- Các loại thuốc kháng sinh, ví dụ như clarithromycin, amoxicillin, tetracycline, metronidazole để diệt trừ vi khuẩn H. pylori trong dạ dày.
- Các loại thuốc ức chế tiết axit, ví dụ như omeprazole, lansoprazole và pantoprazole.
- Bismuth sub salicylate: hay thường được biết đến là thuốc Pepto-Bismol™, loại thuốc này sẽ phủ lên vết loét từ đó giúp bảo vệ chúng khỏi axit trong dạ dày.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày)?
Một số phương pháp giúp chẩn đoán H. Pylori chính xác và đơn giản bao gồm:
- Xét nghiệm bằng hơi thở: Trong xét nghiệm bằng hơi thở, bạn sẽ nuốt một dung dịch có chứa các phân tử carbon đã được đánh dấu. Nếu bạn bị nhiễm H. pylori, các phân tử carbon đánh dấu sẽ bị biến đổi trong dạ dày và được thải ra qua hơi thở. Bạn sẽ thở ra vào một chiếc túi, và sau đó bác sử dụng một thiết bị đặc biệt để phát hiện các phân tử carbon trong đó.
- Xét nghiệm máu: để tìm vi khuẩn H. pylori hoặc các kháng thể trong máu.
- Tìm kháng nguyên H. pylori trong phân.
- Tìm H. pylori trong mẫu sinh thiết thông qua nội soi.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm H. pylori (nhiễm H. pylori dạ dày)?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm H. pylori:
- Ăn uống đúng giờ và điều độ
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Nhiễm H. pylori không triệu chứng thì chưa cần điều trị, nhưng nếu như thủ phạm gây ra những cơn đau dạ dày của bạn là H. pylori thì bạn cần điều trị tiêu diệt vi khuẩn theo đúng phác đồ. Hiện nay, vi khuẩn H. pylori kháng thuốc chiếm tỷ lệ rất cao, do đó bạn sẽ được kê toa gồm 3–4 loại kháng sinh và uống lâu dài từ 2–4 tuần. Dù uống nhiều thuốc có thể làm bạn thông thoải mái, nhưng bạn nên tuân thủ liệu trình điều trị để tiêu diệt tận gốc vi khuẩn và hạn chế nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.