Tìm hiểu chung
Nhiễm độc thai nghén là gì?
Nhiễm độc thai nghén là một bệnh chỉ xảy ra trong thai kỳ, vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Nhiễm độc thai nghén là tình trạng rối loạn co thắt các mạch máu, làm gia tăng áp lực lên các cơ quan ngoại biên và nội tạng như thận, tử cung và gan. Tình trạng này làm biến đổi và gây tổn thương trong hệ mạch máu, ảnh hưởng nhau thai và gây nguy hiểm cho quá trình sinh con.
Triệu chứng
Những triệu chứng và dấu hiệu nhiễm độc thai nghén là gì?
Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thường không giống nhau.
Nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu thai kỳ
Nhiễm độc thai nghén nhẹ
Triệu chứng nhiễm độc thai nghén nhẹ thường là ốm nghén. Mẹ bầu thường mệt mỏi, gầy, xanh, lợm giọng, buồn nôn, ứa ra nước dãi hoặc nôn. Dấu hiệu nhiễm độc thai nghén này thường bắt đầu khi thai được gần 1 tháng và kéo dài khoảng 3 tháng. Sau đó, các biểu hiện ốm nghén sẽ giảm dần và mất hẳn.
Nhiễm độc thai nghén nặng
Ban đầu, mẹ bầu cũng có các triệu chứng nhiễm độc thai nghén nhẹ, nhưng xảy ra sớm hơn. Sau đó, các triệu chứng trở nên nặng hơn, đặc biệt là nôn mửa. Mẹ bầu có thể không ăn uống được vì sẽ nôn khi ăn thức ăn. Vì thế, mẹ bầu có thể bị giảm cân và gầy yếu trong thời gian này.
Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kỳ
Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối gồm:
- Phù chân: Để biết mình có bị phù chân không, bạn hãy thử nhấn vào mắt cá chân. Nếu bạn thấy lõm tại chỗ nhấn, đó chính là triệu chứng phù chân. Ở những người bị nặng, họ có thể bị phù ở cả mặt và hai tay. Nếu bị phù do thai nghén chèn ép, bạn chỉ cần nằm nghỉ và gác chân cao, tình trạng phù sẽ hết. Tuy nhiên, nếu không hết phù chân, đó chính là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén. Lúc này, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
- Protein niệu: xét nghiệm nước tiểu cho protein niệu cao hơn 0,3g/l có thể là triệu chứng nhiễm độc thai nghén.
- Tăng huyết áp: ở những người bị nhiễm độc thai nghén, huyết áp của họ tăng lên tối đa 30mmHG và tối thiểu 15mmHg so với trước khi mang thai. Nếu bạn có huyết áp trên 140/90mmHg, bạn cần được điều trị và theo dõi.
Biến chứng
Các biến chứng nhiễm độc thai nghén là gì?
Nhiễm độc thai nghén là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Tiền sản giật: mẹ bầu có thể bị choáng váng, mắt mờ, đôi khi buồn nôn, protein trong nước tiểu tăng đến 0,5g/l, tình trạng phù nặng hơn và đi tiểu ít hơn.
- Sản giật: biến chứng này thường xảy ra thời kỳ cuối của thai nghén, trong khi chuyển dạ và sau khi sinh. Mẹ bầu có thể bị giật và hôn mê, kèm theo phù, tăng huyết áp và protein niệu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nhiễm độc thai nghén là gì?
Hiện nay, nguyên nhân nhiễm độc thai nghén vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng này, như:
- Tuổi tác. Nhiễm độc thai nghén thường xảy ra ở mẹ bầu trẻ, lần đầu mang thai.
- Thời tiết lạnh, đang chuyển mùa.
- Thường xuyên mệt mỏi, quá sức.
- Ăn các loại thức ăn lạ, dễ gây dị ứng.
- Các bệnh nội khoa mạn tính như loét dạ dày, viêm thận mạn tính.
Chẩn đoán và Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm độc thai nghén?
Bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén như phù chân, tăng huyết áp và protein niệu để chẩn đoán bệnh.
Những phương pháp nào điều trị nhiễm độc thai nghén?
Bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, bao gồm hạn chế ăn muối, nằm nghiêng bên trái để tránh tử cung đè vào cuống thận. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định các thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm độc thai nghén?
Do nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nên rất khó để phòng bệnh. Cách tốt nhất là bạn nên thường xuyên đi khám thai và báo với bác sĩ nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Thống kê về đái tháo đường thai kỳ
- Thời điểm thích hợp để tầm soát đái tháo đường thai kỳ?
- 5 điều bạn cần biết về tiền sản giật