Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Ngộ độc thực phẩm

Tìm hiểu chung

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do ăn phải thức ăn nhiễm độc. Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm. Bệnh thường không nghiêm trọng và hầu hết người bệnh đều cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần đến điều trị.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm là gì?

Những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp bao gồm:

  • Ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy;
  • Đau bụng;
  • Sốt;
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng;
  • Chán ăn;
  • Đau cơ;
  • Ớn lạnh;

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ  nếu có các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau:

  • Thường xuyên nôn ói;
  • Nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu;
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Nhiệt độ trong miệng cao hơn 38,6oC;
  • Khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt;
  • Tầm nhìn bị mờ, cơ yếu và ngứa ran cánh tay.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là gì?

Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải thức ăn hoặc nước uống nhiễm độc. Trong quá trình sản xuất và chế biến, thực phẩm có thể bị nhiễm độc bất cứ lúc nào, ví dụ như khi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển hoặc chuẩn bị. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn có hại di chuyển từ bề mặt này sang bề mặt khác. Nếu bạn ăn những món ăn không được nấu chín như salad hay các món ăn khác, những vi khuẩn có hại chưa được tiêu diệt này sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Rất nhiều vi khuẩn, virus và kí sinh trùng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, trong đó virus là nguyên nhân hàng đầu, sau đó là vi khuẩn.

Chất độc là một nguyên nhân khác. Chất độc có thể được sản sinh ra do vi khuẩn, có sẵn trong thức ăn, do thực vật và động vật hoặc cá hoặc do các vi khuẩn khác. Bên cạnh đó, chất độc có thể đến từ một số hóa chất nhất định.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường bị ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất kì độ tuổi nào. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như:

  • Tuổi già: quá trình lão hóa khiến cho hệ miễn dịch của bạn bị yếu đi và không phản ứng lại với vi khuẩn gây hại;
  • Mang thai: quá trình mang thai dẫn đến một số thay đổi trong chuyển hóa và tuần hoàn, khiến bạn có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm. Phản ứng của bạn có thể tệ hơn trong khi mang thai;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: đây là lứa tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện;
  • Người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh gan hoặc AIDS.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ngộ độc thực phẩm?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ bệnh sử, bao gồm bạn bệnh bao lâu, triệu chứng của bạn là gì, bạn đã ăn những gì. Bác sĩ cũng sẽ khám lâm sàng để kiểm tra xem bạn có dấu hiệu mất nước hay không. Từ đó bác sĩ sẽ đi đến những xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu, cấy phân hoặc kiểm tra kí sinh trùng, để xác định nguyên nhân gây bệnh và đi đến chẩn đoán.

Sau khi lấy mẫu phân, bác sĩ sẽ gửi chúng đến phòng thí nghiệm để xác định vi khuẩn gây bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng không thể xác nhận được nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ngộ độc thực phẩm?

Đối với phần lớn bệnh nhân, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài ngày, mặc dù một số dạng ngộ độc có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tự phục hồi, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng, bác sĩ sẽ chọn cách điều trị cho bạn.

Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung lượng nước bị mất đi. Chất lỏng và chất điện giải, bao gồm khoáng chất như natri, kali và canxi, giúp duy trì cân bằng lượng nước cơ thể đã bị mất đi do tiêu chảy. Đó có thể là muối và chất lỏng cung cấp qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa và điều trị mất nước.

Trong trường hợp bạn nhiễm một số dạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn nhất định và các triệu chứng rất trầm trọng, bạn sẽ được dùng kháng sinh. Trong quá trình mang thai, điều trị bằng kháng sinh kịp thời có thể tránh cho thai nhi khỏi bị nhiễm trùng.

Nếu bạn không bị tiêu chảy ra máu hoặc bạn không bị sốt, bác sĩ có thể sẽ cho bạn uống một số loại thuốc loperamide (Imodium A-D®) hoặc bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol®).

Cách xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà

Khi bị ngộ độc thức ăn, điều quan trọng là bạn cần phải nôn hết thức ăn đã ăn vào. Tuy nhiên, bạn không nên gây nôn ở trẻ em vì trẻ dễ bị sặc. Sau khi nôn hết, bạn hãy uống oresol để bù điện giải.

Nếu người bệnh bị co giật, ngừng thở và ngừng tim, bạn hãy hô hấp nhân tạo. Nếu người bệnh hôn mê, bạn hãy đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên, phòng chất nôn tràn vào phổi. Sau khi sơ cứu, bạn hãy nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện để được điều trị.

 

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của ngộ độc thực phẩm?

Bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng ngộ độc thực phẩm nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Để cho dạ dày được nghỉ, bạn không nên ăn uống trong vài giờ;
  • Hãy thử ngậm viên đá nhỏ hoặc uống từng ngụm nước nhỏ. Bạn có thể húp nước canh hoặc uống nước thể thao không chứa caffein;
  • Khi bắt đầu ăn uống lại, bạn nên chọn những thức ăn nhạt, ít béo, dễ tiêu hóa như bánh mì nướng, rau câu, chuối và cơm;
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn do bệnh và mất nước khiến bạn yếu đi và mệt mỏi.

Ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

Khi sau khi nôn hết thức ăn, cơ thể sẽ rất yếu. Vì vậy, người bệnh phải chú ý dùng các loại thực phẩm không gây khó chịu. Một số thực phẩm bạn nên dùng khi bạn bị ngộ độc thực phẩm như:

  • Nước. Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn thường bị nôn và tiêu chảy, do đó cơ thể mất nước rất nhiều, từ đó mất cân bằng điện giải. Vì vậy, việc bồ sung nước sau khi ngộ độc thức ăn là rất quan trọng. Bên cạnh nước, bạn cũng có thể uống oresol để bù chất điện giải cho cơ thể.
  • Các loại thức ăn nhẹ và dễ tiêu hóa. Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, ruột thường rất yếu. Vì vậy, bạn hãy chọn những món ăn dễ tiêu hóa để ruột tránh làm việc quá sức. Một số món ăn dễ tiêu hóa như cháo, bột yến mạch, khoai tây nghiền nấu chín, các loại trái cây mềm, v.v.
  • Thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa. Việc bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột sau khi bị ngộ độc thức ăn sẽ giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong ruột. Yogurt chính là thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi nhất.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.