Tìm hiểu chung
Mất nước là gì?
Mất nước là tình trạng lượng nước bị mất ra khỏi cơ thể cao hơn so với lượng nước cơ thể nhập vào. Sự mất cân bằng này sẽ phá vỡ sự cân bằng của các nồng độ muối, khoáng chất và lượng đường trong máu từ đó gây cản trở hoạt động bình thường của cơ thể và gây nhiều thiệt hại cho cơ thể.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của mất nước là gì?
Một số triệu chứng phổ biến của tình trạng mất nước là:
- Khát nước nhiều;
- Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng;
- Đánh trống ngực;
- Giảm lượng nước tiểu;
- Khô miệng;
- Nước tiểu bị cô đặc và có màu vàng đậm;
- Yếu cơ;
- Khô da.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Mất nước khá thường gặp, và trong một số trường hợp, tình trạng mất nước có thể cực kỳ nguy hiểm nếu không được điều trị. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu nằm trong những trường hợp sau đây:
- Sốt;
- Tiêu chảy hơn 2 ngày;
- Giảm lượng nước tiểu;
- Lơ mơ, giảm nhận thức;
- Cơ thể mệt mỏi;
- Mất khả năng tập trung;
- Ngất xỉu;
- Đau ngực hoặc đau bụng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra mất nước?
Mất nước thường do bạn cung cấp không đầy đủ chất lỏng cho cơ thể. Ngoài ra có thể do các yếu tố khác như khí hậu khô nóng, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống. Ngoài ra, mất nước có thể do một số bệnh lý như tiêu chảy, nôn mửa và bệnh tiểu đường.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường bị mất nước?
Mất nước rất phổ biến và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Mỗi ngày, nước trong cơ thể của chúng ta thoát ra ngoài thông qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu và phân. Nếu chúng ta không cung cấp cho cơ thể đủ nước để bù đắp cho số nước thải ra, chúng ta sẽ bị mất nước.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị mất nước?
Trẻ sơ sinh có nguy cơ mất nước cao vì trọng lượng cơ thể của các bé còn thấp nên rất nhạy cảm với tình trạng mất nước, bé có thể bị mất nước ngay cả khi chỉ nạp thiếu một lượng ít.
Những người lớn tuổi cũng có nguy cơ cao bởi vì họ có thể quên hoặc không biết khi nào họ cần uống nước.
Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh thận, nghiện rượu cũng có thể bị mất nước.
Các vận động viên, đặc biệt là những vận động viên tham gia các môn thể thao đòi hỏi sức bền như marathon có thể bị mất nước do đổ mồ hôi.
Những người làm ngành nghề lao động chân tay, chẳng hạn như công nhân xây dựng, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên cũng có thể mất nước do đổ mồ hôi.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán mất nước?
Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng điển hình của mất nước như lơ mơ, mệt mỏi, huyết áp thấp, tim đập nhanh (đánh trống ngực), sốt và da mất đàn hồi để chẩn đoán tình trạng.
Bạn có thể sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận và kiểm tra nồng độ natri, kali cũng như các chất điện giải khác trong cơ thể.
Bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán tình trạng thông qua xét nghiệm phân tích nước tiểu do nước tiểu của một người mất nước sẽ đậm màu và cô đặc hơn.
Để xác định tình trạng mất nước ở trẻ em, bác sĩ sẽ kiểm tra thóp, mồ hôi cũng như một số đặc điểm ở cơ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị mất nước?
Tất nhiên, để bù đắp cho sự mất mát chất lỏng trong cơ thể, bạn cần phải uống nhiều nước, ví dụ như nước lọc, nước trái cây….. nhưng bạn nên tránh thức uống chứa caffeine và có gas.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị mất nước không nên cho trẻ uống nước lọc nhiều vì có thể làm rối loạn nồng độ các chất điện giải trong cơ thể bé. Tổ chức Y tế thế giới khuyên nên cho trẻ uống một loại dung dịch để bù nước có chứa thành phần cân bằng các chất điện giải như kali, natri, clo và đường để khôi phục lại lượng dịch mất cho các bé một cách an toàn.
Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, bạn cần phải đi đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để có hướng giải quyết thích hợp. Bác sĩ sẽ có thể cho bạn dùng thêm thuốc chống tiêu chảy, chống sốt hoặc chống nôn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến mất nước?
Bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng mất nước nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Uống từng ngụm nước nhỏ sẽ giúp bạn không bị nôn ói khi đang bù nước;
- Bạn nên uống các loại dung dịch có chứa chất điện giải và đường;
- Các loại kem làm từ trái cây hoặc các loại nước dành cho vận động viên thể thao có thể giúp bù điện giải;
- Uống nước qua ống hút sẽ dễ uống hơn khi bạn đang bù nước.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.