Định nghĩa
Lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn) là gì?
Bệnh lỵ trực trùng, hay còn gọi là lỵ trực khuẩn hoặc xích lỵ, là bệnh kiết lỵ do trực khuẩn lỵ Shigella gây nhiễm trùng ruột và trực tràng. Dấu hiệu chính của nhiễm Shigella là tiêu chảy và phân thường có lẫn máu. Shigella có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn trong phân hoặc trong thực phẩm bị ô nhiễm
Những ai thường mắc phải lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)?
Bệnh lỵ trực trùng phần lớn xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi. Bệnh dễ truyền nhiễm nhất ở các trường mầm non, trường tiểu học và các nơi giữ trẻ tư nhân không đảm bảo vệ sinh. Bệnh nhân ở những quốc gia kém phát triển không đủ nước sạch thường bị lỵ nặng và khó chữa hơn.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn) là gì?
Thời gian ủ bệnh của lỵ trực khuẩn thường trong khoảng 3 ngày, nhưng có thể dao động từ 1-7 ngày.
Các triệu chứng của nhiễm lỵ trực khuẩn bao gồm:
- Sốt, có thể rất cao ở trẻ em;
- Co thắt theo từng cơn ở vùng bụng;
- Tiêu chảy nhiều nước;
- Buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Đau cơ, mỏi cơ;
- Có máu hoặc chất nhầy trong phân.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám hoặc đưa trẻ nhập viện nếu bạn hoặc trẻ tiêu chảy ra máu, tiêu chảy cùng lúc với mất nước, sụt cân và sốt 38 0 C trở lên. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn) là gì?
Bệnh lỵ trực trùng là tình trạng nhiễm trùng gây ra do chủng trực khuẩn Shigella. Những nguyên nhân có thể gây ra nhiễm lỵ trực khuẩn như:
- Tiếp xúc với trực khuẩn Shigella thông qua miệng: tiếp xúc trực tiếp giữa người với người là cách lây bệnh phổ biến nhất. Ví dụ như nếu bạn không rửa tay thật kỹ sau khi thay tã lót của trẻ đang nhiễm Shigella, bạn có thể bị nhiễm bệnh;
- Ăn thực phẩm bị ô nhiễm: bệnh có thể truyền nhiễm thông qua các thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Ví dụ như người xử lý thực phẩm có thể truyền vi khuẩn cho những người ăn thực phẩm hoặc do thực phẩm ở gần khu vực có chứa nước thải ô nhiễm;
- Uống nước bị ô nhiễm: uống nước bị ô nhiễm hoặc bơi trong môi trường nước bị nhiễm trực khuẩn Shigella cũng là nguyên nhân gây ra lỵ trực trùng.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)?
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lỵ trực khuẩn bao gồm:
- Là trẻ em có độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi;
- Sống hoặc du lịch đến những vùng không đủ vệ sinh;
- Thường xuyên ăn uống thức ăn vỉa hè, không rõ nguồn gốc;
- Quan hệ tình dục đồng tính nam qua hậu môn.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)?
Người lớn bị lỵ trực trùng không cần bác sĩ can thiệp và sẽ tự khỏi. Đối với trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi, bác sĩ sẽ hỗ trợ bằng cách cho uống dung dịch Oresol bổ sung nước cùng chất điện giải khi tiêu chảy. Bác sĩ cũng chỉ định thuốc kháng sinh để rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa bệnh lây cho người khác.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)?
Bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng dưới đây để chẩn đoán bệnh:
- Mất nước (không đủ chất lỏng trong cơ thể của bạn) cùng với nhịp tim nhanh và huyết áp thấp;
- Đau bụng;
- Số lượng của các tế bào bạch cầu trong máu cao hơn bình thường;
Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm mẫu phân để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Shigella hoặc độc tố của chúng.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)?
Bạn có thể dễ dàng kiểm soát tình trạng lỵ trực trùng của bạn hoặc trẻ dễ dàng nếu bạn lưu ý những điều sau đây:
- Nằm nghỉ ngơi cho đến khi đỡ hơn, giặt chăn và tấm trải giường với xà phòng và nước ấm càng thường xuyên càng tốt, đặc biệt là sau khi khỏi bệnh;
- Sử dụng nhà tắm riêng hoặc đeo găng tay chà rửa bồn cầu với dung dịch tẩy sau mỗi lần sử dụng;
- Rửa tay sạch với xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn;
- Ăn thức ăn dạng lỏng như canh hoặc cháo, sau đó từ từ quay lại ăn bình thường nhưng không được ăn trái cây và rau củ quả sống;
- Không nên sử dụng các loại thuốc chống tiêu chảy vì sẽ ngăn vi khuẩn bị loại bỏ ra khỏi cơ thể và làm bệnh nặng hơn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Kiết lỵ
- Bé bị tiêu chảy phân thế nào? docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo mách bạn cách nhận diện!
- 5 loại thực phẩm gây tiêu chảy