Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn, cơ thể tự sản xuất ra kháng thể tấn công vào các mô của các cơ quan. Tùy theo cơ quan bị ảnh hưởng mà biểu hiện bệnh thay đổi khác nhau. Thể bệnh nhẹ, bệnh chỉ biểu hiện ngoài da. Thể bệnh nặng, nhiều cơ quan bị ảnh hưởng cùng một lúc như não, thận, tim, khớp, mạch máu…
Định nghĩa
Bệnh lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ hệ thống hay lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, làm viêm mô liên kết và có thể tổn hại đến các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tự sản xuất kháng thể tự tấn công vào các cơ quan trong cơ thể. Bệnh ảnh hưởng đến khớp, da, phổi, tim, mạch máu, thận, hệ thần kinh và tế bào máu. Lupus ban đỏ còn gây ra hiện tượng Raynaud (tình trạng mạch máu bị co thắt lại khiến ngón tay, ngón chân, tai và mũi bị đau và tím tái).
Bệnh thường có hai giai đoạn bệnh nặng và nhẹ xen kẽ nhau. Đa số các trường hợp nhiễm bệnh không có ảnh hưởng gì đến cuộc sống.
Những ai thường mắc phải bệnh lupus ban đỏ?
Cứ 2000 người thì có 1 người bị lupus ban đỏ. Trong đó số bệnh nhân nữ bị nhiều gấp 5 lần so với số bệnh nhân nam, đặc biệt với phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng sẽ nặng thêm. Bệnh nhân lupus ban đỏ phần lớn là từ 15 đến 40 tuổi. Người Mỹ gốc Phi và người Châu Á và người có tổ tiên gốc Tây Ban Nha mắc bệnh nhiều hơn người da trắng.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ là gì?
Dấu hiệu của lupus ban đỏ xuất hiện phụ thuộc vào cơ quan mắc bệnh. Những triệu chứng ban đầu bao gồm:
- Mệt mỏi;
- Đau khớp và sưng hay xơ cứng khớp, thường ở tay, thắt lưng và đầu gối;
- Bị phát ban ở phần cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thường là ở mặt (gò má và mũi);
- Hiện tượng Raynaud làm cho đầu ngón tay, ngón chân tím tái và đau đớn khi tiếp xúc với lạnh;
- Viêm màng phổi, gây ra cơn đau khi thở cùng thở gấp;
- Thận bị ảnh hưởng có thể dẫn đên cao huyết áp và suy thận.
Lupus ban đỏ ảnh hưởng đến trí nhớ và tâm trạng và gây ra stress hay lẫn lộn.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Có nhiều loại bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, nhưng bệnh lupus ban đỏ là loại bệnh phổ biến nhất. Bạn cần đi khám ngay nếu bị phát ban không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, đau đớn không khỏi ở bộ phận bất kỳ và mệt mỏi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh lupus ban đỏ là gì?
Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được rõ, nhưng yếu tố môi trường và di truyền có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc sống trong môi trường bị phơi nhiễm virus, hoặc thường gặp stress có nguy cơ mắc bệnh. Hormone và giới tính cũng là một phần nguyên nhân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hormone estrogen có vai trò trong việc hình thành bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lupus ban đỏ bao gồm:
- Giới tính: lupus phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là khi mang thai và có kinh nguyệt;
- Thường xuyên tắm nắng hoặc tiếp xúc trực tiếp với nắng;
- Bị nhiễm trùng;
- Dùng thuốc đặc trị, đặc biệt là thuốc chống động kinh, hạ huyết áp và kháng sinh;
- Tuổi tác: mặc dù lupus ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng thường được chẩn đoán trong độ tuổi từ 15 và 40.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh lupus ban đỏ?
Cách điều trị Lupus ban đỏ hệ thống phụ thuộc vào triệu chứng và vị trí bị phát ban. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thuốc kháng viêm không chứa steroid.
Ngoài ra, thuốc ức chế miễn dịch như prednisone cũng có hiệu quả khá tốt đối với lupus ban đỏ.
Nếu bệnh vẫn không tiến triển, bác sĩ sẽ dùng thuốc đặc trị như hydroxychloroquine trị sốt rét và viêm khớp, methotrexate trị thấp khớp, azathioprine và cyclophosphamide ức chế miễn dịch.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ?
Bác sĩ chẩn đoán lupus đỏ từ bệnh sử, khám lâm sàng và làm xét nghiệm máu.
Các xét nghiệm máu bao gồm đo tốc độ lắng hồng cầu (ESR), xét nghiệm công thức máu (CBC), kháng thể kháng nhân (ANA) và xét nghiệm nước tiểu. Đo tốc độ lắng hồng cầu để kiểm tra mức độ viêm. Xét nghiệm công thức máu để xác định số tế bào hồng cầu và tiểu cầu.
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm anti-dsDNA chuyên dùng để chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống.
Người mắc bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?
Khi mắc bệnh, chúng ta thường lo lắng, không biết mình mắc bệnh có nặng không. Tương tự vậy, người mắc bệnh lupus thường có hai vấn đề họ luôn quan tâm: bệnh lupus ban đỏ có chữa được không? và người mắc bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?.
Trên thực tế, vẫn chưa có một phương pháp nào giúp điều trị hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ. Việc điều trị chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng, từ đó bạn có thể sống thêm ít nhất 10 năm, thậm chí cũng có người sống lâu bằng người khỏe mạnh. Điều quan trọng là bạn cần phải tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện bệnh tốt hơn.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lupus ban đỏ?
Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:
- Không hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có thể làm trầm trọng thêm các tác động của lupus về tim và mạch máu của bạn;
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin D và omega-3. Đôi khi bạn cần kiêng cữ trong chế độ ăn uống, đặc biệt là nếu huyết áp cao, suy thận hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa;
- Tập thể dục đều đặn để cơ thể tăng sức dẻo dai và đề kháng tốt hơn;
- Tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Bạn có thể dùng kem chống nắng có SPF 50 hoặc cao hơn nếu bắt buộc phải đi ra ngoài;
- Nghỉ ngơi vừa đủ. Nếu bị lupus ban đỏ hệ thống, bạn sẽ thấy mệt ngay cả khi cơ thể không cần nghỉ ngơi, do đó, bạn chỉ nên nghỉ vừa đủ và cố gắng vận động nhẹ nhàng thay vì nằm;
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Gọi bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ của thuốc.
Người mắc lupus ban đỏ nên ăn gì?
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện bệnh. Một số loại thực phẩm mà người bệnh lupus ban đỏ nên bồ sung hàng ngày như:
- Rau xanh và trái cây
- Thực phẩm giàu canxi và vitamin D như phô mai, sữa, sữa chua,… giúp ngăn ngừa loãng xương
- Ngũ cốc nguyên hạt và lúa mì
- Thực phẩm giàu protein và ít chất béo
- Nước: bạn nên uống đủ 1,5-2l nước mỗi ngày
Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên ăn một số loại thực phẩm như:
- Thực phẩm nhiều chất béo
- Đồ uống có caffeine
- Thực phẩm nhiều muối
- Rượu
Lupus ban đỏ thường gặp ở nữ giới. Đây là một bệnh tự miễn và biểu hiện bệnh rất đa dạng, do đó đôi khi chẩn đoán bệnh rất khó khăn. Điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch. Khi bệnh bùng phát, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc theo phác đồ tấn công trong 6-8 tuần cho đến khi lui bệnh và chuyển sang phác đồ điều trị duy trì. Các thuốc ức chế miễn dịch có nhiều tác dụng phụ, do đó bạn nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám thường xuyên ngay cả khi lui bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những điều cần biết về bệnh lupus
- Viêm màng phổi
- Đau khớp ngón tay do chơi Golf, trị sao dứt?