Tìm hiểu chung
Loét thực quản là bệnh gì?
Loét thực quản là một dạng loét trong hệ thống tiêu hóa. Dạng viêm loét này gây đau đớn ở lớp niêm mạc phần dưới của thực quản, chỗ gặp nhau giữa thực quản và dạ dày. Thực quản là ống nối cổ họng với dạ dày.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của loét thực quản?
Các triệu chứng phổ biến của loét thực quản là:
- Đau khi nuốt hoặc khó nuốt
- Đau phía sau xương ức (ợ nóng)
- Dạ dày khó chịu (buồn nôn) và nôn
- Ói ra máu
- Đau ngực.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm loét thực quản?
Trước đây, các bác sĩ cho rằng nguyên nhân gây bệnh viêm loét thực quản là do căng thẳng hoặc ăn nhiều thức ăn cay nóng. Hiện nay, nguyên nhân gây loét thực quản được biết đến không phải vậy mặc dù những yếu tố này có thể làm nặng thêm tình trạng viêm loét sẵn. Thông thường, bệnh loét thực quản gây ra do một loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori, gọi tắt H. pylori. Các vi khuẩn này phá hủy lớp niêm mạc lót lòng thực quản. Điều này làm cho thực quản dễ bị tổn thương bởi axit dạ dày.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể gây ra bệnh viêm loét thực quản. Những người bị GERD thường xuyên bị trào ngược axit dạ dày. Trào ngược axit xảy ra khi dịch dạ dày di chuyển ngược vào thực quản. Điều này có thể xảy ra khi cơ vòng dưới thực quản (cơ có nhiệm vụ co chặt để ngăn thức ăn trong dạ dày di chuyển ngược) bị suy yếu hoặc hư hỏng nên không đóng khít thực quản được. Những người có hội chứng GERD thường bị axit trào ngược hơn hai lần một tuần.
Hút thuốc lá, uống rượu quá nhiều và sử dụng thường xuyên các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như ibuprofen, cũng có thể làm hỏng lớp niêm mạc trong lòng thực quản và gây loét. Yếu tố di truyền cũng góp phần gây bệnh này.
Những người có hệ thống miễn dịch yếu, viêm loét thực quản có thể gây ra bởi vi nấm, virus hoặc các loại vi khuẩn khác, bao gồm:
- HIV
- Nấm Candida phát triển quá mức
- Herpes simplex virus
- Cytomegalovirus
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh loét thực quản?
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của bạn đồng thời tiến hành thăm khám lâm sàng toàn diện. Các xét nghiệm sau có thể được đề nghị:
- Nội soi cao. Kỹ thuật này dùng để kiểm tra bên trong thực quản, cho phép bác sĩ nhìn ra các vết loét. Trong quá trình nội soi, một ống mỏng, dẻo được gắn với một máy quay nhỏ xíu và đèn ở đầu ống soi. Ống nội soi được đặt vào miệng và luồn xuống thực quản. Các bàn chải nhỏ được luồn qua ống nội soi chải nhẹ và làm bong lớp tế bào niêm mạc thực quản. Các dụng cụ khác cũng có thể được đưa vào cùng ống nội soi để lấy mẫu mô nhỏ (sinh thiết). Những mẫu này được gửi đến một phòng thí nghiệm để kiểm tra.
- Uống bari. Uống bari được thực hiện với chụp X-quang thực quản. Kỹ thuật này giúp bác sĩ kiểm tra vết loét bằng cách cho bạn uống một chất lỏng có chứa bari. Bari bao quanh niêm mạc thực quản và hiển thị rõ thực quản trên phim chụp X-quang.
- Xét nghiệm máu. Kiểm tra nhiễm trùng như HSV-1 và CMV trong thực quản. Đối với xét nghiệm máu, một mẫu máu nhỏ được rút ra và gửi đến phòng thí nghiệm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh loét thực quản?
Điều trị bệnh loét thực quản phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu viêm loét thực quản gây ra do nhiễm H. pylori, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu viêm loét thực quản là do sử dụng thuốc NSAIDs quá nhiều, bác sĩ sẽ cho bạn ngưng dùng các thuốc này. Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc giảm đau khác cho bạn.
Bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc chẹn H2 như Zantac hoặc Pepcid để giúp giảm lượng axit trong dạ dày. Họ cũng có thể kê toa thuốc ức chế bơm proton (PPI) để bảo vệ thực quản và giúp vết loét lành lại. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn sự sản xuất axit dạ dày theo một cơ chế khác. Nhóm thuốc ức chế bơm proton bao gồm:
- Lansoprazole (Prevacid)
- esomeprazole (Nexium)
- Pantoprazole (protonix)
- Rabeprazole (Aciphex)
- Omeprazole (Prilosec)
Hãy lắng nghe kỹ các hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể phải uống thuốc nhóm ức chế bơm proton trong một thời gian dài. Tuân thủ tất cả các loại thuốc theo chỉ dẫn và hoàn thành liệu trình kháng sinh để vết loét có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra loét, bạn có thể cần phải dùng thuốc chống nấm hay kháng virus.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh loét thực quản?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với bệnh loét thực quản:
- Tìm cách giảm căng thẳng như tập thể dục hoặc tham gia một lớp yoga
- Ngủ đầy đủ
- Chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các thức ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm có đường
- Ăn nhiều bữa ăn nhỏ
- Nhai kẹo cao su sau bữa ăn để giúp tăng lượng nước bọt và ngăn axit trào vào thực quản
- Giữ tư thế thẳng đứng một vài giờ sau khi ăn
- Tránh rượu
- Uống nhiều nước
- Không hút thuốc lá
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Gắp kịp thời dị vật thực quản dài 2,5cm ra cho người đàn ông ở Tuyên Quang
- Mối quan hệ giữa bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản
- Chứng trào ngược dạ dày thực quản ở bé, những điều bố mẹ cần biết