Định nghĩa
Lỗ tiểu đóng thấp là bệnh gì?
Lỗ tiểu đóng thấp là bệnh bẩm sinh xảy ra khi niệu đạo của bé trai quá ngắn. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể qua dương vật. Khi có tật lỗ tiểu đóng thấp, niệu đạo của bé mở ra trên thân dương vật (thường là phía dưới) thay vì ở trên đầu dương vật.
Tật lỗ tiểu đóng thấp có thể nhẹ hoặc nặng, phụ thuộc vào vị trí niệu đạo mở trên dương vật của bé.
Những ai thường mắc phải lỗ tiểu đóng thấp?
Tật lỗ tiểu đóng thấp là dị tật bẩm sinh ở bé trai có thể gây vô sinh nếu không được chữa trị kịp thời. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của lỗ tiểu đóng thấp là gì?
Dấu hiệu của tật lỗ tiểu đóng thấp là lỗ mở của niệu đạo không nằm ở đầu dương vật. Lỗ mở của niệu đạo thường nằm gần đó nhưng cũng có thể ở giữa hoặc cuối dương vật. Dấu hiệu khác của tật này là dương vật không thẳng khi cương, khi tiểu tiện thấy nước tiểu chảy bất thường. Nếu lỗ mở niệu đạo nằm quá gần gốc dương vật, người bệnh không thể tiểu đứng được.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hầu hết trẻ sơ sinh bị tật lỗ tiểu đóng thấp được chẩn đoán rât sớm ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể bị bỏ sót do quá nhẹ và không thấy các dấu hiệu, triệu chứng xuất hiện. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy lỗ niệu đạo của trẻ không nằm ở đầu dương vật, bao quy đầu không phát triển đầy đủ hoặc dương vật cong xuống.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra lỗ tiểu đóng thấp là gì?
Nguyên nhân gây ra tật lỗ tiểu đóng thấp vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhân tố di truyền, nội tiết và môi trường có thể có liên quan đến dị tật bẩm sinh của bé.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc lỗ tiểu đóng thấp?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị tật lỗ tiểu đóng thấp bao gồm:
- Trong gia đình có người bị tật lỗ tiểu đóng thấp;
- Có mẹ mang thai khi đã hơn 40 tuổi;
- Trong quá trình mang thai, mẹ tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc các chất hóa học như thuốc trừ sâu.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị lỗ tiểu đóng thấp?
Cách điều trị thông thường của tật lỗ tiểu đóng thấp là phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tạo một lỗ mở mới cho niệu đạo ở đầu dương vật. Phẫu thuật tốt nhất và có hiệu quả nhất là thực hiện trong độ tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi. Tuy nhiên phẫu thuật cũng có thể được thực hiện ở người trưởng thành.
Hầu hết các bé trai có thể về nhà trong ngày phẫu thuật và sẽ có một ống thông đường tiểu ở dương vật. Nước tiểu thường có lẫn máu. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Hầu hết ống thông đường tiểu được gỡ ra trong 10 ngày và cần tái khám 2 lần sau khi phẫu thuật.
Nếu lỗ tiểu đóng thấp không được điều trị, những vấn đề về đi tiểu, quan hệ tình dục ở người lớn, hẹp và rò rỉ ở niệu đạo có thể xảy ra.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán lỗ tiểu đóng thấp?
Bác sĩ chẩn đoán từ tiền sử bệnh và khám lâm sàng. Ngoài ra, các bác sĩ khoa tiết niệu có thể thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của lỗ tiểu đóng thấp?
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lỗ tiểu đóng thấp như:
- Nói với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe của trẻ.
- Dùng hai tã lót sau khi phẫu thuật, một để lấy phân và một để lấy nước tiểu từ ống thông nước tiểu.
- Giữ cho dương vật của trẻ sạch sẽ. Nếu phân dính vào vết thương, hãy rửa sạch lại bằng nước.
- Gọi bác sĩ của trẻ ngay nếu sau khi phẫu thuật trẻ bị sốt, mủ chảy ra từ dương vật, không có nước tiểu chảy ra từ dương vật trong hơn 1 tiếng hoặc nước tiểu phun ra từ bất kỳ phần nào của dương vật.
- Đi khám bác sĩ hoặc đến ngay phòng cấp cứu nếu sau khi phẫu thuật trẻ bị chảy máu dương vật không ngừng.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.