Tìm hiểu chung
Lao màng não và hệ thần kinh trung ương là bệnh gì?
Lao màng não và hệ thần kinh trung ương là một bệnh ở hệ thần kinh, gây ra bởi Mycobacterium tuberculosis. Đây là một dạng bệnh lao hiếm gặp, gây tổn thương nặng, thường làm tử vong trong thời kỳ trước khi có thuốc điều trị kháng lao.
Mức độ phổ biến của lao màng não và hệ thần kinh trung ương
Lao màng não và hệ thần kinh trung ương chiếm khoảng 1% trong tất cả các trường hợp bệnh lao, với tỷ lệ tử vong cao. Mức độ đau đớn của tổn thương thần kinh và mức độ ảnh hưởng của bệnh thường không giống nhau ở trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch do nhiễm virus HIV. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao màng não và hệ thần kinh trung ương là gì?
Người lớn bị lao màng não và hệ thần kinh trung ương thường xuất hiện với các triệu chứng viêm màng não điển hình như sốt, nhức đầu và cứng cổ cùng với những thiếu sót thần kinh cục bộ, thay đổi hành vi và thay đổi nhận thức.
Trẻ em bị lao màng não thường có sốt, cứng cổ, co giật và các triệu chứng ở bụng như buồn nôn và nôn. Nhức đầu ít xảy ra hơn so với người lớn. Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, các triệu chứng thần kinh dao động từ thờ ơ, kích động đến hôn mê.
Biểu hiện lâm sàng của u lao não hoặc áp xe não do lao phụ thuộc phần lớn vào vị trí của chúng và bệnh nhân thường xuất hiện với đau đầu, co giật, phù gai thị hoặc có dấu hiệu khác của tăng áp lực nội sọ. Tốc độ phát triển triệu chứng thường được đo bằng tuần đến nhiều tháng với khối u lao não. Biểu hiện của áp xe lao não cấp tính nhanh hơn (1 tuần đến 3 tháng) so với khối u lao nhưng chậm hơn so với sự tấn công của áp xe não mủ (thường kết hợp với sốt, nhức đầu và những thiếu sót thần kinh khu trú).
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra bệnh lao màng não và hệ thần kinh trung ương?
Lao màng não và hệ thống thần kinh trung ương bắt đầu khi Mycobacterium tuberculosis lây lan qua đường máu và cuối cùng đến mô thần kinh, bùng phát vào không gian xung quanh não hoặc tủy sống và gây viêm màng não. Mặt khác, nó có thể tạo ra phản ứng cục bộ, tạo thành một khối u lao trong não.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc lao màng não và hệ thần kinh trung ương?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây lao màng não và hệ thống thần kinh trung ương như:
- Nhiễm HIV
- Suy dinh dưỡng và bệnh sởi gần đây ở trẻ em
- Nghiện rượu, các bệnh lý ác tính và việc sử dụng các chất ức chế miễn dịch ở người lớn.
Chẩn đoán & điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán lao màng não và hệ thần kinh trung ương?
Mặc dù với sự phát triển đầy hứa hẹn của các kỹ thuật chẩn đoán phân tử, việc chẩn đoán bệnh lao màng não và hệ thần kinh trung ương chủ yếu dựa vào các phương pháp vi sinh không nhạy cảm, do vậy việc chẩn đoán bệnh vẫn còn là một thách thức lớn. Xét nghiệm thông thường dùng để chẩn đoán tình trạng này bao gồm:
- Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) với tăng cường gadolinium
- X-quang
- Chụp CT não tăng cường độ tương phản
- Siêu âm não
- Chụp CT đơn phóng xạ photon với hexamethylpropyleneamine oxim (HMPAO)
- Chụp mạch máu não
Những phương pháp nào dùng để điều trị lao màng não và hệ thần kinh trung ương?
Việc điều trị có thể bắt đầu với isoniazid (10-20mg/kg/ngày lên đến 300mg), rifampicin (10-20mg/kg/ngày, lên đến 600mg/ngày) và pyrazinamid (15-30mg/kg/ngày, lên đến 2g ngày).
Bạn nên được theo dõi nhiễm độc gan do rifampicin vì có đến 20% bệnh nhân được quan sát thấy bị nhiễm độc gan.
Ethambutol hoặc streptomycin có thể được bổ sung nếu đáp ứng không thỏa đáng. Thời gian điều trị ít nhất 6 tháng và trong một số trường hợp bắt buộc lên đến 12 tháng.
Các phác đồ tối ưu cho việc điều trị bệnh lao màng não và hệ thần kinh trung ương do mycobacteria không điển hình ở những người bị nhiễm HIV chưa được thiết lập. Khuyến nghị hiện tại bao gồm sử dụng azithromycin (500–100mg/ngày) và clarithromycin (500–1.000mg/ngày) kết hợp với ethambutol (15mg/kg/ngày) hoặc clofazimine (100mg/ngày). Phác đồ thay thế bao gồm việc sử dụng ciprofloxacin và rifampicin. Bệnh nhân nhiễm HIV có thể gia tăng đáng kể các phản ứng bất lợi với điều trị thuốc kháng lao.
Vai trò của corticosteroid
Một trong những khía cạnh gây tranh cãi trong điều trị lao màng não là việc sử dụng corticosteroid. Người ta tin rằng corticosteroid không nên dùng trong công tác quản lý lao màng não vì thuốc không làm thay đổi kết quả lâm sàng, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng corticosteroid cải thiện cả hai tỷ lệ sống và cải thiện về thần kinh ở bệnh nhân bị lao màng não.
Điều trị prednisolone (60mg/ngày ở người lớn và 1–3mg/kg/ngày ở trẻ em) được đề nghị ở những bệnh nhân bị lao màng não với một hoặc nhiều dấu hiệu.
Liều lượng có thể giảm 50% trong tuần thứ 2 và thứ 3. Sau đó, liều giảm dần dần trong vòng 4 tuần tiếp theo và bạn không cần được tiêm corticosteroid vào vỏ não.
Lập luận chính chống lại việc sử dụng corticosteroid là chúng giảm viêm màng não nhưng lại ảnh hưởng đến sự thâm nhập thuốc kháng lao. Tuy nhiên, trong một thử nghiệm lâm sàng trong đó tám bệnh nhân được điều trị bằng isoniazid, rifampicin, streptomycin và pyrazinamid, kết hợp với corticosteroid (dexamethasone, 5mg tiêm tĩnh mạch mỗi giờ trong tuần đầu tiên, tiếp theo là uống prednisolone 60mg hàng ngày), việc sử dụng corticosteroid không làm giảm nồng độ của bất kỳ các loại thuốc kháng lao trong dịch não tủy.
Tình trạng xấu đi không lường trước
Quan sát thường thấy u lao nội sọ xuất hiện hoặc tăng kích thước không mong muốn khi bệnh nhân đang được điều trị lao màng não. Các tổn thương này thường phát hiện tình cờ khi theo dõi chụp CT, được thực hiện thường xuyên hoặc khi có dấu hiệu thần kinh mới phát triển trong quá trình điều trị kháng lao. Một nghiên cứu gần đây lưu ý rằng khoảng 8% bệnh nhân phát triển u lao não không có triệu chứng trong tháng đầu điều trị. Điều trị phối hợp với steroid có thể phòng ngừa chống lại những tổn thương cục bộ. U to lên bất thường cũng quan sát thấy trong u lao nội sọ bị cô lập trong khi bệnh nhân đang điều trị với thuốc kháng lao. Tuy nhiên, nếu bạn kiên trì điều trị, cuối cùng u lao não sẽ được xử lý.
Phẫu thuật
Các thủ thuật phẫu thuật ở những bệnh nhân bị lao màng não chủ yếu hướng đến việc điều trị não úng thủy. Chọc dịch não tủy nối tiếp, cùng với thuốc lợi tiểu và các chất thẩm thấu là các biện pháp rất hữu ích tạm thời để giảm bớt áp lực nội sọ, do đó có thể ngăn ngừa sự phát triển não úng thủy. Nếu các bước tạm thời thất bại, phương pháp bắc cầu não thất–màng bụng hoặc não thất–tâm nhĩ có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của tràn dịch não và có thể cải thiện đáng kể các chức năng cảm giác và thiếu sót thần kinh. Nói chung, bắc cầu thường được cho là cách an toàn, có thể được thực hiện ngay khi bệnh đang ở giai đoạn hoạt động, bắc cầu sớm kết hợp với điều trị bằng thuốc có thể cho kết quả điều trị tốt nhất.
U lao nội sọ nên được phẫu thuật cắt bỏ. Nếu u lao hoàn toàn được loại bỏ, khoảng 80% bệnh nhân phục hồi lâu dài, đặc biệt nếu họ được điều trị trong giai đoạn đầu của bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý lao màng não và hệ thần kinh trung ương?
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 13 liệu pháp thảo mộc hữu ích cho bệnh lao ở trẻ em
- Bệnh lao: thực trạng lây nhiễm ở Việt Nam
- Nhận biết và phòng ngừa bệnh lao