Tìm hiểu chung
Khối u đốt sống là gì?
Khối u đốt sống là những khối u phát triển trong ống đốt sống của cột sống. Khi các khối u phát triển, chúng có thể làm thay đổi ống tủy sống và gây ra các vấn đề nghiêm trọng, ngay cả khi chúng không phải là các khối ung thư.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của khối u đốt sống là gì?
Do các đốt sống trong cột sống không giống nhau và kích thước của các khối u cũng rất khác nhau, những dấu hiệu và triệu chứng của một khối u đốt sống có thể khác nhau ở mỗi người. Một số triệu chứng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân có khối u trong ống đốt sống. Những triệu chứng này có thể bao gồm:
- Đau tại vị trí khối u trong cột sống.
- Đau lan tỏa trong cột sống.
- Suy yếu cơ ở cánh tay hoặc chân.
- Mất xúc giác hoặc cảm giác ở tay, chân, bàn tay và bàn chân.
- Dáng đi gượng gạo hoặc đi bộ khó khăn.
- Mất chức năng ruột hoặc bàng quang.
- Giảm độ nhạy cảm đau ở các khu vực.
- Thay đổi mức độ tê liệt do vấn đề chèn ép dây thần kinh.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra khối u đốt sống?
Các khối u đốt sống rất hiếm gặp và không rõ nguyên nhân gây ra bệnh. Các chuyên gia nghi ngờ rằng gen khiếm khuyết có liên quan đến bệnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính xác về việc gen khiếm khuyết gây ra u đốt sống. Bệnh có thể gây ra bởi các yếu tố khác từ môi trường, như tiếp xúc với một số hóa chất nhất định.
Hầu hết các khối u đốt sống là di căn, có nghĩa là chúng lây lan từ các khối u ở các bộ phận khác trong cơ thể. Bất cứ loại ung thư nào cũng có thể di căn đến cột sống, nhưng các khối u phổ biến di căn đến cột sống là từ vú, phổi và tuyến tiền liệt. Ung thư xương như đa u tủy cũng có thể lây lan đến cột sống.
Khối u đốt sống cũng phổ biến hơn ở những người từng bị bệnh ung thư trước đây.
Chẩn đoán & Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán khối u đốt sống?
Các khối u đốt sống đôi khi bị bỏ qua do các triệu chứng của nó tương tự như các triệu chứng gây ra do những tình trạng bệnh lý phổ biến hơn. Vì lý do đó, bác sĩ cần thu thập bệnh sử y tế hoàn chỉnh, khám thực thể tổng quát và khám thần kinh kỹ lưỡng. Nếu bác sĩ nghi ngờ một khối u đốt sống, họ sẽ chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để giúp xác định chẩn đoán và chỉ ra vị trí của khối u:
- Chụp cộng hưởng từ cột sống (MRI). MRI sử dụng một từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh chính xác về cột sống, tủy sống và dây thần kinh. MRI thường là xét nghiệm phổ biến trong chẩn đoán khối u đốt sống. Một chất cản quang giúp làm nổi bật các mô và cấu trúc nhất định có thể được tiêm vào tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cẳng tay trong thời gian thử nghiệm. Một số người có thể cảm thấy ngột ngạt bên trong máy chụp MRI hoặc lo lắng với các tiếng động lớn. Bạn có thể mang nút tai, xem tivi hoặc đeo tai nghe để giảm thiểu tiếng ồn. Thuốc an thần nhẹ thường được sử dụng để giảm lo âu và chứng sợ không gian chật hẹp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Xét nghiệm này sử dụng một chùm tia phóng xạ hẹp để tạo ra hình ảnh chi tiết của cột sống. Đôi khi, chụp CT có kết hợp với tiêm chất cản quang để nhìn rõ hơn các thay đổi bất thường trong ống cột sống hoặc tủy sống. Chụp CT có thể được kết hợp với chụp MRI.
- Sinh thiết. Thông thường, cách duy nhất để xác định loại khối u là kiểm tra mẫu mô nhỏ (sinh thiết) dưới kính hiển vi. Kết quả sinh thiết sẽ giúp xác định các lựa chọn điều trị. Phương pháp sử dụng để lấy mẫu sinh thiết có thể quyết định sự thành công của kế hoạch điều trị tổng thể. Bạn nên thảo luận kỹ lưỡng các cách sinh thiết với bác sĩ và đội ngũ phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn. Hầu hết các trường hợp, một kỹ thuật viên X-quang sẽ tiến hành sinh thiết với một kim tiêm sắc nhằm hút một lượng nhỏ tế bào, thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn của X-quang hoặc hình ảnh CT.
Những phương pháp nào dùng để điều trị khối u đốt sống?
Mục tiêu điều trị lý tưởng là loại bỏ hoàn toàn khối ung thư đốt sống. Điều này có thể trở nên phức tạp do nguy cơ tổn thương vĩnh viễn tủy sống hoặc dây thần kinh xung quanh. Các bác sĩ cũng phải cân nhắc đến tuổi, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, các loại khối u, đánh giá khối u nguyên phát hay đã lan rộng hoặc di căn đến cột sống từ những nơi khác trong cơ thể.
Lựa chọn điều trị cho hầu hết các khối u cột sống bao gồm:
Giám sát
Một số khối u có thể được phát hiện trước khi chúng gây ra các triệu chứng, thường là khi được khám để đánh giá các tình trạng khác. Nếu khối u nhỏ không phải ung thư và không phát triển hoặc gây chèn ép vào các mô xung quanh, bác sĩ chỉ theo dõi chúng cẩn thận. Điều này đặc biệt đúng ở người lớn tuổi không chịu được các ra rủi ro gây ra do phẫu thuật hoặc xạ trị. Trong thời gian giám sát, bác sĩ có thể khuyên chụp CT hoặc MRI định kỳ theo khoảng thời gian thích hợp để theo dõi khối u.
Phẫu thuật
Cách này thường là lựa chọn điều trị cho các khối u có thể được loại bỏ với nguy cơ chấn thương tủy sống và dây thần kinh có thể chấp nhận được. Các kỹ thuật và công cụ mới cho phép phẫu thuật lấy những khối u đã từng được coi là không thể tiếp cận. Đôi khi, bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng kính hiển vi công suất cao trong vi phẫu để phân biệt khối u với các mô khỏe mạnh dễ dàng hơn. Bác sĩ cũng có thể giám sát các chức năng của tủy sống và dây thần kinh quan trọng khác trong quá trình phẫu thuật, do đó giảm thiểu nguy cơ bị chấn thương. Trong một số trường hợp, kết quả siêu âm có thể được sử dụng trong phẫu thuật để phá vỡ các khối u và loại bỏ các mảnh vỡ. Tuy nhiên, ngay cả với những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật và công nghệ, không phải tất cả các khối u đều được loại bỏ hoàn toàn.
Đôi khi, xạ trị, hóa trị hoặc cả hai được thực hiện sau phẫu thuật. Phục hồi sau phẫu thuật cột sống có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào các thủ thuật hoặc các biến chứng như chảy máu và tổn thương mô thần kinh.
Xạ trị
Cách này có thể được sử dụng sau phẫu thuật để loại bỏ các tàn dư của các khối u mà không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, xử lý các khối u không mổ được hoặc xử lý các khối u ở vị trí mà phẫu thuật là quá mạo hiểm. Đây cũng có thể là liệu pháp đầu tiên đối với một số khối u đốt sống. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giảm đau khi phẫu thuật là quá mạo hiểm. Thuốc có thể giúp giảm bớt một số tác dụng phụ của xạ trị như buồn nôn và nôn.
Đôi khi, chế độ xạ trị có thể được điều chỉnh để giúp ngăn ngừa thiệt hại bởi bức xạ cho các mô xung quanh và tăng hiệu quả điều trị. Điều chỉnh có thể dao động từ đơn giản (thay đổi liều lượng bức xạ) đến việc sử dụng các kỹ thuật phức tạp (như bức xạ 3D theo hình dạng khối u).
Một loại xạ trị chuyên biệt được gọi là liệu pháp tia proton cũng có thể được sử dụng để điều trị một số loại u đốt sống như u nguyên sống, u mô liên kết sụn và một số bệnh ung thư ở trẻ em khi xạ trị tủy sống là bắt buộc. Điều trị tia proton có thể nhắm tia proton phóng xạ vào mục tiêu tại vị trí khối u tốt hơn mà không làm tổn hại đến các mô xung quanh như trong xạ trị truyền thống.
Xạ trị nhắm đích (SRS)
Phương pháp này không thực sự là phẫu thuật, cung cấp liều phóng xạ nhắm mục tiêu một cách chính xác. Trong xạ trị nhắm đích, các bác sĩ sử dụng máy tính để tập trung chùm tia phóng xạ vào khối u với độ chính xác cao và từ nhiều góc độ.
Có nhiều loại công nghệ khác nhau được sử dụng trong xạ phẫu để cung cấp tia phóng xạ nhắm đích trong điều trị các khối u đốt sống.
Xạ trị nhắm đích có một số giới hạn nhất định về kích cỡ và loại hình cụ thể của các khối u có thể được điều trị. Với các trường hợp thích hợp, phương pháp này khá hiệu quả. Các nghiên cứu ngày càng hỗ trợ việc sử dụng phương pháp này trong điều trị các khối u cột sống.
Tuy nhiên, có một số rủi ro như tăng nguy cơ gãy xương đốt sống. Cần thêm các nghiên cứu để xác định kỹ thuật, liều bức xạ và lịch trình xạ trị nhắm đích tốt nhất cho việc điều trị các khối u đốt sống.
Hóa trị
Hóa trị là điều trị tiêu chuẩn cho nhiều loại ung thư, hóa trị liệu sử dụng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển. Bác sĩ có thể xác định hóa trị có mang lại lợi ích khi dùng đơn thuần hoặc kết hợp với các liệu pháp khác cho từng bệnh nhân.
Tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tăng nguy cơ nhiễm trùng và rụng tóc.
Các loại thuốc khác
Do phẫu thuật và xạ trị cũng như bản thân khối u có thể gây ra tình trạng viêm bên trong tủy sống, bác sĩ đôi khi kê toa corticosteroid để giảm sưng sau phẫu thuật hoặc trong quá trình xạ trị.
Mặc dù corticosteroid giảm viêm, chúng chỉ thường sử dụng trong một thời gian ngắn để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng như yếu cơ, loãng xương, huyết áp cao, tiểu đường và tăng khả năng bị nhiễm trùng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý khối u đốt sống?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với khối u đốt sống:
- Tìm hiểu tất cả về khối u đốt sống cụ thể liên quan đến bạn. Viết ra những câu hỏi và mang theo khi hẹn khám bác sĩ. Khi bác sĩ giải đáp các thắc mắc, hãy ghi chú hoặc nhờ bạn bè hay gia đình đi cùng ghi chép lại. Bạn và gia đình của bạn càng biết và hiểu về cách chăm sóc, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi cần đưa ra quyết định điều trị.
- Nhận được hỗ trợ. Tìm một người bạn có thể chia sẻ cảm xúc và mối quan tâm của bạn. Bạn có thể có một người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình là người biết lắng nghe.
- Chăm sóc bản thân. Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc bất cứ khi nào có thể. Kiểm tra với bác sĩ để xem khi nào bạn có thể bắt đầu tập thể dục. Ngủ đủ giấc có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái. Hãy giảm các căng thẳng trong cuộc sống bằng cách dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như nghe nhạc hoặc viết nhật ký.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 8 nguyên nhân khiến bệnh viêm cột sống dính khớp nặng hơn
- Thực hư về hiệu quả của châm cứu trong điều trị thoái hóa cột sống
- Điều trị không phẫu thuật dành cho bệnh nhân vẹo cột sống