Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Hội chứng Sheehan

Tìm hiểu chung

Hội chứng Sheehan là gì?

Hội chứng Sheehan là một tình trạng ảnh hưởng đến những phụ nữ bị mất một lượng máu lớn đe dọa tính mạng trong khi sinh con hoặc những người có huyết áp cực thấp trong hoặc sau khi sinh con, gây ra thiếu oxy trầm trọng. Trong hội chứng Sheehan, thiếu oxy có thể làm tổn thương tuyến yên.

Hội chứng Sheehan làm tuyến yên không sản xuất đủ hormone tuyến yên (suy tuyến yên). Còn được gọi là suy tuyến yên sau sinh, hội chứng Sheehan hiếm gặp ở các nước công nghiệp phát triển, nhờ vào việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sản khoa. Tuy nhiên, đây là một mối đe dọa lớn đối với phụ nữ ở các nước đang phát triển.

Mức độ phổ biến của hội chứng Sheehan

Tỷ lệ người mắc hội chứng Sheehan không được biết rõ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sheehan?

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng Sheehan là:

  • Ít sữa hoặc không có sữa cho con bú
  • Không có chu kỳ kinh nguyệt (vô kinh) hoặc kinh nguyệt không thường xuyên (kinh nguyệt thưa)
  • Lông mu không mọc lại sau khi cạo
  • Chức năng tâm thần chậm, tăng cân và khó giữ ấm do tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp)
  • Huyết áp thấp (hạ huyết áp)
  • Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim bất thường
  • Vú co rút lại

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sheehan thường xuất hiện chậm, sau một vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, đôi khi vấn đề xuất hiện ngay lập tức như không có khả năng cho con bú.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sheehan xảy ra do có quá ít hormone tuyến yên để điều khiển: tuyến giáp, tuyến thượng thận, sản xuất sữa mẹ và các hormone liên quan đến chức năng kinh nguyệt.

Đối với nhiều phụ nữ, các triệu chứng của hội chứng Sheehan không đặc hiệu và thường bị nghi ngờ gây ra bởi các nguyên nhân khác. Ví dụ như mệt mỏi luôn được cho là do mới sinh con. Bệnh nhân có thể không nhận ra mình có hội chứng Sheehan cho đến khi họ cần điều trị tuyến giáp hoặc suy thượng thận.

Hội chứng này cũng có thể không biểu hiện triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của tuyến yên. Một số phụ nữ không biết tuyến yên của họ hoạt động không đúng trong nhiều năm cho đến khi họ bị một căng thẳng cực độ về thể chất như nhiễm trùng nặng hoặc phẫu thuật, kích hoạt bệnh lý ở tuyến thượng thận.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng Sheehan?

Hội chứng Sheehan là do mất máu nặng hoặc huyết áp rất thấp trong hoặc sau khi sinh con. Mất máu khi chuyển dạ có thể đặc biệt gây tổn hại đến tuyến yên, là tuyến phồng to lên trong khi mang thai. Thiệt hại này phá hủy các mô sản xuất hormone, do đó tuyến yên không hoạt động đúng. Những phụ nữ mang thai bội (cặp song sinh, sinh ba…) và những người có vấn đề với nhau thai có nguy cơ chảy máu cao trong khi sinh và mắc hội chứng Sheehan.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Sheehan?

Bất kỳ tình trạng làm tăng nguy cơ mất máu nghiêm trọng (xuất huyết) hoặc huyết áp thấp trong khi sinh như có nhiều thai hoặc gặp vấn đề với nhau thai, đều có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Sheehan.

Xuất huyết là một biến chứng hiếm gặp và hội chứng Sheehan thậm chí còn hiếm gặp hơn. Cả hai rủi ro này được giảm đáng kể với việc chăm sóc thích hợp và theo dõi trong giai đoạn chuyển dạ và sinh nở.

Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng Sheehan?

Chẩn đoán hội chứng Sheehan có thể khó khăn. Nhiều triệu chứng tương tự có trong những tình trạng khác. Để chẩn đoán hội chứng Sheehan, bác sĩ cần:

  • Tìm hiểu kỹ bệnh sử. Ghi nhận tất cả các biến chứng khi sinh con bạn đã có, bất kể thời gian nào. Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn không có sữa cho con bú hay không có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh, đây là hai dấu hiệu quan trọng của hội chứng Sheehan.
  • Làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone tuyến yên.
  • Đề nghị kiểm tra kích thích tố tuyến yên. Bạn có thể cần làm xét nghiệm thử kích thích hormone tuyến yên, là cách tiêm các hormone và làm các xét nghiệm máu lặp đi lặp lại để xem các phản hồi của tuyến yên. Xét nghiệm này thường được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về rối loạn hormone (bác sĩ nội tiết).
  • Chẩn đoán hình ảnh. Chụp MRI hoặc CT để kiểm tra kích thước của tuyến yên và tìm kiếm các lý do khác có thể gây ra các triệu chứng như một khối u tuyến yên.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng Sheehan?

Điều trị bao gồm việc thay thế các hormone được sản xuất bởi tuyến yên. Sau đây là các lựa chọn tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân:

  • Estrogen đơn lẻ (nếu tử cung đã được cắt) hoặc estrogen và progesterone kết hợp. Phương pháp này nên được thực hiện ít nhất cho đến thời kỳ mãn kinh tự nhiên.
  • Levothyroxin thay thế hormone kích thích tuyến giáp. Cách này cần được sử dụng suốt đời.
  • Corticosteroid để thay thế hormone thượng thận. Cách này cần được sử dụng suốt đời.

Hormone tăng trưởng cũng có thể được đề nghị. Hormone này giúp quân bình tỉ trọng giữa cơ và chất béo trong cơ thể, duy trì mật độ xương, giảm cholesterol và / hoặc nâng cao chất lượng sống tổng thể.

Nồng độ của các hormone cần được theo dõi thường xuyên và có thể được điều chỉnh định kỳ dựa trên các yếu tố như mức độ căng thẳng, bệnh tật, mang thai hoặc những thay đổi về trọng lượng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng Sheehan?

Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Kinh nguyệt không đều sau sinh có đáng lo?
  • Ngực sau sinh thay đổi nhiều và giải đáp thắc mắc thường gặp
  • Đừng lo lắng quá khi bạn bị trĩ sau sinh