Tìm hiểu chung
Hẹp eo động mạch chủ là bệnh gì?
Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ bị hẹp bất thường. Chỗ hẹp thường nằm ở vị trí các mạch máu nhánh đến đầu và hai cánh tay. Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất nằm bên trái tim. Từ động mạch chủ, các động mạch nhánh nhỏ hơn dẫn máu và oxi từ tim đi nuôi cơ thể.
Nếu không được chữa trị, hẹp eo động mạch chủ sẽ hạn chế dòng chảy của máu ra khỏi tim. Tim sẽ phải co bóp mạnh hơn để đảm bảo lượng máu cho cơ thể, dẫn đến huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột quỵ.
Những ai thường mắc phải hẹp eo động mạch chủ?
Hẹp eo động mạch chủ là bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên, bệnh thường được phát hiện khi người bệnh lớn lên tùy vào mức độ hẹp của động mạch mỗi người. Ở một số trường hợp hiếm, hẹp động mạch chủ cũng xảy ra với người lớn. Bệnh có thể chữa lành, nhưng vẫn cần theo dõi bệnh sau khi điều trị.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hẹp eo động mạch chủ là gì?
Mức độ của bệnh sẽ tùy vào động mạch bị hẹp nhiều hay ít. Hẹp eo động mạch chủ nếu không quá nghiêm trọng thì sẽ không có triệu chứng trong thời gian đầu của bệnh. Nếu bệnh nghiêm trọng, người bệnh sẽ có các triệu chứng như chóng mặt, khó thở, đau ngực, lạnh chân, chuột rút ở chân (thường xuất hiện khi vận động) hoặc chảy máu mũi.
Nếu động mạch quá hẹp, máu sẽ chuyển hướng sang các động mạch nhỏ hơn kế bên và làm các mạch này lớn lên. Nếu quan sát từ sau lưng có thể nhìn thấy các mạch này.
Nếu không được chữa trị kịp thời, một số trướng hợp sẽ dẫn đến tử vong.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hẹp eo động mạch chủ là bệnh bẩm sinh và ở trường hợp nhẹ sẽ không có triệu chứng. Tuy nhiên ở trường hợp nặng hơn sẽ biểu hiện một số triệu chứng. Nếu con bạn hoặc bạn cảm thấy đau thắt ngực dữ dội, đột ngột thở gấp, ngất hoặc huyết áp cao không rõ nguyên nhân, bạn nên sắp xếp đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hẹp eo động mạch chủ là gì?
Hẹp eo động mạch chủ là dị tật tim bẩm sinh xuất hiện từ trước khi trẻ ra đời. Trường hợp các trẻ mắc các dị tật tim khác như van động mạch chủ 2 lá thay vì 3 lá, thông liên thất (ở thành giữa của tim có 1 lỗ hở) cũng sẽ dễ bị hẹp eo động mạch chủ.
Ở một số trường hợp hiếm, hẹp động mạch chủ cũng xảy ra với người lớn sau khi gặp tai nạn hoặc chấn thương nghiêm trọng. Mộ số trường hợp hiếm khác như do xơ động mạch hoặc viêm động mạch làm bán kính động mạch nhỏ lại.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hẹp eo động mạch chủ?
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh hẹp eo động mạch chủ là các dị tật tim bẩm sinh như:
- Van động mạch chủ 2 lá thay vì 3 lá.
- Do ống động mạch. Ống động mạch nối động mạch phổi trái với động mạch chủ để đưa máu đến phổi. Ngay sau khi trẻ được sinh ra, ống động mạch của trẻ sẽ đóng lại. Ống động mạch vẫn còn mở sau khi trẻ được sinh ra gọi là dị tật còn ống động mạch.
- Hẹp van động mạch chủ.
- Hẹp van 2 lá.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh hẹp eo động mạch chủ?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào các triệu chứng như:
- Âm thổi của tim;
- Chênh lệch huyết áp (huyết áp ở tay cao hơn ở chân);
- Mạch yếu ở bẹn, chân và ở bàn chân.
Các xét nghiệm sẽ được thực hiện bao gồm:
- Đo điện tâm đồ;
- Chụp X-quang ngực;
- Siêu âm tim;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI);
- Đặt ống thông tim và chụp X-quang động mạch chủ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp eo động mạch chủ?
Nếu bị hẹp eo động mạch chủ, bạn cần được phẫu thuật kết hợp dùng thuốc điều trị tăng huyết áp. Bạn phải ở bệnh viện trong nhiều ngày cho cuộc đại phẫu này.
Trong biện pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần mạch bị hẹp và nối các phần bình thường lại. Một thủ thuật khác là dùng các mảnh ghép thay thế chỗ mạch không bình thường. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng một phần mô của động mạch để ghép rộng phần mạch bị hẹp.
Nếu hẹp eo động mạch chủ tái phát sau khi chữa trị hoặc trẻ bị hẹp eo động mạch chủ ngày càng nặng, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật nong mạch. Trong thủ thuật này, một thiết bị nhỏ như bong bóng sẽ chậm chậm được bơm vào để nới rộng phần mạch bị hẹp. Một ống thông nhỏ dạng lưới (stent) có thể được đặt vào chỗ hẹp để giúp mạch máu mở ra. Cách điều trị này không để lại nhiều sẹo lớn và thời gian phục hồi ngắn.
Người bệnh nên được theo dõi định kỳ vì mạch máu có thể bị hẹp lại sau khi được điều trị,
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hẹp eo động mạch chủ?
Những thói quen sinh hoạt dưới đây có thể giúp bệnh hẹp eo động mạch chủ được hạn chế:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Vận động thường xuyên. Bạn nên hỏi bác sĩ về mức độ bài tập thể dục mà bạn nên tập.
- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không nên phớt lờ bất kỳ triệu chứng nào của cơ thể.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được có giải đáp tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Phục hồi van động mạch chủ
- Bất ngờ với những nguyên nhân gây đau tim kỳ lạ
- 6 cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim