Định nghĩa
Bệnh hay quên (đãng trí) là bệnh gì?
Hay quên, còn được gọi là bệnh đãng trí có thể là một phần bình thường của sự lão hóa. Khi lớn tuổi, những thay đổi xảy ra trong tất cả các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả não bộ. Một số người phải mất nhiều thời gian hơn để ghi nhớ hoặc hay quên những việc họ đã làm. Đây thường là dấu hiệu của sự lãng quên nhẹ, không phải vấn đề nghiêm trọng.
Hay quên cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh Alzheimer hoặc các bệnh lý khác.
Những ai thường mắc phải bệnh hay quên (đãng trí)?
Những người thường mắc bệnh đãng trí phần lớn là người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh hay quên hiện nay còn gặp ở cả những người trẻ tuổi. Một số bệnh nhân là những người từng bị chấn thương vùng đầu và sang chấn tâm lý nặng, trong đó, bệnh nhân nữ nhiều hơn bệnh nhân nam.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hay quên (đãng trí) là gì?
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hay quên có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy từng trường hợp.
Các triệu chứng của bệnh hay quên có thể là: người bệnh thường xuyên hỏi những câu giống nhau và bị lạc ở những nơi quen thuộc. Người bệnh không thể ghi nhớ và làm theo các hướng dẫn, bị mất phương hướng về thời gian, con người và địa điểm. Họ cũng ít quan tâm đến sự an toàn, vệ sinh và dinh dưỡng của bản thân.
Người mắc bệnh hay quên có những thay đổi nghiêm trọng về trí nhớ, nhân cách và hành vi, nặng hơn có thể bị mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí nhớ nhồi máu đa dạng. Bệnh này còn được gọi là bệnh lú lẫn do tai biến mạch máu não.
Ở bệnh Alzheimer, các triệu chứng bắt đầu chậm rãi và trở nên nặng hơn. Ở bệnh sa sút trí nhớ nhồi máu đa dạng, những cơn đột quỵ nhỏ hoặc những thay đổi trong việc truyền máu cho não có thể làm cho những triệu chứng bắt đầu đột ngột. Bệnh cao huyết áp có thể gây ra sự sa sút trí nhớ này.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hay quên là tình trạng lão hóa bình thường ở người lớn tuổi, nhưng nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào, bạn nên đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ tư vấn để được hướng dẫn cụ thể. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh về thần kinh và cần phải chữa trị, bạn nên nghe theo lời khuyên cùng chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh hay quên (đãng trí) là gì?
Chức năng ghi nhớ của não bộ rất phức tạp và tham gia vào hầu hết tất cả hoạt động khác của não. Do đó, bất kỳ chấn thương nào ảnh hưởng đến đầu và sọ não đều có thể làm trí nhớ bị gián đoạn hoặc xáo trộn.
Bệnh hay quên có thể là hậu quả của tổn thương cấu trúc hệ thống bán tín của não (hệ thống này kiểm soát cảm xúc và ký ức của bạn). Bệnh hay quên gây ra do tổn thương sọ não được gọi là bệnh hay quên thần kinh. Những tổn thương sọ não bao gồm:
- Đột quỵ;
- Bệnh Alzheimer;
- Bệnh động kinh;
- Có khối u hoặc nhiễm trùng ở não, hoặc cục máu đông trong não;
- Thiếu oxy lên não hoặc nhiễm độc khí CO;
- Viêm não do vi khuẩn Herpes, do ung thư hoặc rối loạn tự miễn chống ung thư;
- Nghiện rượu mãn tính dẫn đến chứng Wernicke-Korsakoff (chứng thiếu vitamin B1).
Tác dụng phụ của thuốc, thiếu vitamin B12, có thể gây mất trí nhớ.
Một số nguyên nhân khác gây ra bệnh hay quên bao gồm: rối loạn tuyến giáp, thận, gan.
Vấn đề tình thần, chẳng hạn như căng thẳng, lo âu, hay trầm cảm, có thể làm cho một người dễ mắc bệnh hay quên hơn và có thể bị nhầm lẫn với chứng mất trí. Ví dụ, một người gần đây đã nghỉ hưu hoặc những người đang phải đối mặt với cái chết của người thân hoặc bạn bè có thể cảm thấy buồn, cô đơn hay lo lắng.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay quên (đãng trí)?
Nguy cơ mắc bệnh hay quên sẽ càng tăng nếu bạn:
- Bị chấn thương vùng đầu, sọ não;
- Đột quỵ;
- Nghiện rượu;
- Bị động kinh.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh hay quên (đãng trí)?
Bệnh đãng trí do lão hóa không cần điều trị. Tập thể dục trí não, tìm thú vui hoặc sở thích mới, tham gia vào nhiều hoạt động sẽ giúp trí óc nhanh nhẹn. Việc hạn chế lượng cồn sử dụng có thể ngăn ngừa tổn thương não.
Người bệnh có thể áp dụng các phương pháp như: lên kế hoạch, lập danh sách những việc cần làm, sử dụng giấy ghi chú, lịch và các dụng cụ hỗ trợ trí nhớ. Gia đình và bạn bè có thể giúp người bệnh giữ các thói quen hằng ngày, hoạt động và liên lạc xã hội.
Căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm có thể khiến người ta hay quên. Nếu những cảm xúc này kéo dài, việc điều trị có thể bao gồm thêm tư vấn, sử dụng thuốc hoặc cả hai.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer ở giai đoạn đầu và giai đoạn giữa, thuốc có thể ngăn các triệu chứng trở nên xấu đi.
Bệnh nhân sa sút trí nhớ nhồi máu đa dạng nên phòng chống các cơn đột quỵ.
Kiểm soát tình trạng cao huyết áp, cao cholesterol và tiểu đường, không hút thuốc có thể ngăn ngừa các cơn đột quỵ.
Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc để điều trị các vấn đề về tình trạng kích động nhẹ, lo lắng, trầm cảm hoặc mất ngủ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh hay quên (đãng trí)?
Bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh lý, thực hiện kiểm tra sức khoẻ, thần kinh và tâm thần. Bác sĩ có thể làm các xét nghiệm kiểm tra máu, nước tiểu, trí nhớ, kĩ năng giải quyết vấn đề, đếm số và ngôn ngữ. Trong những trường hợp đặc biệt, chụp cắt lớp não vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ não (MRI) hoặc chụp cắt lớp positron (PET) có thể giúp bác sĩ loại trừ những rối loạn hoặc thay đổi khác của việc lão hóa.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hay quên (đãng trí)?
Những thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh hay quên:
- Thường xuyên đi khám bác sĩ;
- Tập thể dục trí óc bằng cách phát triển thú vui và sở thích mới;
- Lập danh sách những việc cần làm, sử dụng giấy ghi chú, lịch và các dụng cụ hỗ trợ trí nhớ khác.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.