Gãy xương trụ là một chấn thương thường gặp, đặc biệt là khi té ngã chống tay xuống đất. Cùng với xương quay, xương trụ là một trong hai xương của cánh tay và góp phần tạo nên khớp cổ tay, khớp khuỷu. Hai khớp này giúp cho chuyển động của cổ tay, cánh tay linh hoạt và tinh tế. Gãy xương trụ kín thường được điều trị bảo tồn bằng cách bó bột 8 tuần, đồng thời nếu có tình trạng trật khớp xảy ra, người bệnh sẽ được nắn xương cùng lúc.
Tìm hiểu chung
Gãy xương trụ là bệnh gì?
Gãy xương trụ là một tình trạng tương đối phổ biến, khi xương trụ của cẳng tay bị gãy.
Trong một vài trường hợp tai nạn như té ngã, những áp lực tác động lên xương trụ vượt ra ngoài khả năng mà xương có thể chịu đựng, dẫn đến tình trạng gãy.
Gãy xương trụ phổ biến ở người cao tuổi (đặc biệt là những người dễ té ngã), nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân trẻ tuổi hoặc vận động viên. Thông thường, gãy xương trụ thường đi kèm với trật khớp cổ tay/khuỷu, gãy xương quay, các chấn thương khác ở bàn tay, cổ tay hoặc cẳng tay.
Những trường hợp gãy xương trụ có thể khác nhau về vị trí gãy, mức độ nghiêm trọng và loại gãy, bao gồm gãy nứt xương, gãy do áp lực, gãy mỏm lồi cầu, gãy mỏm khuỷu, gãy di lệch, gãy không di lệch, gãy cành tươi, gãy vụn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương trụ?
Bệnh nhân bị gãy xương trụ thường có cơn đau đột ngột, dữ dội ở cẳng tay hoặc khuỷu tay lúc bị thương. Do đó, người bị thương rất khó để nâng cánh tay.
Người bị thương có thể bị đau ở phía trước, phía sau của cẳng tay, cổ tay hoặc khuỷu tay. Cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm hoặc vào buổi sáng.
Bệnh nhân bị gãy xương trụ cũng có thể bị sưng, bầm tím và đau khi chạm vào vùng xương bị ảnh hưởng. Cơn đau cũng có thể tăng khi bạn cử động và sử dụng lực ở cổ tay hoặc khuỷu tay.
Đôi khi, bạn sẽ cảm giác kim đâm hoặc tê ở cẳng tay, bàn tay hoặc ngón tay. Đối với tình trạng gãy xương trụ nặng (di lệch xương), sẽ có biến dạng rõ ràng ở bên ngoài.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra gãy xương trụ?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy xương trụ là do lực chấn thương khi bạn té ngã tác động lên cổ tay, cẳng tay hoặc khuỷu. Với những người chơi thể thao như trượt ván họ sẽ có nguy cơ cao bị gãy xương trụ khi té ngã.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường bị gãy xương trụ?
Gãy xương trụ là một tình trạng tương đối phổ biến. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ ai. Những người thường xuyên vận động, đặc biệt là chơi thể thao sẽ có nguy cơ cao bị gãy xương. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc gãy xương trụ?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị gãy xương gồm:
- Chơi các môn thể thao dễ bị chấn thương chẳng hạn như bóng đá, trượt ván…
- Tai nạn gây thương tích cho cẳng tay
- Cao tuổi (người càng lớn tuổi càng dễ bị gãy xương)
- Mật độ xương thấp (loãng xương).
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương trụ?
Bác sĩ vật lý trị liệu hoặc bác sĩ chuyên khoa sẽ khám kỹ vết thương cùng cới chụp X-quang để chẩn đoán gãy xương trụ. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải thực hiện thêm xét nghiệm như chụp MRI, CT hoặc xạ hình xương để hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của thương tích.
Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương trụ?
Đối với gãy xương trụ bị di lệch hoặc liên quan đến chỗ trật cổ tay hay khuỷu tay, bạn cần phải được nắn xương (tức là sắp xếp lại chỗ gãy nứt). Sau đó, tay sẽ được bó bột thạch cao, dây đeo hoặc nẹp để cố định xương trong một vài tuần.
Đối với gãy xương trụ không di lệch, bạn thường được bó bột thạch cao trong khoảng 8 tuần.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra xương bằng X-quang để đảm bảo xương lành đúng vị trí.
Bạn nên nghỉ ngơi trong thời gian bó bột để vết thương nhanh lành. Hơn nữa, bạn cũng cần thực hiện các bài tập giúp mô và cơ không bị cứng trong quá trình bó bột.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của gãy xương trụ?
Không có thông tin có sẵn. Xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn y khoa.
Bất cứ trường hợp gãy xương nào cũng cần phải đi khám bác sĩ để kiểm tra di lệch và nắn xương nếu cần. Xương trụ nói riêng và xương cánh tay nói chung đóng vai trò quan trọng trong cử động tinh tế và linh hoạt của bàn tay, do đó nếu di lệch không được chỉnh sửa đúng sẽ để lại những di chứng lâu dài lên chức năng hoạt động và thẩm mỹ của cánh tay. Do đó, bạn hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi nghi ngờ gãy xương để được điều trị và tư vấn sớm nhất có thể.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.