Tìm hiểu chung
Dị ứng mủ nhựa là gì?
Dị ứng mủ nhựa là phản ứng với một số protein nhất định được tìm thấy trong mủ cao su tự nhiên. Nếu bạn bị dị ứng mủ nhựa, cơ thể sẽ cho rằng mủ nhựa là chất có hại.
Dị ứng mủ nhựa có thể gây ra các phản ứng dị ứng khác nhau, từ kích ứng da đến sốc phản vệ, một tình trạng đe dọa tính mạng. Bác sĩ có thể xác định xem bạn có bị dị ứng mủ nhựa hoặc nếu bạn có nguy cơ mắc dị ứng mủ nhựa.
Hiểu biết về dị ứng mủ nhựa và các sản phẩm có mủ cao su sẽ giúp bạn ngăn chặn các phản ứng dị ứng này.
Mức độ phổ biến của dị ứng mủ nhựa?
Dị ứng mủ nhựa không phổ biến. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Các triệu chứng của dị ứng mủ nhựa?
Nếu dị ứng với mủ nhựa, bạn có khả năng bị phản ứng sau khi tiếp xúc với mủ nhựa có trong găng tay cao su hoặc do hít phải các hạt mủ nhựa trong không khí thoát ra khi một người nào đó gỡ bỏ găng tay cao su. Các triệu chứng dị ứng mủ nhựa dao động từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào sự nhạy cảm của bạn và mức độ tiếp xúc với mủ gây dị ứng. Phản ứng của bạn có thể nặng hơn sau nhiều lần tiếp xúc với mủ.
Các triệu chứng nhẹ
Các triệu chứng dị ứng mủ nhựa nhẹ bao gồm:
- Ngứa
- Da đỏ
- Phát ban hoặc nổi mẩn đỏ
Triệu chứng nặng hơn
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Ngứa, chảy nước mắt
- Ngứa rát họng
- Khó thở
- Khò khè
- Ho
- Các triệu chứng của sốc phản vệ
Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ, có thể gây tử vong. Phản ứng phản vệ phát triển ngay sau khi tiếp xúc với mủ ở những người có độ nhạy cảm cao, nhưng sốc phản vệ hiếm khi xảy ra lần đầu tiên khi bạn tiếp xúc với mủ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Khó thở
- Mề đay hoặc sưng phù
- Buồn nôn và ói mửa
- Thở khò khè
- Huyết áp hạ
- Chóng mặt
- Mất ý thức
- Lẫn lộn
- Mạch yếu
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Đi cấp cứu ngay nếu bạn nghĩ rằng mình đang có phản ứng phản vệ.
Nếu bạn có phản ứng vừa phải sau khi tiếp xúc với mủ nhựa, hãy đến gặp bác sĩ. Nếu có thể, hãy gặp bác sĩ khi phản ứng đang diễn ra, điều này sẽ hỗ trợ chẩn đoán.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra dị ứng mủ nhựa?
Dị ứng mủ nhựa xảy ra khi hệ thống miễn dịch cho rằng mủ nhựa là một chất gây hại và tạo ra các kháng thể nhất định để chống lại chất này. Lần sau, khi bạn tiếp xúc với mủ nhựa, các kháng thể ra hiệu cho hệ miễn dịch giải phóng histamine và các chất hóa học khác vào máu, tạo ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng. Càng tiếp xúc nhiều với mủ nhựa, hệ thống miễn dịch của bạn càng nhạy cảm và đáp ứng càng mạnh mẽ hơn.
Dị ứng mủ nhựa có thể xảy ra theo các cách sau:
- Tiếp xúc trực tiếp. Nguyên nhân phổ biến nhất của dị ứng mủ nhựa liên quan đến tiếp xúc với các sản phẩm cao su bao gồm găng tay cao su, bao cao su và bong bóng.
- Hít phải. Các sản phẩm cao su, đặc biệt là găng tay, phát tán hạt mủ nhựa ra không khí mà bạn có thể hít vào. Lượng hạt mủ trong không khí từ găng tay khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào thương hiệu của loại găng tay.
Có thể có những phản ứng khác với mủ mà không phải là dị ứng với mủ. Chúng bao gồm:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng. Đây là phản ứng với các chất phụ gia hóa học được sử dụng trong sản xuất gây ra những dấu hiệu và triệu chứng thường thấy như phát ban trên da, tương tự như nhiễm độc ivy, bao gồm phồng rộp 24–-48 giờ sau khi tiếp xúc.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng. Không phải là dị ứng, hình thức viêm da này rất có thể là do kích thích vì đeo găng tay cao su hoặc tiếp xúc với bột bên trong chúng. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm khô, ngứa, các vùng da bị kích ứng, thường trên bàn tay.
Không phải tất cả các sản phẩm mủ cao su đều được làm từ nguồn gốc tự nhiên. Sản phẩm có chứa nhựa nhân tạo, như sơn, không gây ra phản ứng.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bị dị ứng mủ nhựa?
Có rất nhiều yếu tố gây nguy cơ dị ứng mủ cao su như:
- Những người bị tật nứt đốt sống. Nguy cơ dị ứng mủ nhựa cao nhất ở những người bị tật nứt đốt sống – một dị tật bẩm sinh có ảnh hưởng đến sự phát triển của cột sống. Những người bị rối loạn này thường tiếp xúc với các sản phẩm cao su qua dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
- Những người trải qua nhiều cuộc phẫu thuật hoặc thủ thuật y khoa. Dùng găng tay cao su nhiều làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng mủ nhựa.
- Nhân viên y tế. Nếu bạn làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, bạn có nguy cơ gia tăng phát triển dị ứng mủ nhựa.
- Công nhân cao su. Tiếp xúc thường xuyên với mủ cao su có thể làm tăng sự nhạy cảm. Người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị dị ứng. Bạn có nguy cơ dị ứng mủ nhựa nếu bạn bị các dị ứng khác như sốt cỏ khô hoặc bị dị ứng thức ăn hoặc các dị ứng này phổ biến ở gia đình bạn.
Mối liên hệ giữa dị ứng thực phẩm và dị ứng mủ nhựa
Dị ứng cao su cũng liên quan đến các loại thực phẩm nhất định như bơ, chuối, hạt dẻ, kiwi và trái lựu. Những thực phẩm này chứa một số chất gây dị ứng tương tự được tìm thấy trong nhựa mủ. Nếu bạn dị ứng với nhựa mủ, bạn có nguy cơ cao bị dị ứng với những thực phẩm này.
Chẩn đoán & Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán dị ứng mủ nhựa?
Bác sĩ chẩn đoán dị ứng mủ nhựa ở những người:
- Đã có những triệu chứng của một phản ứng dị ứng, giống như phát ban da, nổi mề đay, mắt bị kích ứng hoặc chảy nước mắt, thở khò khè, ngứa hoặc khó thở khi tiếp xúc với mủ hoặc một sản phẩm cao su thiên nhiên
- Có nguy cơ bị dị ứng mủ được ghi nhận qua xét nghiệm máu hoặc da, ngay cả khi họ không có triệu chứng.
- Nếu bạn cần xét nghiệm da để kiểm tra dị ứng mủ nhựa, một chuyên gia dị ứng phải có mặt để giám sát phòng trường hợp bạn có một phản ứng nghiêm trọng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị mủ nhựa?
Mặc dù có nhiều thuốc giảm các triệu chứng của dị ứng mủ nhựa, bệnh này không thể chữa khỏi. Cách duy nhất để ngăn chặn một phản ứng dị ứng là tránh tiếp xúc với các sản phẩm có chứa mủ.
Tuy nhiên, dù nỗ lực hết sức để tránh mủ, bạn có thể vẫn bị tiếp xúc với nó. Nếu đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với mủ, bạn nên mang epinephrine tiêm theo người bất cứ lúc nào. Nếu bị sốc phản vệ, bạn có thể cần:
- Tiêm khẩn cấp adrenaline (epinephrine)
- Đến phòng cấp cứu
- Oxygen
- Corticosteroid
Đối với phản ứng ít nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamine để kiểm soát phản ứng của bạn và giúp giảm bớt sự khó chịu.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý dị ứng mủ nhựa?
Nhiều sản phẩm thông thường chứa mủ, nhưng hầu hết đều có giải pháp thay thế phù hợp. Ngăn chặn một phản ứng dị ứng với mủ nhựa bằng cách tránh các sản phẩm như:
- Găng tay rửa bát
- Một số loại thảm
- Các dây đeo ở quần áo
- Bong bóng
- Đồ chơi bằng cao su
- Chai nước nóng
- Núm vú giả
- Một số loại tã dùng một lần
- Băng cao su
- Tẩy
- Bao cao su
- Màng chắn âm đạo
- Kính bơi
- Cán vợt thể thao
- Tay cầm xe máy và xe đạp
- Vòng đo huyết áp
- Ống nghe
- Ống truyền tĩnh mạch
- Ống tiêm
- Mặt nạ dưỡng khí
- Miếng đệm điện cực
- Mặt nạ phẫu thuật
- Các cầu nha khoa
Nhiều cơ sở y tế sử dụng găng tay không làm từ mủ cao su. Tuy nhiên, do các sản phẩm y tế khác có thể chứa mủ cao su, hãy bảo đảm các bác sĩ, y tá, nha sĩ và nhân viên y tế biết về dị ứng của bạn trước khi tiến hành bất kỳ xét nghiệm hay thủ thuật nào. Đeo một chiếc vòng đeo tay để cảnh báo cho những người khác về tình trạng dị ứng mủ nhựa của bạn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 12 cách chống dị ứng bằng liệu pháp tự nhiên
- Điều trị dị ứng chó mèo ở trẻ nhỏ có khó không?
- Dị ứng tinh trùng: Nguyên nhân và cách điều trị