Định nghĩa
Chứng cong vẹo cột sống là bệnh gì?
Chứng cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong hẳn sang một bên. Mức độ cong của cột sống được đo bằng góc. Góc càng rộng thì nguy cơ chứng cong vẹo cột sống nặng hơn càng cao. Nếu trẻ ở cuối giai đoạn phát triển có cột sống bị cong dưới 30 độ thường không cần phải theo dõi nghiêm ngặt và hiếm khi bị nặng hơn. Nếu cột sống cong trên 50 đến 75 độ, bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp mạnh để điều trị.
Cong vẹo cột sống thường bắt đầu khi còn nhỏ và tệ dần khi trưởng thành.
Những ai thường mắc phải chứng cong vẹo cột sống?
Nhiều bệnh nhân cong cột sống nặng bắt đầu bị cong cột sống khi còn rất nhỏ (dưới 10 tuổi) và đa số là nữ. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng cong vẹo cột sống là gì?
Hầu hết trẻ bị cong vẹo cột sống không có triệu chứng đau nhưng có thể bị gù một bên lưng hoặc có một bên vai cao hơn bên kia khi cúi người về trước. Ngoài ra, hông của trẻ sẽ phát triển không đều và hay dựa vào một bên.
Ở người lớn, đau cột sống là dấu hiệu phổ biến nhất của chứng cong vẹo cột sống nặng. Những dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm: giảm chiều cao, tăng độ nhô lên của xương sườn hoặc thay đổi vòng eo không phải do tăng cân. Vòng eo bụng thay đổi càng nhiều nghĩa là bị cong càng nặng.
Khi cột sống bị cong nặng, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau cột sống và nặng nhất là khỏ thở. Chứng cong vẹo cột sống gây ra các vấn đề về cảm xúc khá nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám nếu bạn phát hiện có triệu chứng hoặc bất thường nào ở cột sống, đặc biệt là hình dạng lưng.
Nếu chỉ bị cong nhẹ, bạn sẽ không nhận ra bất thường do biểu hiện không rõ nhưng người khác sẽ nhìn thấy. Do đó, nếu bạn thấy cột sống của bạn bè hoặc người thân của bạn không thẳng dù họ đứng thẳng, bạn nên báo cho người đó để đi khám càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra chứng cong vẹo cột sống là gì?
Nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống thường là không xác định được, nhưng có lẽ yếu tố di truyền cũng có tác động ít nhiều. Chứng cong vẹo ở người lớn đa phần do có tật bẩm sinh hiếm gặp như:
- Chiều dài của chân không đều nhau;
- Rối loạn xương sống bẩm sinh;
- Rối loạn thần kinh.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng cong vẹo cột sống?
Bạn có nguy cơ bị cong vẹo cột sống cao nếu gia đình có người mắc chứng cong vẹo cột sống.
Nhiều người vẫn cho rằng tư thế ngồi và đi đứng sai, ăn uống thiếu dinh dưỡng, tập thể dục sai cách sẽ tăng nguy cơ cong vẹo cột sống khi trưởng thành nhưng điều này không chính xác. Mặc dù những yếu tố này không gây cong vẹo cột sống nhưng vẫn có thể khiến bạn bị các bệnh khác như thoái hóa, viêm hoặc chấn thương cột sống.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị chứng cong vẹo cột sống?
Xương bị cong dần khi phát triển có thể không gây đau đớn và không cần điều trị. Đối với các tình trạng cong vẹo gây đau đớn và biến dạng cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Mặc dù không có thủ thuật y tế hay chế độ ăn uống tập luyện nào có thể tự chữa được chỗ cong vẹo, bác sĩ vẫn sẽ chỉ định thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm cho bạn nếu bạn không thể chịu nổi cơn đau.
Bác sĩ sẽ chụp X-quang thường xuyên để theo dõi quá trình cong vẹo cột sống và có thể dùng dây nẹp để ngăn chỗ cong vẹo bị nặng hơn nhưng không thể chữa được chỗ đã bị cong vẹo. Dây nẹp có thể ngăn việc cần đến phẫu thuật khoảng 70% cho trẻ.
Khi chỗ cong phát triển hoặc gây đau dữ dội, bạn phải được phẫu thuật nối lại đốt sống lưng. Trước khi đề nghị phẫu thuật, bác sĩ phải kiểm tra chắc chắn rằng đau lưng không phải do bệnh khác gây ra.
Các bài tập rèn luyện và kích thích cơ bằng điện không giúp ích cho người bị chứng cong vẹo cột sống.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chứng cong vẹo cột sống?
Bác sĩ chẩn đoán cong vẹo cột sống thông qua khám lâm sàng và chụp X-quang cột sống. Nếu có bản X-quang cột sống vài năm trước, bác sĩ sẽ dễ dàng so sánh và chẩn đoán hơn. Bác sĩ cũng có thể dùng thước đo cong vẹo cột sống.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chứng cong vẹo cột sống?
Bạn có thể kiểm soát chứng cong vẹo cột sống tốt hơn nếu bạn lưu ý vài điều sau:
- Đeo dây nẹp như chỉ dẫn. Tuy nhiên, nhiều chỗ cong vẫn bị nặng hơn kể cả khi đeo nẹp.
- Cố gắng tham gia vật lý trị liệu dù quá trình này khá đau đớn và nhức lưng.
- Không bỏ cuộc vì liệu trình trị liệu và theo dõi của bác sĩ có thể kéo dài vài năm hoặc hơn. Nếu có thể, bạn nên nhờ người thân hỗ trợ bạn.
- Cho trẻ làm xét nghiệm thường xuyên theo hướng dẫn bác sĩ để biết sớm biến chứng của cong vẹo cột sống.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.