Tìm hiểu chung
Bọ chét cắn là gì?
Bọ chét là những con bọ nhỏ. Chúng không có cánh nên di chuyển xung quanh bằng cách nhảy từ nơi này sang nơi khác. Bọ chét chủ yếu ăn những con vật nhưng có thể cắn và lây nhiễm sang người. Có thể khó khăn loại bỏ bọ chét ra khỏi nhà và chúng có thể tồn tại hơn 100 ngày mà không cần vật chủ.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bị bọ chét cắn là gì?
Các triệu chứng phổ biến khi bị bọ chét cắn là:
- Các vết cắn xuất hiện như nốt mụn nhỏ, màu đỏ
- Một “quầng” đỏ xung quanh vết cắn trung tâm
- Các vết cắn tụ lại thành nhóm ba hoặc bốn nốt hoặc thành một đường thẳng
- Các vết cắn xuất hiện xung quanh mắt cá chân hoặc chân
Bọ chét cắn rất ngứa và da xung quanh vết cắn có thể bị đau hoặc nhói. Bạn có thể bị phát ban hoặc nổi mẩn gần vết cắn.
Ngoài ra, gãi nhiều có thể làm da tổn thương thêm và nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn có thể phát triển.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:
- Khó thở
- Buồn nôn
- Sưng môi hoặc mặt
Một vết cắn do bọ chét cũng có thể bị nhiễm trùng. Nếu người bị bệnh có các tuyến bị sưng, đau dữ dội xung quanh vết cắn hoặc đỏ quá mức, hãy gặp bác sĩ.
Trong một số trường hợp, bọ chét có thể lây truyền bệnh qua vết cắn như sốt phát ban do bọ chét, bệnh dịch hạch, sốt phát ban và sốt do mèo cào.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào bị bọ chét cắn?
Con người thường là lựa chọn thứ cấp khi bị bọ chét cắn, vì con người không phải là vật chủ thích hợp cho bọ chét. Con người có xu hướng trở thành mục tiêu cho bọ chét trưởng thành đói, khi chúng chưa tìm thấy vật nuôi trong gia đình phù hợp hơn làm vật chủ.
Nếu người lớn hoặc trẻ em đi bộ hoặc bò qua nơi có bọ chét trưởng thành vừa thoát ra từ kén của chúng, họ có thể bị nó cắn.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bọ chét cắn?
Có vật nuôi trong nhà sẽ làm tăng nguy cơ bị bọ chét cắn, nhưng không chỉ người chủ sở hữu vật nuôi có nguy cơ. Nếu bạn không có thú cưng, bọ chét cắn bạn có thể đến từ sân vườn hoặc vật nuôi của người khác.
Bọ chét thích nơi có cỏ cao và khu vực sàn có bóng râm, đống gỗ hoặc các kho chứa đồ.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bọ chét cắn?
Hầu hết thời gian, bọ chét cắn không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn vẫn cần theo dõi các vết cắn để tìm ra dấu hiệu của phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng như mụn nước trắng hoặc phát ban.
Những cách chữa bọ chét cắn
Các cách trị bọ chét cắn có thể từ các biện pháp đơn giản tại nhà đến thuốc không cần toa (OTC), bao gồm:
- Dầu trà
- Kem dưỡng da chứa calamine
- Cortisone
- Giấm
- Thuốc kháng histamin
Để tránh nhiễm trùng thứ phát, điều quan trọng là bạn không làm trầy xước vết cắn. Điều trị vết cắn sẽ giúp giảm ngứa. Trong hầu hết các trường hợp, vết bọ cắn tự hết mà không cần điều trị.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý bọ chét cắn?
Để tìm hiểu xem bạn có bị bọ chét cắn hay không, hãy kiểm tra vật nuôi trong nhà. Tìm bọ chét hoặc vết bọ đốt trên da bằng cách chải ngược lông thú. Ngoài ra, nếu vật nuôi gãi ngứa thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy chúng bị bọ chét.
Đưa thú cưng đến bác sĩ thú y, sau đó xử lý bọ chét chuyên nghiệp với chuyên gia kiểm soát dịch. Chỉ lúc đó bạn mới có thể kiểm soát bọ chét cắn, ngăn ngừa ngứa và các vết trầy xước thêm. Để ngăn chó bị tái nhiễm, hãy thử vòng đeo cổ chống bọ chét.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Mẹ nên làm gì khi bé bị côn trùng cắn?
- Mẹo xoa dịu vết ngứa khi bị côn trùng cắn
- Vết cắn của loài rắn lành cũng cần sơ cứu