Tên gốc: vắc xin phòng dại
Tên biệt dược: Verorab®
Phân nhóm: vắc xin, kháng huyết thanh & thuốc miễn dịch
Tác dụng
Tác dụng của vắc xin Verorab® là gì?
Verorab® thường được sử dụng để phòng ngừa bệnh dại ở trẻ em và người lớn. Vắc xin có thể được sử dụng trước hoặc sau khi phơi nhiễm, với vai trò là liều tiêm đầu tiên hoặc dùng tăng cường.
Chủng ngừa dự phòng: Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nên được tiêm phòng. Tất cả những người phải tiếp xúc thường xuyên với virus như nhân viên phòng thí nghiệm chẩn đoán, nghiên cứu hoặc sản xuất đang làm việc với virus bệnh dại đều cần được chủng ngừa.
Nếu bạn phải tiếp xúc thường xuyên với virus, bạn nên thử nghiệm huyết thanh 6 tháng 1 lần. Nếu bạn không thường xuyên tiếp xúc, bạn cũng phải thử nghiệm huyết thanh từ 2–3 năm một lần. Nếu nồng độ kháng thể thấp hơn ngưỡng bảo vệ (0,5IU/ml), bạn nên chủng ngừa. Các xét nghiệm huyết thanh này được thực hiện bằng cách kiểm tra sự ức chế hoàn toàn của virus tham chiếu, bằng phương pháp thử nghiệm ức chế huỳnh quang nhanh (RFFIT).
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng vắc xin.
Liều dùng vắc xin Verorab® cho người lớn như thế nào?
Dự phòng trước phơi nhiễm:
Bạn sẽ được tiêm mỗi lần 1ml theo phác đồ 0,7 và 28 ngày.
Liều thứ 3 có thể được tiêm sớm nhất vào ngày 21 để đạt được trạng thái miễn dịch hiệu quả.
Nếu thường xuyên tiếp xúc với virus, bạn nên tiêm một liều tăng cường sau 1 năm. Các liều tiếp theo nên được tiêm trong khoảng 3 đến 5 năm sau đó.
Khách du lịch có nguy cơ phơi nhiễm sẽ được tiêm liều tăng cường.
Bác sĩ có thể cần phải đánh giá và yêu cầu tiến hành thử nghiệm huyết thanh để phát hiện ra kháng thể trung hòa virus gây bệnh dại (≥ 0,5 IU/ml) theo đúng với các khuyến cáo chính thức.
Dự phòng sau phơi nhiễm:
Điều trị sau phơi nhiễm nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi bạn nghi ngờ tiếp xúc. Bạn cần vệ sinh vết thương ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Bạn đến viện Pasteur hoặc trạm y tế địa phương gần nhất để được tiêm vắc xin và tiêm chủng thụ động theo chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng vắc xin Verorab® cho trẻ em như thế nào?
Liều dùng cho trẻ em giống với liều người lớn.
Cách dùng
Bạn nên dùng vắc xin Verorab® như thế nào?
Vắc xin chỉ được tiêm dưới sự kiểm soát của bác sĩ hay các chuyên viên y tế.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Vì bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ chỉ định và theo dõi quá trình bạn sử dụng vắc xin, trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều khó có thể xảy ra.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Vì bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ chỉ định và theo dõi quá trình bạn sử dụng vắc xin, trường hợp quên liều khó có thể xảy ra.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng vắc xin Verorab®?
Giống như tất cả các loại thuốc, Verorab® có các phản ứng phụ như:
- Có biểu hiện bất thường tại chỗ tiêm như đau nhức tại chỗ được tiêm, nổi ban đỏ, sưng phù, ngứa tại chỗ tiêm;
- Có các phản ứng như sốt nhẹ, run, khó chịu, suy nhược, nhức đầu, chóng mặt, đau khớp, đau cơ, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, đau bụng);
- Nổi mề đay hoặc phát ban;
- Trẻ sinh non (sinh trước 28 tuần tuổi thai) có thể xảy ra tình trạng nhịp thở chậm trong 2-3 ngày sau khi chủng ngừa.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng vắc xin Verorab®, bạn nên lưu ý những gì?
Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng có nguy cơ bị tác dụng phụ cao hơn những bệnh nhân thông thường.
Vắc xin chứa lượng nhỏ neomycin và betapropiolactone, vì vậy những người bị quá mẫn với betapropiolactone, neomycin và các kháng sinh khác cùng nhóm cần thận trọng khi được tiêm vắc xin.
Nếu kháng thể ngừa dại được chỉ định thêm khi bạn đã được tiêm vắc xin chủng ngừa, bạn sẽ được tiêm ở một vị trí khác với vị trí tiêm ban đầu.
Những bệnh nhân mắc chứng rối loạn xuất huyết như hạ huyết áp hoặc giảm tiểu cầu hay những người điều trị chống đông nên thận trọng khi tiêm chủng vắc xin.
Trẻ sinh non (dưới 28 tuần thai) và những người có tiền sử viêm hô hấp có thể mắc chứng ngưng thở cần được theo dõi hô hấp trong 48-72 giờ sau khi tiêm chủng lần đầu. Tuy nhiên, việc chủng ngừa cho trẻ mang lại lợi ích cao nên bạn không nên trì hoãn chủng ngừa cho trẻ.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)
Do mức độ nghiêm trọng của bệnh, lịch tiêm chủng vẫn sẽ không thay đổi đối với phụ nữ mang thai. Nếu phát hiện có thai trong thời gian tiêm chủng, bạn nên nhanh chóng tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Vắc xin này có thể được sử dụng trong thời gian cho con bú. Trước khi tiêm chủng, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Vắc xin Verorab® có thể tương tác với thuốc nào?
Corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác có thể gây trở ngại cho việc tạo ra các kháng thể và khiến việc chủng ngừa vắc xin mất tác dụng.
Các loại kháng thể miễn dịch khác phải được tiêm ở một vị trí khác với vị trí tiêm vắc xin (thường ở bên đối diện).
Vắc xin Verorab® có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy thảo luận với bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá. Bạn không nên uống rượu trong thời gian dùng vắc xin.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến vắc xin Verorab®?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng vắc xin này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe đặc biệt nào.
Bảo quản vắc xin
Bạn nên bảo quản vắc xin Verorab® như thế nào?
Vắc xin được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (2-8°C).
Vắc xin có thể được sử dụng đến 8 giờ sau khi pha loãng với điều kiện duy trì ở 2-8°C. Vắc xin không sử dụng nữa phải được xử lý sau 8 giờ.
Dạng bào chế
Vắc xin Verorab® có những dạng và hàm lượng nào?
Vắc xin Verorab® có dạng dung dịch tiêm gồm 1 liều và ống tiêm với thể tích 0,5ml.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.